Vươn tầm để xuất khẩu
Những năm gần đây, tỉnh Bắc Kạn đã thu hút được những dự án lớn về chế biến gỗ, sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ… Tỉnh Bắc Kạn có khoảng 100.000ha rừng trồng, đây là điều kiện thuận lợi để địa phương này phát triển công nghiệp chế biến gỗ.
Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam (khu công nghiệp Thanh Bình) chuyên sản xuất mặt hàng ván gỗ dán, đây là nhà máy có sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Năm 2021 và 2022, mỗi năm doanh thu của công ty đạt khoảng 500 tỷ đồng, tạo hàng trăm việc làm cho người lao động.
Tại khu công nghiệp Thanh Bình (huyện Chợ Mới) có 5 nhà máy chế biến gỗ đang hoạt động, sản phẩm chủ yếu là ván gỗ dán, ván sàn và các sản phẩm gia dụng dùng một lần chế biến từ gỗ. Hầu hết những sản phẩm này được xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản…
Ông Hoàng Văn Khởi, Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Kạn cho biết, dự án chế biến nông, lâm sản chiếm phần lớn doanh nghiệp đang hoạt động trong khu công nghiệp. 6 tháng đầu năm 2023, dù thị trường xuất khẩu sản phẩm từ gỗ gặp khó khăn nhưng lĩnh vực này vẫn đóng góp lớn về nguồn thu ngân sách cho địa phương.
Ngoài các dự án trong khu công nghiệp, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn còn có hàng chục nhà máy chế biến lâm sản có quy mô khá lớn và hàng trăm xưởng sản xuất khác. Bắc Kạn cũng là địa phương có dư địa lớn về trồng và chế biến sản phẩm nông sản, hiện có hàng chục nhà máy chế biến đang hoạt động. Trong đó đáng chú ý các dự án đang hoạt động hiệu quả như: Nhà máy sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe của Công ty CP Curcumin Bắc Hà, nhà máy chế biến nông, lâm sản của Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thành, nhà máy chế biến quả mơ, mận, củ gừng, rau kiệu, rau cải để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản của Công ty TNHH Việt Nam Misaki.
Mới đây, tháng 4/2023, Công ty TNHH Borderless ASIA (thành phố Bắc Kạn) đã chính thức đưa nhà máy chế biến nông sản, công suất hơn 5.000 tấn/năm vào hoạt động. Nhà máy này sẽ tạo ra các sản phẩm như mơ muối (công suất 1.500 tấn/năm), sản phẩm măng muối (2.000 tấn/năm), sản phẩm gừng muối (1.500 tấn/năm). Toàn bộ sản phẩm của công ty xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Nhật Bản.
Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, sắp tới đơn vị sẽ tiếp tục mở rộng nhà máy để chế biến thêm các sản phẩm từ quả ngô ngọt, lá tre bát độ, củ kiệu để xuất khẩu. Đây đều là những sản phẩm được thị trường Nhật Bản ưa chuộng, trong khi đó vùng nguyên liệu tại địa phương rất dồi dào.
Ngoài những dự án trên, tại tỉnh Bắc Kạn hiện cũng có 5 dự án chế biến nông sản đang triển khai, gồm: Dự án nông nghiệp công nghệ cao trồng và chế biến dược liệu chè hoa vàng theo phương pháp hữu cơ của Công ty CP đầu tư TNN Bắc Kạn; Dự án hệ sinh thái liên kết chuỗi sản xuất và chế biến chè công nghệ cao của Công ty CP Gap Việt Nam; Dự án sản xuất mỹ phẩm từ thảo dược của Công ty CP Dược phẩm Quốc tế PEANA, Dự án sản xuất hạt dẻ của Hợp tác xã Hợp Pháp và Dự án nhà máy chế biến nông, lâm sản của Công ty TNHH Sản xuất bê tông Bắc Kạn.
Hoàn thiện hạ tầng để thu hút đầu tư
Để "trải thảm đỏ" mời gọi đầu tư vào nông, lâm nghiệp, tỉnh Bắc Kạn đang tập trung xây dựng đồng bộ hạ tầng, trong đó xác định giao thông là điểm nghẽn phải tháo gỡ đầu tiên.
Suốt nhiều năm trước, tuyến quốc lộ 3 từ Thái Nguyên đến Bắc Kạn đi Cao Bằng nhỏ hẹp, nay đã quá tải. Năm 2017, tuyến quốc lộ 3 mới dài 45km từ Thái Nguyên đến khu Công nghiệp Thanh Bình (huyện Chợ Mới) đã đưa vào khai thác. Hiện nay khó khăn nhất là gần 40km còn lại từ Chợ Mới đến thành phố Bắc Kạn.
Nhưng điểm nghẽn này sẽ sớm được tháo gỡ khi tuyến cao tốc Chợ Mới - thành phố Bắc Kạn đã được phê duyệt, dự kiến sẽ khởi công vào năm 2024. Khi hoàn thành dự án này, thời gian từ thủ đô Hà Nội đến Bắc Kạn sẽ rút ngắn chỉ còn 2 giờ đồng hồ.
Bên cạnh giao thông, tỉnh Bắc Kạn cũng đang tích cực triển khai các cụm, khu công nghiệp. Hiện nay, Bắc Kạn đã quy hoạch được các cụm công nghiệp Nam Bằng Lũng (huyện Chợ Đồn), Huyền Tụng (thành phố Bắc Kạn), cụm công nghiệp Chu Hương (huyện Ba Bể), cụm công nghiệp Vằng Mười (huyện Na Rì), cụm công nghiệp Quảng Chu (huyện Chợ Mới), Cẩm Giàng (huyện Bạch Thông). Trong đó cụm công nghiệp Huyền Tụng đã hoàn thành, đang mời gọi các nhà đầu tư.
Thông tin từ UBND thành phố Bắc Kạn cho biết, cụm công nghiệp Huyền Tụng có diện tích sử dụng gần 11ha, nằm ở vị trí đắc địa có giao thông thuận lợi, chủ trương kêu gọi các dự án thân thiện với môi trường, trong đó chú trọng dự án chế biến nông, lâm sản. Hiện nay đã có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu, thực hiện các thủ tục để triển khai xây dựng nhà máy. Ngoài ra, dự án khu công nghiệp Thanh Bình giai đoạn II cũng đang giải phóng mặt bằng, dự kiến sẽ hoàn thành trong hai năm tới. Khi hoàn thành những khu, cụm công nghiệp này sẽ dành phần lớn mặt bằng mời gọi các dự án chế biến nông, lâm sản.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn, năm 2022 là năm thứ sáu liên tiếp Bắc Kạn tăng hạng trong bảng xếp hạng PCI. Năm 2022, tỉnh tăng 13 bậc, xếp thứ 35 trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Bắc Kạn hiện nằm trong tốp 10 tỉnh có điểm số cao nhất ở các chỉ số tính minh bạch, chi phí thời gian và tính năng động, tiên phong. Đặc biệt, năm 2022, chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) lần đầu tiên được đưa vào báo cáo PCI và Bắc Kạn là một trong 10 tỉnh có chỉ số PGI cao nhất cả nước. Đây là cơ sở vững chắc để Bắc Kạn tiếp tục thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án nông, lâm nghiệp.
Ông Lâm Tiến Giáp, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp (Sở KH-ĐT tỉnh Bắc Kạn) cho biết, tỉnh ưu tiên thực hiện các dự án mở rộng trồng chè chất lượng cao, chế biến rau, củ, hoa quả, miến dong, trồng cây dược liệu, gỗ lớn để phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy. Ưu tiên kêu gọi nhà đầu tư tham gia chuỗi liên kết ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại để chế biến sâu các sản phẩm nông lâm sản, xúc tiến thương mại và dịch vụ hậu cần nông nghiệp nhằm gia tăng giá trị để tạo thương hiệu riêng cho nông sản Bắc Kạn.
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn, tỉnh đang thu hút đầu tư 8 dự án trồng, chế biến lĩnh vực nông, lâm nghiệp gồm: Dự án nhà máy chế biến bảo quản các sản phẩm từ hoa quả có múi công suất 20.000 tấn/năm (TP Bắc Kạn); Dự án xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, diện tích 2ha (TP Bắc Kạn); Dự án nhà máy sản xuất rượu công nghiệp men lá gắn với du lịch cộng đồng công suất 1 triệu lít/năm (huyện Chợ Đồn); Dự án sản xuất các sản phẩm tiêu dùng thân thiện với môi trường công suất 1 triệu sản phẩm/năm (huyện Chợ Mới); Dự án liên kết phát triển chuỗi cung ứng sản xuất tiêu thụ rau an toàn, diện tích 40ha (huyện Bạch Thông); Dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao quy mô 100ha (huyện Bạch Thông); Dự án xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ tre, nứa công suất 100.000 m3/năm; Dự án viên nén mùn cưa từ phế phẩm lâm sản công suất 120.000 tấn/năm (huyện Chợ Mới).