| Hotline: 0983.970.780

Những hệ lụy từ các dự án thủy điện ở miền Trung - Tây Nguyên

[Bài 8] Những hạn chế từ thủy điện phải được khắc phục

Chủ Nhật 30/05/2021 , 07:20 (GMT+7)

Tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc phát triển thủy điện trước đây đã có những tồn tại, hạn chế. Do đó, tới đây, tỉnh này sẽ cùng với các cấp ngành khắc phục từng bước.

Dân thường gánh chịu hậu quả

Việc phát triển thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã không ít lần xảy ra những sự cố ảnh hưởng đến người dân. Có thể kể đến một số sự việc đã xảy ra như: năm 2009, khi thủy điện A Vương (huyện Đông Giang) xả lũ đột ngột, cộng với mưa lớn, nhiều xã ở hạ du vùng Đại Lộc bị lũ kép gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: L.K.

Thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: L.K.

Đến năm 2012, thân đập thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My) rò rỉ, động đất xảy ra liên tục khiến hàng ngàn người dân huyện này “như ngồi trên đống lửa”. Năm 2013, thủy điện Đắk Mi (huyện Phước Sơn) xả lũ gây xói lở đất, cuốn trôi nhiều tài sản của dân.

Năm 2016, sự cố vỡ cống dẫn dòng đập thủy điện Sông Bung 2 (huyện Nam Giang) khiến 28 triệu m3 nước đổ xuống hạ du cuốn trôi nhà, người dân phải tháo chạy lên núi trú tránh…

Chưa kể, thủy điện cũng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân vùng hạ du. Theo đó, các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn là vùng sản xuất lúa của tỉnh Quảng Nam với diện tích lên đến hàng ngàn ha. Trong đó, nguồn nước tưới cung cấp cho cánh đồng lúa nơi đây phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn.

Hàng năm, cứ đến cuối vụ đông xuân, đầu vụ hè thu vùng sản xuất lúa này lại đối mặt với nguy cơ thiếu nước, nhiễm mặn. Để ứng phó với tình trạng này, ngành nông nghiệp cũng như chính quyền các huyện đã huy động mọi nguồn lực để đưa ra các giải pháp chống hạn mặn. Trong đó có việc yêu cầu các thủy điện tiến hành xả nước đẩy mặn cũng như cung cấp cho các trạm bơm để phục vụ việc bơm tưới.

Vụ sản xuất lúa đông xuân 2020 - 2021 vừa qua, khoảng 340ha diện tích lúa ở xã Điện Hồng 2 bị thiếu nước trầm trọng. Do đập Quảng Huế ngăn nước để chuyển dòng qua sông Vu Gia bị hư hỏng nên giải pháp gấp rút là yêu cầu thủy điện xả lớn để cứu lúa.

Nhiều căn nhà của các hộ dân được các dự án thủy điện xây dựng bây giờ đã xuống cấp nhưng kinh tế khó khăn không thể sửa chữa. Ảnh: L.K.

Nhiều căn nhà của các hộ dân được các dự án thủy điện xây dựng bây giờ đã xuống cấp nhưng kinh tế khó khăn không thể sửa chữa. Ảnh: L.K.

Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Tùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam, trước tình hình này, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cũng có văn bản đề xuất thủy điện xả nước cung cấp cho trạm bơm. Sau đó, các thủy điện có xả nhưng rất èo ọt. Thời điểm cao nhất, thủy điện Sông Bung chỉ xả với lưu lượng 65 m3/s, còn thủy điện A Vương là 32 m2/s, so với nhu cầu chưa thể đảm bảo.

Còn ông Nguyễn Đức Chơi, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam cho rằng, như năm nay (2021) hướng thủy điện ở hệ thống sông Vu Gia như thủy điện A Vương hạn chế xả nước nên khiến địa phương gặp khó khăn trong nguồn nước phục vụ cho nông nghiệp.

“Hằng năm diện tích sản xuất lúa bị nhiễm mặn của địa phương hơn 2.000ha. Do đó, từ năm 2013, chúng tôi có giải pháp xử lý là đắp đập ngăn mặn ở phường Điện Ngọc. Kinh phí đắp đập ngăn mặn hằng năm trên 2 tỷ đồng. Những đợt xâm nhập mặn thì thị xã cũng kiến nghị sở, sở trình lên tỉnh để làm việc với các thủy điện yêu cầu xả nước đẩy mặn cho hạ du”, ông Chơi nói.

Chủ đầu tư thủy điện vướng vòng lao lý, dân mất đất mỏi mắt chờ đền bù

Bên cạnh những dự án thủy điện đã triển khai thì tỉnh Quảng Nam còn có những dự án đang triển khai thì “đứng bánh”, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất của người dân trong vùng dự án. Điển hình như dự án thủy điện Nước Chè do Công ty CP thủy điện Nước Chè làm chủ đầu tư tại huyện Phước Sơn (Quảng Nam).

Chủ đầu tư dự án thủy điện Nước Chè vì liên quan đến 1 vụ án tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ khiến cho dự án này dừng thi công từ cuối năm 2020 đến nay. Ảnh: L.K. 

Chủ đầu tư dự án thủy điện Nước Chè vì liên quan đến 1 vụ án tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ khiến cho dự án này dừng thi công từ cuối năm 2020 đến nay. Ảnh: L.K. 

Dự án có tổng diện tích khoảng 120ha, công suất 30 MW, vốn đầu tư khoảng 750 tỉ đồng, ảnh hưởng đến gần 1.000 hộ dân 2 xã Phước Năng, Phước Mỹ (huyện Phước Sơn). Triển khai được hơn 2 năm, đến ngày 19/8/2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam bắt quả tang một nhóm người có hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ ngay tại công trình thi công thủy điện.

Mở rộng vụ án, ngày 30/8/2020, Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp Công an tỉnh Gia Lai thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Hồ Sỹ Thái (48 tuổi, ở TP Pleiku, tỉnh Gia Lai), Giám đốc Công ty CP thủy điện Nước Chè, để điều tra về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ.

Sau khi xảy ra vụ án, dự án thủy điện Nước Chè đã dừng thi công, gây ảnh hưởng đến người dân trong vùng. Ông Hồ Văn Phương (42 tuổi, thôn 1, xã Phước Năng) cho biết, gia đình ông có mảnh đất rẫy trồng chuối và cây keo, bị san ủi để làm đường dẫn ống trong quá trình thi công thủy điện Nước Chè, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ, đền bù, nhiều gia đình như ông lâm vào tình cảnh mất đất sản xuất mà không biết đòi bồi thường ở đâu.

Ông Hồ Văn Khu, Chủ tịch UBND xã Phước Năng cho hay, hiện vẫn còn 43 hộ dân của địa phương bị ảnh hưởng của dự án chưa được chủ đầu tư thủy điện Nước Chè đền bù, dù chủ đầu tư đã san lấp đất rẫy. Tổng số tiền chủ đầu tư nợ của 43 hộ dân hơn 1 tỉ đồng.

Sẽ khắc phục những tồn tại từ thủy điện

Theo Sở Công thương tỉnh Quảng Nam, tỉnh này có 46 dự án thủy điện đã được phê duyệt, với tổng công suất 1.808,46MW. Trong đó có 22 dự án thủy điện đã đưa vào vận hành với tổng công suất là 1.273,96MW;  6 dự án đang thi công xây dựng với tổng công suất thiết kế là 287,0MW; 18 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư với tổng công suất thiết kế là 241,7MW.

Nhiều hộ dân sống trong các vùng dự án thủy điện ở vùng núi Quảng Nam đang lâm vào tỉnh cảnh khó khăn. Ảnh: L.K.

Nhiều hộ dân sống trong các vùng dự án thủy điện ở vùng núi Quảng Nam đang lâm vào tỉnh cảnh khó khăn. Ảnh: L.K.

Các dự án thủy điện triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã lấy đi số lượng lớn diện tích rừng tự nhiên.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, tính đến cuối năm 2020, diện tích rừng chuyển đổi mục đích sang xây dựng công trình thủy điện là trên 1.446ha. Sau đó, vào năm 2006, tỉnh này cũng đã có chủ trương trồng rừng thay thế. Diện tích rừng thay thế theo thống kê đến thời điểm hiện tại là hơn 2.000ha. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là những rừng trồng thay thế sẽ không có được hệ sinh thái đa dạng như các cánh rừng tự nhiên đã phải nhường chỗ cho thủy điện.

Nói về các thủy điện trên địa bàn, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, ngoài 10 thủy điện lớn đã hoạt động thì 36 thủy điện vừa và nhỏ của tỉnh đã được rà soát, loại bỏ so với quy hoạch trước đây là 42 thủy điện trên cơ sở đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường.

“Quảng Nam sẽ không phát triển thêm thủy điện nào ngoài các thủy điện đã được phê duyệt. Về tác động của thủy điện thì khi thủy điện mới đưa vào vận hành chỉ có các quy trình vận hành đơn thuần từng hồ và việc vận hành này được giao cho Bộ Công thương chủ trì điều tiết. Lúc đó, địa phương không tham gia vào quy trình vận hành”, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói.

Cũng theo ông Thanh, sau những bất cập đã xảy ra thì Chính phủ đã ban hành các quy trình vận hành liên hồ chứa, các hồ phải phối hợp với nhau. Việc điều tiết xả nước, xả lũ về hạ du Chính phủ giao cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh trong một số trường hợp đặc biệt điều hành.

“Về tác động của hệ thống thủy điện sẽ có các vấn đề như tái định cư, giải quyết việc làm cho người dân, ảnh hưởng đến hệ sinh thái vùng hạ du thì trong quá trình lập hệ thống thủy điện đã có đánh giá tác động môi trường chiến lược.

Chúng ta đã biết có những tồn tại, hạn chế và cố gắng giảm thiểu. Đặc biệt là những thủy điện có ảnh hưởng đến hệ thống rừng tự nhiên, sạt lở do quá trình mở các đường công vụ, ảnh hưởng vùng hạ lưu, hệ thủy sinh… Chúng tôi đang cùng với các thủy điện cùng với bộ ngành liên quan nghiên cứu để phục hồi dần lại từng bước” ông Thanh nói.

Vị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thông tin thêm, đối với các hộ dân bố trí vào các khu tái định cư thì Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 62 để tổ chức thực hiện sắp xếp dân cư, tạo điều kiện ổn định đời sống cho người dân trong khu vực thủy điện. Về phía tỉnh Quảng Nam cũng xem xét tạo điều kiện cho người dân tham gia khai thác kinh tế trong lòng hồ thủy điện, hỗ trợ các mô hình chuyển đổi sinh kế cho người dân như chăn nuôi, trồng trọt.

Ngoài ra, các thủy điện cũng lắp đặt các hệ thống cảnh báo dọc vùng hạ du của thủy điện để thực hiện việc cảnh báo kịp thời cho người dân; lắp đặt các hệ thống camera trên các lòng hồ thủy điện; lắp các hệ thống đo mưa để đo lưu lượng nước về hồ. Căn cứ vào đó truyền camera trực tiếp về Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai để quan sát để ra các quyết định điều chỉnh nước phù hợp.

Về mùa hạn thì thủy điện phối hợp với Sở NN-PTNT căn cứ vào kế hoạch dùng nước của từng năm để có hướng đảm bảo nước cho sinh hoạt, sản xuất của người dân vùng hạ du. Trên cơ sở tích nước, đảm bảo nước, khi mưa đến hạn chế việc lãng phí nguồn nước sau đó điều tiết nước về hạ du. Trong trường hợp cần thiết tham gia để giảm mặn ở vùng hạ du khi mặn xâm nhập cao.

Xem thêm
Bổ nhiệm Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên - Huế

THỪA THIÊN - HUẾ Ông Hoàng Đăng Khoa, Phó Tổng Biên tập phụ trách được Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế bổ nhiệm giữ chức Tổng Biên tập báo Thừa Thiên - Huế, kể từ ngày 1/11.

Ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu vi phạm ngay từ trong bờ

Quyết tâm gỡ 'thẻ vàng' của EC trong năm 2024, Sóc Trăng không chỉ kiểm soát tốt đội tàu cá, mà còn tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc, giám sát hành trình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài cuối] Bán tôm cá 'bán' cả câu chuyện sông Đà

Để đảm bảo tính đa mục tiêu của vùng hồ thủy điện, Hòa Bình tập trung khai thác giá trị thương hiệu cá sông Đà, lấy du lịch làm 'đầu kéo' thủy sản lòng hồ.

Bình luận mới nhất