Ngày 27/5, trên mạng xã hội có thông tin cho rằng những ngày dịch Covid-19 hoành hành, giá vải thiều ở Bắc Giang giá xuống rất thấp, có nơi người bán bị ép giá từ 8 nghìn đồng/1kg xuống còn 2 nghìn đồng/1 kg.
Thông tin này ngay lập tức được chia sẻ khá nhanh khiến nhiều người bức xúc, gây hoang mang cho dư luận, nhất là người trồng vải thiều ở Bắc Giang.
Vào cuộc tìm hiểu cho thấy, những năm gần do thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật nên giá vải thiều tại Bắc Giang rất được giá. Thậm chí năm 2020, sau chính thức bước vào thị trường Nhật Bản, giá vải thiều tại đây đã lên đến mức kỷ lục khi người dân phải chi tới 120 nghìn đồng cho 7 quả vải.
Hiện tại ở Bắc Giang mới đang có vải thiều sớm, vải chính vụ khoảng 20 ngày nữa mới thu hoạch, loại vải giá từ 3 – 4 nghìn đồng/kg cũng có nhưng đó hàng "hàng loại" hoặc là vải rụng còn giá vải bình thường, thương lái thu mua có nơi lên đến 35 - 40 nghìn đồng/1kg.
Ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, tối 27/5, cho NNVN biết, giá vải tại thị trấn Chũ (vải sớm) đang dao động khoảng 35-40 nghìn đồng/kg. Thông tin vải 2 nghìn đồng/kg là không chính xác, ảnh hưởng lớn đến người trồng vải. "Hiện chúng tôi đã cho cơ quan chức năng xác minh thông tin sai sự thật này và có biện pháp xử lý thích đáng", ông Nam nhấn mạnh.
Ngoài xuất khẩu, việc tiêu thụ vải thiều nội địa cũng đang diễn ra suôn sẽ, các siêu thị trong cả nước cũng đang nhanh chóng lên kế hoạch tiêu thụ trái vải, hỗ trợ nông dân tại Bắc Giang trong lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát như Tập đoàn Central Retail, hệ thống VinCommerce, hệ thống Saigon Co.op, hệ thống MM Mega Market,…
Trong đó, Tập đoàn Central Retail đã làm việc với tỉnh Bắc Giang và các nhà cung cấp về kế hoạch thu mua, tiêu thụ vải thiều mùa vụ 2021 và đang tính toán các phương án vận chuyển để đưa trái vải thiều của tỉnh này lên kệ sớm nhất. Còn hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op cũng dự kiến hỗ trợ tiêu thụ 400-500 tấn vải thiều dù trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang, năm 2021, diện tích vải thiều tại địa phương này là 28.100 ha, sản lượng ước đạt gần 200.000 tấn, trong đó, sản lượng vải chín sớm ước 45.000 tấn.
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, tỉnh Bắc Giang đã có kế hoạch ứng phó và khi dịch bùng phát, toàn tỉnh đã có những kịch bản chi tiết để đảm bảo việc thu hoạch cũng như tiêu thụ vải thuận lợi.
Trong đó, thị trường xuất khẩu chính của quả vải Bắc Giang vẫn là Trung Quốc, số ít còn lại sẽ xuất sang Nhật Bản, Australia, Singapore...
Tính đến 27/5, tỉnh Bắc Giang đã thu 10.935 tấn vải thiều, đã xuất khẩu sang Trung Quốc 3.198 tấn, xuất khẩu sang Nhật Bản 20 tấn. Trong đó, tại Nhật Bản, hôm nay vải thiều Bắc Giang đã chính thức lên kệ với giá rất cao, lên đến 349 nghìn đồng/1kg.
Còn với thị trường Trung Quốc, tình hình xuất khẩu quả vải qua cửa khẩu Lào Cai và Lạng Sơn rất thuận lợi, riêng giá bán tại khu vực biên giới với nước ta cũng rất cao, giao động 20 - 30 nhân dân tệ/kg, tương đương 72 - 108 nghìn đồng/kg.
Theo kế hoạch, năm nay, để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc, Sở NN- PTNT Bắc Giang đã chỉ đạo tiếp tục duy trì 149 mã số vùng trồng tại 4 huyện gồm: Tân Yên, Yên Thế, Lục Nam và Lục Ngạn, với tổng diện tích hơn 15,8 nghìn ha, chiếm 56,4% tổng diện tích vải toàn tỉnh và sản lượng ước đạt 95 nghìn tấn, chiếm gần 52,8% tổng lượng sản lượng vải toàn tỉnh.
Thời điểm này, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh vẫn đang tiếp tục cùng với chính quyền địa phương chỉ đạo, hướng dẫn người dân trồng vải giám sát chặt sẽ quy trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản quả vải thiều tươi đúng quy định, đáp ứng nhu cầu của thị xuất khẩu.
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Dương Thanh Tùng – Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, vải thiều Bắc Giang năm nay được mùa và giá cũng đang rất tốt so với mọi năm, hoàn toàn không có việc giá vải thiều giá thấp hay bị ép giá xuống còn 2 nghìn đồng/kg.
“Chúng tôi đã nắm được thông tin vụ việc và đang tiến hành xác minh nguồn thông tin xuất phát từ đâu. Tôi khẳng định chắc chắn không có việc đó, hiện tại, giá vải thiều bán tại vườn cho loại xấu nhất và thấp nhất cũng từ 20 nghìn đồng/kg trở lên”, ông Tùng khẳng định.