| Hotline: 0983.970.780

Hệ lụy từ các dự án thủy điện ở miền Trung - Tây Nguyên

[Bài 10] Sông Ba kỳ vỹ còn lại gì?

Thứ Ba 01/06/2021 , 19:49 (GMT+7)

Thủy điện mang lại lợi ích kinh tế nhưng chúng ta phải đánh đổi bằng cái giá quá đắt vì sự hủy hoại môi trường, đánh đổi bằng tính mạng, tài sản của người dân.

Thủy điện An Khê - Ka Nak đã chặn dòng sông Ba, xuyên núi đưa nước về sông Côn. Ảnh Tuấn Anh

Thủy điện An Khê - Ka Nak đã chặn dòng sông Ba, xuyên núi đưa nước về sông Côn. Ảnh Tuấn Anh

Nhà thơ Văn Công Hùng, người gắn bó gần 40 năm và có nhiều nghiên cứu về văn hóa khu vực Tây Nguyên đã rất trăn trở khi nói về hệ lụy từ những dự án thủy điện gây ra đối với dòng sông Ba kỳ vỹ và ông đã viết:

Con sông Ba bị chặn dòng để làm nhiều thủy điện, trong đó có thủy điện An Khê – Ka Nak – “công trình sai lầm thế kỷ”. Cái oái oăm của thủy điện, nó không trả lại nước cho sông Ba mà lại làm một con sông nhân tạo để đổ nước về sông Côn (tỉnh Bình Định).

Điều này, báo hại toàn bộ hạ lưu sông Ba từ thị xã An Khê đến huyện Krông Pa thành con “sông chết”. Đoạn qua thị xã An Khê sông trơ đáy khiến hàng vạn người trong khu vực khốn khổ, không chỉ vì không có nước, mà còn bởi bị ô nhiễm trầm trọng. Trong khi đoạn sông Ba phía dưới thị xã Ayun Pa và Krông Pa có hiện tượng nước (dù còn rất ít) đổi thành màu xanh và bốc mùi hôi thối.

Nhà thơ Văn Công Hùng trăn trở với dòng sông Ba.

Nhà thơ Văn Công Hùng trăn trở với dòng sông Ba.

Tôi có cảm giác, ai cũng có thể làm thủy điện, cứ có tiền là làm thủy điện. Cũng có người bảo, không nhất thiết nhà đầu tư thủy điện phải phân biệt được thế nào là roto hay stato, đâu là cửa nhận nước hay đập tràn, mà đã có đội ngũ kỹ thuật lo, nhà đầu tư chỉ việc bỏ tiền là xong.

Là xong, nên mới xảy ra những vụ như ở thủy điện Đăk Mek ( huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum), người ta đã sử dụng nhiều loại vật liệu khác thay cho bê tông cốt thép, kết quả 109m tường ở đập thượng lưu bị vỡ, một người chết, đến mấy năm chưa xử lý xong hậu quả. Hay như vụ đập thủy điện Ia Krêl 2 (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vỡ đập không chỉ một lần mà đến 2 lần, tàn phá không biết bao nhiêu tài sản của dân.

Quay lại với thủy điện An Khê – Ka Nak, liên tục trên diễn đàn Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai và cả quốc hội, trong đó đại biểu quốc hội của Gia Lai là ông Huỳnh Thành đã phải thống thiết rằng, đây là công trình “sai lầm thế kỷ”.

Nó khiến con sông Ba hùng vĩ vắt ngang Tây Nguyên chảy xuống sông Đà Rằng giờ cạn khô đáy, lòng sông trở thành nơi bò gặm cỏ và ô nhiễm khủng khiếp, khiến cả vùng hạ lưu, trong đó có thị xã An Khê giờ thành những vùng khô khát.

Nhưng không hẳn chỉ khô khát, bởi thi thoảng, “hứng chí” nửa đêm thủy điện An Khê – Ka Nak lại xả nước, một vùng thị xã An Khê lại ngập chìm. Thủy điện đã từng vì xả lũ bất ngờ mà 2 cô giáo ở huyện K’bang trên đường đi dạy bị lũ cuốn trôi, nhà nước tốn rất nhiều công và của để tìm được xác 2 cô.

Cả 2 cô giáo đều còn rất trẻ, dẫu mưa gió nhưng vẫn đi vào trường dạy và nước xả từ thủy điện An Khê – Ka Nak ào ào xả xuống, họ đã không kịp chạy khi đang đi trên đường. Ngoài 2 cô giáo chết tức tưởi trong vụ này thì rất nhiều gia đình chỉ kịp chạy tháo thân mà không kịp mang theo gì, tất cả tài sản bị nhấn chìm dưới nước, không kể hoa màu lúa má...

Sông Ba địa phận thị xã An Khê khô cạn nước. Ảnh Tuấn Anh.

Sông Ba địa phận thị xã An Khê khô cạn nước. Ảnh Tuấn Anh.

Và cũng té ra, để làm thủy điện, rừng đã phải “hy sinh” rất nhiều, và theo đấy môi trường văn hóa của khu vực ấy cũng bị biến đổi theo hướng tiêu cực rất ghê. Chỉ một ví dụ nhỏ thôi, những ngôi làng tái dịnh cư thủy điện, đố ai nghĩ đấy là làng và cho các ông bà làm nên những “ngôi làng” ấy vào ở, họ có dám ở không?

Tôi là người chứng kiến từ đầu quá trình xây dựng nhà máy thủy điện Ya Ly (huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai). Hồi ấy, người ta giao ban hàng ngày trên công trường, hội đồng nghiệm thu nhà nước làm việc thâu đêm, cãi nhau như mổ bò để cho ra hoặc thông qua những quyết định. Giờ, ai cũng làm được, cứ lủi thủi trong rừng sâu, đến lúc tè le ra, như vỡ đập chẳng hạn, tai nạn chẳng hạn... mới ngồi quy trách nhiệm.

Nó tàn phá môi trường thiên nhiên đã đành, tàn phá cả môi trường văn hóa. Lối sống thay đổi, hoàn cảnh thay đổi, tập quán thay đổi... các làng định cư thủy điện làm tạm bợ, bê tông xi măng hóa...

Những người dân làm nghề đánh bắt cá quanh sông Ba đã phải bỏ đi nơi khác kiếm sống. Ảnh Tuấn Anh.

Những người dân làm nghề đánh bắt cá quanh sông Ba đã phải bỏ đi nơi khác kiếm sống. Ảnh Tuấn Anh.

Và hình như, thực chất của việc làm thủy điện lại không phải là... điện. Nên nhớ, đặc trưng làng của người Tây Nguyên là làng rừng. Giờ rừng hết, làng còn lại gì?

Những ngôi làng bám vào rừng, tương hỗ với rừng trong mối quan hệ hết sức khắng khít và trách nhiệm. Và từ đấy nó sinh ra một cách sống, một nền văn minh phù hợp với rừng. Nó tạo ra một nền văn hóa độc đáo và bền vững, hết sức sâu sắc và có trách nhiệm với đời sống.

Tất nhiên không phải là tất cả những gì mà nền văn hóa ấy sinh ra cũng đều tiến bộ, đều phù hợp với đời sống hiện tại. Chính vì thế mà cần sự chọn lọc, chính xác là chắt lọc, để nền văn hóa vẫn vận hành như vẫn và phù hợp với dòng chảy hôm nay.

Thủy điện, tới giờ người ta mới ngộ ra rằng, những gì nó làm cho xã hội không đáng là bao so với việc nó gây thiệt hại, mà trong đó, có những thứ gây hại vô hình chưa thống kê được. Đấy chính là sự tác động đến văn hóa Tây Nguyên, cả văn hóa vật thể và phi vật thể.

Trong đấy, việc mất rừng là sự tác động rất lớn (tất nhiên mất rừng có nhiều nguyên nhân khác nữa chứ không chỉ thủy điện), rồi việc các khu định cư không phù hợp, biến các ngôi làng Tây Nguyên thành các dãy nhà tập thể.  Rồi môi trường sống, môi trường canh tác thay đổi, các thói quen thay đổi, đời sống tinh thần thay đổi... có những thay đổi phù hợp nhưng cũng có những thay đổi cưỡng bức.

Một ví dụ, Bỏ mả không chỉ đơn thuần là một đám ma, là việc kết thúc chính thức một đời người, mà nó còn là một lễ hội văn hóa, cũng như các lễ mừng lúa mới, nhà rông mới... giờ hết, nó còn gì?

Từ độ cao 1.549m, sông Ba như chui ra từ lòng đất ở cao nguyên Kon Plông (khởi nguồn từ dãy núi Ngọc Rô- tây bắc tỉnh KonTum). Từ đây, sông Ba như một con rồng khổng lồ, uốn lượn trên các cao nguyên thuộc vùng Bắc Tây Nguyên. Kết thúc cuộc hành trình dài 374 km, sông Ba hòa vào biển lớn ở cửa biển Đà Diễn (còn gọi là cửa Đà Rằng), phía Nam thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên).

Sông Ba giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống các cư dân bản địa nơi nó chảy qua. Bằng những sản vật trời ban cho mình, sông Ba đã hào phóng dâng tặng lại tất cả cho con người. Đó là những loài cá quý mà người dân khai thác không bao giờ cạn.

Bên cạnh nguồn lợi thủy sản dồi dào, sông Ba còn giữ vai trò điều tiết nước tưới cho toàn bộ lưu vực nơi dòng sông chảy qua. Hàng năm, trước khi đổ ra biển Đông, sông Ba nặng tình nặng nghĩa không quên dâng tặng lại một lượng phù sa vô tận để từ đó, hình thành nên những bãi ngô, ruộng đậu quanh năm xanh tốt, những ruộng lúa trĩu bông vàng; những cánh đồng bông vải, thuốc lá bạt ngàn… Theo đó, những làng mạc sầm uất cùng dần mọc lên bên dòng sông.

Sông Ba được xếp thứ 6 trên 9 hệ thống sông chính của cả nước về tiềm năng phát triển thủy điện. Theo đó, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch xây dựng 6 công trình thủy điện, tổng công suất 659 MW.

Ngay từ thượng nguồn, tập đoàn Điện lực Việt Nam đã xây dựng công trình thủy điện An Khê- Ka Nak, đây là công trình thủy điện lớn nhất trên sông Ba, đoạn chảy qua Gia Lai. Tập đoàn Hoàng Anh- Gia Lai cũng kịp chọn cho mình vị trí thuận lợi để xây dựng thêm 4 công trình thủy điện trên dòng sông này gồm: Đăk Srông 2, Đăk Srông 2A, Đăk Srông 3A và Đăk Srông 3B. Gần về đến hạ du, thủy điện Sông Ba Hạ được xây dựng nơi giáp ranh hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên.

Thủy  điện sinh ra quá nhiều hệ lụy mà những cư dân sống dọc con sông từ thượng nguồn về đến hạ du là người phải gánh chịu. 

Trần Đăng Lâm

Cửa xả lũ của thủy điện An Khê - KaNak. Ảnh Tuấn Anh.

Cửa xả lũ của thủy điện An Khê - KaNak. Ảnh Tuấn Anh.

Ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người dân

Ông Lương Quang Ngọc, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa, người đã sống và làm việc tại đây đã hơn 20 năm, nơi gắn liền với dòng sông Ba cho biết:

Dòng sông Ba đã thay đổi, dữ dằn hơn trước rất nhiều và đã làm thay đổi hệ sinh thái vùng ở hạ lưu. Mùa khô thì cạn nước, mùa mưa thì lũ với cường đồ mạnh, gây sạt lở 2 bờ sông, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất cũng như đời sống của người dân nơi đây. Lũ chồng lên lũ cũng cuốn trôi nhiều ha đất sản xuất lâu đời của bà con nhân dân xã Chư Rcăm, Ia Rmok …

Bên cạnh đó, nét văn hóa truyền thống của đồng bào Jrai gắn với con sông Ba cũng bị thay đổi nhiều. Giờ đây ít thấy những hoạt động ở bến nước, bờ tre theo quan niệm của người Jrai nơi đây. Một phần là do Sông Ba không còn như trước, nước chảy hiền hòa, trong veo nữa. Thay vào đó là dòng sông đục ngàu, lúc thì khô lội tới đầu gối, lúc thì nước trên nguồn đổ về bất chợt.

Xem thêm
Phải đổi mới tư duy, phải 'cởi trói', phải quyết đoán, phải bứt phá, phải vượt lên chính mình

Tổng Bí thư nhấn mạnh việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực.

VIETRISA có vai trò chủ đạo trong vận hành ngành hàng lúa gạo

Đó là ý kiến chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại buổi làm việc với Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam (VIETRISA).

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trở lại Mường Nhé, cực Tây Tổ quốc

Mường Nhé, cực Tây Tổ quốc hôm nay vẫn còn gian khó nhưng thấm đẫm tình đất, tình người, tình đoàn kết của đồng bào miền xuôi và miền ngược.