| Hotline: 0983.970.780

Những hệ lụy từ các dự án thủy điện ở miền Trung - Tây Nguyên

[Bài 7] Những hệ lụy ở các khu tái định cư thủy điện

Thứ Năm 27/05/2021 , 17:52 (GMT+7)

Những ngôi làng tái định cư với nhà cửa khang trang được mọc lên từ vùng tái định cư thủy điện. Thế nhưng, qua thời gian đã xuất hiện rất nhiều điểm bất cập.

Thuận lợi thì ít, khó khăn thì nhiều

Việc triển khai xây dựng và tích nước lòng hồ của các công trình thủy điện ở tỉnh Quảng Nam đã khiến cho nhiều ngôi làng, đất sản xuất của người dân địa phương bị ảnh hưởng. Theo đó, có khoảng hơn 3.200 hộ dân với gần 15.000 nhân khẩu chịu tác động từ các dự án thủy điện đã, đang triển khai trên địa bàn tỉnh này.

Thủy điện Sông Bung 4. Ảnh: L.K.

Thủy điện Sông Bung 4. Ảnh: L.K.

Trong đó, có trên 1.700 hộ phải di dời, tái định cư nơi ở mới do nhà, đất sản xuất cũ bị ngập trong vùng lòng hồ và xây dựng các hạng mục công trình khác. Những dự án có nhiều hộ dân phải di dời là: thủy điện Sông Tranh 2 (1.046 hộ); thủy điện A Vương (330 hộ); Sông Bung 4 (229 hộ)…

Khu tái định cư thôn 2, xã Tà Pơơ (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) trước đây có 53 hộ dân bị ảnh hưởng khi xây dựng thủy điện Sông Bung 4 vào năm 2010. Với việc nhà cửa, đất sản xuất của người dân bị ngập nước vùng lòng hồ, các hộ dân này được đền bù, hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống ở vùng tái định cư cách nơi ở cũ khoảng 20km.

Trong phút chốc bỗng trở thành “triệu phú”, họ ồ ạt đua nhau xây dựng những ngôi nhà như “biệt phủ” với giá hàng trăm, thậm chí cả tỷ đồng – điều mà trước đây, dân làng chắc chẳng có ai dám nghĩ tới. Cứ thế, một ngôi làng mới khang trang nhanh chóng được mọc lên giữa bạt ngàn rừng núi.

Thế nhưng, đó đã là câu chuyện xã xưa cũ. Còn bây giờ đây những “triệu phú” đó lại phải đang chật vật với cuộc sống mưu sinh, với nỗi lo cơm áo. Bởi “miệng ăn núi lở”, tiền có nhiều, tiêu rồi cũng hết mà kiếm lại thì không dễ dàng. Lúc này, họ lại nhớ về quá khứ, về những ngày tháng thoải mái, tự do bên dòng sông Bung khi chưa có thủy điện.

Dự án thủy điện Sông Bung 4 bố trí đất sản xuất lúa cho người dân nhưng không có nước nên không thể canh tác. Ảnh: L.K.

Dự án thủy điện Sông Bung 4 bố trí đất sản xuất lúa cho người dân nhưng không có nước nên không thể canh tác. Ảnh: L.K.

Ông Pơloong Đếơch, Bí thư chi bộ thôn 2, xã Tà Pơơ (huyện Nam Giang) chia sẻ rằng, khi về khu tái định cư này, cũng có những thuận lợi nhất định. Chẳng hạn như đường sá được bê tông hóa, hệ thống điện sáng, trường học được đầu tư đầy đủ. Tuy nhiên, sau nhiều năm nhìn lại, bà con nơi đây đối mặt với rất nhiều khó khăn.

“Khó khăn lớn nhất hiện nay là người dân ở đây đang thiếu đất sản xuất. Trong thôn có 53 hộ về tái định cư, được cấp mỗi hộ 400m2 đất ở, 600m2 đất vườn và 1,5ha đất rẫy để sản xuất. Trải qua 10 năm con cái của các hộ gia đình lớn lên rồi tách ra ở riêng. Đến nay đã lên đến 111 hộ. Vậy mà đất thì cũng chỉ có chừng đó nên giờ có đến hơn 40 hộ không có đất sản xuất”, ông Pơloong Đếơch nói.

Cũng theo vị Bí thư chi bộ này, trải qua nhiều năm canh tác, vùng đất đồi mà người dân trong thôn được cấp cũng dần trở nên cằn cỗi, trồng cây gì cũng không lên nổi, có chăng chỉ thích hợp với cây sắn và cây keo. Trong khi đó, 2 lại cây này có giá trị kinh tế vô cùng thấp. Như cây keo trồng 4 đến 5 năm mới thu hoạch, sau khi trừ chi phí xe cộ, thì cũng chỉ lãi được 3 triệu/ha (chưa kể tiền công chăm sóc).

Ông Pơloong Đếơch, Bí thư chi bộ thôn 2 (xã Tà Pơơ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ về những khó khăn của người dân địa phương sau khi về ở khu tái định cư thủy điện Sông Bung 4. Ảnh: L.K.

Ông Pơloong Đếơch, Bí thư chi bộ thôn 2 (xã Tà Pơơ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ về những khó khăn của người dân địa phương sau khi về ở khu tái định cư thủy điện Sông Bung 4. Ảnh: L.K.

“Thứ 2 nữa là nhà của của bà con sau nhiều năm bây giờ cũng đã bị mối mọt, xuống cấp. Mỗi lần có thiên tai lại nơm nớp lo sợ. Kinh tế khó khăn không biết lấy đâu ra tiền để sửa chữa nhà cửa. Bởi nơi đây cách trung tâm xã đến vài chục cây số, tiền xe vận chuyển còn gấp 2, 3 lần tiền mua vật liệu xây dựng.

Chưa kể, đường sá xa xôi cách trở, mỗi mùa mưa lũ đến lại xảy ra sạt lở. Như năm 2020 vừa rồi, bà con chúng tôi bị cô lập đến mấy tháng trời, không có cách nào ra bên ngoài được. Đói khổ lắm, không có gạo chỉ biết nhổ củ sắn ăn thôi. Rồi ruộng lúa thì không hiểu bố trí sao mà nằm trên cao, không có nước nên đành phải bỏ không”, ông Pơloong Đếơch tâm sự.

Kể về những cái khổ của người dân ở vùng tái định cư thủy điện hôm nay, ông Pơloong Đếơch thỉnh thoảng lại xen vào những câu chuyện ở làng cũ khi chưa có thủy điện. Lúc đó, dù không có nhà cửa khang trang như bây giờ nhưng đổi lại, cuộc sống của họ thoải mái hơn nhiều.

Khi sống dọc 2 bên bờ sông Bung, hàng năm được bồi đắp một lượng phù sa màu mỡ, cây gì trồng xuống cũng lên xanh mơn mởn. Đất canh tác thì hộ nào cũng có đến vài ha. Những lúc nông nhà, người trong thôn lại xuống sông bắt con tôm, con cá về cải thiện bữa ăn cho gia đình. Nói chung là thời điểm đó, họ chưa bao giờ phải lo lắng về cái ăn, khác hẳn với bây giờ.

Cần sớm xử lý bất cập, tạo sinh kế cho người dân

Tại vùng tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 (thuộc xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) cũng chồng chất khó khăn không kém. Sau hơn 10 năm chuyển về khu tái định cư sinh sống, những ngôi nhà được xây từ nguồn kinh phí dự án cho người dân bây giờ cũng đã xuống cấp trầm trọng. Trong khi đó, nhiều hộ không có đất sản xuất, kinh tế khó khăn không có kinh phí sửa chữa nên họ đành chấp nhận “sống chung với cái khổ”.

Nhiều hộ dân ở khu tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 bỏ nhà đi nơi khác sinh sống. Ảnh: L.K.

Nhiều hộ dân ở khu tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 bỏ nhà đi nơi khác sinh sống. Ảnh: L.K.

Chị Hồ Thị Lan (SN 1984, trú thôn 2, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) tâm sự: “Nhà tôi về đây từ năm 2009. Sau khi nhường đất cho dự án thủy điện, họ xây dựng cho 1 căn nhà vài chục triệu đồng. Nhưng bây giờ nhà cửa thường xuyên thấp dột, cứ mùa mưa nước tràn vào không thể ở được, cả gia đình phải ở tạm dưới chân ngôi nhà sàn bên cạnh”.

Chưa kể, điều khó khăn nhất mà người dân nơi đây gặp phải chính là vấn đề nước uống và nước sinh hoạt. Ban đầu, dự án cũng xây dựng cho khu tái định cư hệ thống bể nước nhưng chỉ sử dụng được vài tháng rồi các bể chứa này trở nên khô khốc. Nhất là thời điểm vào tháng 6, tháng 7, nước thiếu trầm trọng. Các hộ dân phải bỏ tiền ra mua với giá 10.000 đồng cho 1 can 30 lít.

Chị Phạm Thị Vân (trú thôn 2, xã Trà Đốc) nói thêm, nếu như trước kia khi ở làng cũ, đất ruộng, đất rẫy thoải mái, không lo thiếu ăn thì bây giờ nhiều hộ sau khi nhận tiền đền bù xong không có đất sản xuất nữa, phải chạy ăn từng nữa. Đa số bà con phải đi làm thuê, làm  mướn, ai gọi gì thì làm nấy kiếm mỗi ngày 100.000 - 200.000 đồng nhưng không phải lúc nào cũng có việc.

"Khoảng năm 2018, phía thủy điện có nói rằng sẽ hỗ trợ vốn vay cho chúng tôi làm ăn nên cũng nhiều người đã đăng ký. Thế nhưng đến giờ rồi vẫn không thấy gì cả. Cuộc sống khó khăn quá nên nhiều nhà đành phải bỏ nhà ở đây để về làng cũ, tìm những diện tích đất chưa bị ngập nước để canh tác kiếm sống”, chị Vân chia sẻ.

Người dân khu tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 luôn phải đối mặt với nỗi lo thiếu nước sinh hoạt mỗi khi mùa khô đến. Ảnh: L.K.

Người dân khu tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 luôn phải đối mặt với nỗi lo thiếu nước sinh hoạt mỗi khi mùa khô đến. Ảnh: L.K.

Trả lời về vấn đề này, ông Huỳnh Ngọc Thiệu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bắc Trà My cho biết, sau khi lấy đất để xây dựng thủy điện Sông Tranh 2, dự án đã bố trí cơ sở hạ tầng đầy đủ. Đến giờ, đã qua 15 năm nên chắc chắn sẽ xuống cấp. Ở điểm tái định cư thôn 2 Trà Đốc vào mùa hạn hán sẽ thiếu nước.

"Tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 thực hiện đến giờ cũng đã lâu rồi do đó bây giờ quan trọng nhất là giải pháo của huyện sẽ thực hiện trong thời gian tới. Đối với nguồn nước thì vừa qua huyện bố trí hơn 1,6 tỷ và giao cho phòng Dân tộc đi khảo sát để lập kế hoạch đầu tư trung hạn giải quyết cho người dân.

Ngoài ra, theo Nghị định 64 của chính phủ, tỉnh Quảng Nam cùng với các huyện miền núi xây dựng các phương án hậu tái định cư thủy điện, thủy lợi để phát triển sản xuất. Đến nay, tỉnh đã trình Trung ương mà vẫn chưa cho thực hiện được. Nói chung, việc gì bức xúc trước thì làm trước, bức xúc sau thì làm sau”, ông Thiệu nói.

Còn đối với Khu tái định cư ở thôn 2, xã Tà Pơơ (huyện Nam Giang), ông Lê Văn Hường, Bí thư Huyện ủy Nam Giang cho rằng, việc giải quyết đất sản xuất cho các hộ dân phải tiến hành từng bước. Bên cạnh đó, muốn có đất sản xuất thì chuyển đổi một số đất rừng phòng hộ nhưng không có rừng cho để bố trí cho người dân.

“Vấn đề chuyển đổi rừng phòng hộ chúng tôi cũng đề nghị nhiều lần rồi nhưng vẫn chưa được. Hơn nữa, huyện cũng đã đề nghị các địa phương lập danh sách về các hộ dân thiếu đất, thiếu bao nhiêu, địa điểm cần bố trí chỗ nào để huyện tổng hợp gửi tỉnh. Vậy nhưng qua nhiều lần mà vẫn không thấy các địa phương phương án gửi lên”, ông Hường nói.

Xem thêm
Bổ nhiệm Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên - Huế

THỪA THIÊN - HUẾ Ông Hoàng Đăng Khoa, Phó Tổng Biên tập phụ trách được Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế bổ nhiệm giữ chức Tổng Biên tập báo Thừa Thiên - Huế, kể từ ngày 1/11.

Ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu vi phạm ngay từ trong bờ

Quyết tâm gỡ 'thẻ vàng' của EC trong năm 2024, Sóc Trăng không chỉ kiểm soát tốt đội tàu cá, mà còn tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc, giám sát hành trình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài cuối] Bán tôm cá 'bán' cả câu chuyện sông Đà

Để đảm bảo tính đa mục tiêu của vùng hồ thủy điện, Hòa Bình tập trung khai thác giá trị thương hiệu cá sông Đà, lấy du lịch làm 'đầu kéo' thủy sản lòng hồ.

Bình luận mới nhất