| Hotline: 0983.970.780

Theo dòng ‘vàng trắng’ trên đất nước chùa Tháp: [Bài 1] Những vùng hoang vắng giờ xanh bóng cao su

Thứ Hai 01/08/2022 , 08:32 (GMT+7)

Nhiều vùng đất vốn nghèo nàn, hoang vắng ở Kampong Thom (Campuchia) giờ đây đã hoàn toàn đổi thay với màu xanh trù phú của những vườn cao su.

Công nhân Công ty TNHH Phát triển cao su Phước Hòa Kampong Thom thu hoạch mủ cao su. Ảnh: Thanh Sơn.

Công nhân Công ty TNHH Phát triển cao su Phước Hòa Kampong Thom thu hoạch mủ cao su. Ảnh: Thanh Sơn.

Màu xanh cao su và dòng “vàng trắng”

Đứng giữa vườn cao su xanh tốt, đang khai thác của Công ty TNHH Phát triển cao su Phước Hòa Kampong Thom, ông Nguyễn Văn Luyến, Tổng giám đốc công ty không khỏi bồi hồi khi nhớ lại những ngày đầu đặt chân tới vùng đất này.

Đó là buổi trưa ngày 10/2/2009, 10 cán bộ của Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa (công ty mẹ của Công ty TNHH Phát triển cao su Phước Hòa Kampong Thom), trong đó có ông Luyến, đã có mặt tại xã Boeung Lavea, huyện Santuk, tỉnh Kampong Thom, Vương quốc Campuchia, để bắt tay vào việc khai hoang, trồng cao su tại đây.

Lúc ấy, nơi đây còn khá hoang vắng, dân cư thưa thớt, không có điện, nước, việc đi lại cũng rất khó khăn. Vừa rời khỏi một nơi đầy đủ tiện nghi ở Việt Nam, trong tháng đầu tiên tại Boeung Lavea, 10 cán bộ ấy phải lấy nước suối để sử dụng và thay phiên nhau nấu ăn cho cả nhóm do chợ ở rất xa. Sau này, khi đã đào được giếng để lấy nước sạch, điều kiện sinh hoạt của nhóm cán bộ này mới dần đi vào ổn định.

Bất chấp những khó khăn, thiếu thốn, gian khổ, những lô cao su đầu tiên dần hình thành trên vùng dự án của Công ty TNHH Phát triển cao su Phước Hòa Kampong Thom. Trong năm đầu tiên, công ty đã trồng được 504ha cao su, vượt kế hoạch 4ha. Trong năm sau tiếp theo, công ty trồng được hơn 2.000ha, năm thứ 3 là 2.500ha … Và đến khi kết thúc dự án, một vùng cao su xanh ngát, đầy sức sống rộng trên 7.600ha đã được hình thành ở xã Boeung Lavea.

Đó cũng là câu chuyện của các công ty cao su khác cũng đang đầu tư trên địa bàn tỉnh Kampong Thom. Những vùng đất vốn heo hút, vắng người, giờ đây đã được phủ kín bởi những lô, những vườn cao su nối tiếp nhau.

Gần 5.400ha cao su của Công ty Cổ phần Cao su Bà Rịa - Kampong Thom, hơn 7.200ha cao su của Công ty TNHH Phát triển cao su Tân Biên - Kampong Thom, 16.268ha cao su của Công ty Cổ phần Cao su Chư Sê - Kampong Thom, là những con số đầy ấn tượng để minh chứng cho sự đổi thay ấy.

Nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty TNHH Phát triển cao su Tân Biên - Kampong Thom. Ảnh: Thanh Sơn.

Nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty TNHH Phát triển cao su Tân Biên - Kampong Thom. Ảnh: Thanh Sơn.

Năm 2014, cán bộ, công nhân viên và người lao động của Công ty TNHH Phát triển cao su Tân Biên - Kampong Thom cùng hồi hộp đón chờ dòng “vàng trắng” đầu tiên chảy ra từ những cây cao su của công ty. Trong năm đó, công ty đã khai thác hơn 109ha, thu hơn 66 tấn mủ. Những năm sau, diện tích cao su đưa vào khai thác tăng dần lên. Đến năm 2019, công ty đã đưa vào khai thác toàn bộ diện tích 7.238,54ha và từ 2020 đến nay đã có lợi nhuận. Năm 2021, giá trị từ dòng “vàng trắng” của công ty đã được cụ thể hóa bằng doanh thu gần 379 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 58 tỷ đồng.

Sau đó không lâu, vào năm 2016, các công ty khác đầu tư ở Kampong Thom cũng lần lượt bắt tay vào khai thác thí điểm. Đến nay, toàn bộ diện tích cao su của các công ty tại tỉnh này đều đã được đưa vào khai thác với nhiều diện tích cho năng suất mủ cao như Bà Rịa - Kampong Thom đạt năng suất bình quân tới 2,15 tấn/ha …

Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do Covid-19, nhưng các công ty thành viên của Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) ở Kampong Thom đều hoàn thành "mục tiêu kép", đạt doanh thu và lợi nhuận cao: Chư Sê – Kampong Thom đạt doanh thu gần 787 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 206 tỷ đồng; Phước Hòa Kampong Thom đạt doanh thu 364 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 103 tỷ đồng; Bà Rịa – Kampong Thom đạt doanh thu trên 397 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 163 tỷ đồng.

Chế biến mủ cao su ở Công ty Cổ phần Cao su Bà Rịa - Kampong Thom. Ảnh: Thanh Sơn.

Chế biến mủ cao su ở Công ty Cổ phần Cao su Bà Rịa - Kampong Thom. Ảnh: Thanh Sơn.

“Kỳ tích” của Chư Sê - Kampong Thom

Nói về chuyện trồng mới cây cao su ở Campuchia, không thể không nhắc tới “kỳ tích” của Công ty Cổ phần Cao su Chư Sê - Kampong Thom.

Trong khi một số công ty khác đã bắt đầu trồng cao su ở Campuchia từ năm 2007 thì đến tháng 7 năm 2009, Công ty Cổ phần Cao su Chư Sê - Kampong Thom mới được thành lập. Đứng chân trên một địa bàn rộng lớn, điều kiện sinh hoạt và đi lại hết sức khó khăn, an ninh trật tự và chính trị phức tạp do có nhiều đảng phái chính trị hoạt động, nên những năm tháng đầu tiên là quãng thời gian đầy gian nan, thử thách đối với Chư Sê - Kampong Thom.

Trong bối cảnh đó, Chư Sê - Kampong Thom vẫn đặt ra mục tiêu là ngay trong năm đầu tiên, công ty phải trồng được 2.000ha cao su. Đây là một con số gần như “không tưởng”, bởi do nhiều nguyên nhân mà những công ty cao su đã đầu tư trước đó ở Campuchia, thì trong năm đầu tiên thường chỉ triển khai trồng thí điểm khoảng 70-80 ha. Về sau có Phước Hòa - Kampong Thom trồng được hơn 500ha trong năm đầu tiên.

Ông Nguyễn Duy Linh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Chư Sê – Kampong Thom, chia sẻ, sở dĩ công ty phải đặt ra mục tiêu lớn như vậy ngay trong năm đầu tiên là vì nếu như không tranh thủ thời gian triển khai thật nhanh, dự án có thể sẽ phải gặp nhiều khó khăn, thậm chí bị thu hồi đất nếu có sự thay đổi chính sách từ phía Campuchia.

Cao su trong khu vực dự án của Chư Sê - Kampong Thom. Ảnh: Thanh Sơn.

Cao su trong khu vực dự án của Chư Sê - Kampong Thom. Ảnh: Thanh Sơn.

Để triển khai trồng cao su trên 2.000ha ngay trong năm đầu tiên, Chư Sê – Kampong Thom đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, táo bạo. Về xe cơ giới, công ty huy động từ nhiều nguồn để đảm bảo luôn có khoảng 150 xe ủi cho công tác khai hoang.

Trong việc sử dụng nhân lực để triển khai trồng mới cao su, để đảm bảo được tiến độ đề ra công ty lên kịch bản rõ ràng: ai làm việc gì, ở đâu, vị trí nào; ở địa bàn nào ai là chính ai là phụ … Mỗi ngày, công ty huy động được tới trên 3.200 lao động, 200 xe vận chuyển.

Trồng mới đòi hỏi người trồng luôn phải thực hiện đúng các thao tác kỹ thuật. Tuy nhiên, do diện tích trồng mới quá lớn, đội ngũ cán bộ của công ty không thể giám sát nổi. Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo Chư Sê – Kampong Thom đã liên hệ với Đại học Nông lâm Huế, đưa toàn bộ sinh viên đến kỳ thực tập chuẩn bị cho việc tốt nghiệp, sang thực tập ngay tại công ty. Những kỹ sư nông nghiệp tương lai này đã góp phần đắc lực trong việc lên kế hoạch, hướng dẫn kỹ thuật, và giám sát chặt chẽ việc trồng mới trên từng lô cao su.

Với những cách làm bài bả, khoa học, quyết liệt và sáng tạo như trên, ngay trong năm đầu tiên, Chư Sê - Kampong Thom đã tạo ra sự đột phá trong việc trồng cao su ở Campuchia khi triển khai trồng được 2.029ha, đạt 101% kế hoạch, với tỷ lệ cây sống rất cao, lên tới 98%.

Phát huy thành công đó, trong những năm tiếp theo, Chư Sê – Kampong Thom liên tục trồng mới trên diện tích lớn với tỷ lệ sống đều ở mức 98%. Có năm công ty trồng mới tới 4.539ha. Và khi kết thúc trồng mới vào năm 2014, công ty đã trồng được 16.268ha cao su. Với kết quả này, Chư Sê - Kampong Thom đã được Ban lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tặng bằng khen khen thưởng đột xuất “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác trồng mới 5 năm từ năm 2010 đến năm 2014”.

Chính quyền địa phương đã đánh giá rất cao việc triển khai dự án của Chư Sê - Kampong Thom và cho rằng thiện chí đầu tư của Việt Nam là tốt, mang lại công ăn việc làm cho người dân địa phương, góp phần giảm bớt tình trạng du canh du cư trên địa bàn.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hà Nội hỗ trợ học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT

Từ 19/4, học sinh Hà Nội có thể ôn thi tốt nghiệp THPT 2024 trên kênh H2 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, ứng dụng HANOI ON trên thiết bị thông minh.

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm