"Hung tin" của người dân Vĩnh Kim
Đang ngon trớn câu chuyện về cuộc sống, về chuyện làm ăn của đồng bào Bana trong làng, bỗng dưng ông Đinh Đôi, Bí thư làng O3, xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) như sực nhớ ra điều mà ông thấy rất kinh khủng, nên bất chợt cất giọng thảng thốt: “Bao nhiêu công trình thủy điện đang hoạt động trên sông Kôn bà con đã thấy ớn rồi, giờ nghe công trình thủy điện Vĩnh Sơn 4 bị đình chỉ 5 năm nay đang chuẩn bị thi công, hổm nay dân làng hoang mang lắm”.
Lần tìm hiểu, chúng tôi được biết Dự án thủy điện Vĩnh Sơn 4 đã được Bộ Công thương phê duyệt hiệu chỉnh quy hoạch tại Quyết định số 5712/QĐ-BCT ngày 27/10/2008. Công trình này có công suất 18MW, do Công ty CP Đầu tư Vĩnh Sơn làm chủ đầu tư.
Đầu năm 2015, UBND tỉnh Bình Định đã giới thiệu địa điểm xây dựng dự án. Dự án này cũng đã được Sở Công thương Bình Định thẩm định thiết kế kỹ thuật xây dựng tại Văn bản số 879/SCT-QLNL ngày 16/8/2016.
Trước đó, công trình thủy điện Vĩnh Sơn 4 được khởi công xây dựng vào tháng 4/2016, đã hoàn thành 1 số hạng mục như: Xây dựng xong cống dẫn dòng, đào xong vai phải đập dâng và hố móng nhà máy cùng các công trình phụ trợ như: Lắp đặt trạm trộn bê tông 125m3/giờ; lắp đặt trạm nghiền đá 250T/giờ; lắp đặt đường dây điện thi công 6.3kV/0.4kV; làm xong 3km đường thi công của dự án…
Thế nhưng do chính sách của Nhà nước có sự thay đổi với Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Theo đó, Dự án thủy điện Vĩnh Sơn 4 có dính tới 25,62ha rừng tự nhiên, do vậy ngành chức năng quyết định tạm dừng thi công công trình, để đơn vị chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Đồng thời hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường theo ý kiến của Bộ TN-MT tại Văn bản số 3413/BTNMT-TCMT ngày 6/7/2017 và theo Văn bản số 3804/UBND-KT của UBND tỉnh Bình Định ngày 24/7/2017.
“Đến nay, Công ty CP Đầu tư Vĩnh Sơn đã hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường và đã được Bộ TN-MT phê duyệt tại Quyết định số 1542/QĐ-BTNMT ngày 20/6/2019. Tuy nhiên, hội đồng thẩm định báo cáo tác động môi trường của công trình thủy điện Vĩnh Sơn 4 còn yêu cầu đơn vị chủ đầu tư phải hiệu chỉnh lại thiết kế cơ sở hạng mục tràn xả lũ.
Các nội dung điều chỉnh là tăng kích thước tràn cửa van để đáp ứng khả năng xả theo tính toán thủy văn khi cập nhật số liệu quan trắc đến năm 2019. Mặt cắt đập được thay đổi tăng kích thước để đảm bảo nâng hệ số an toàn cao hơn so thiết kế kỹ thuật đã duyệt vào năm 2016”, ông Nguyễn Ngọc Sang, Phó phòng Quản lý năng lượng thuộc Sở Công thương Bình Định, cho hay.
Cũng theo ông Sang, về kế hoạch sử dụng đất, Dự án thủy điện Vĩnh Sơn 4 đã được đồng ý chủ trương chuyển 25,62ha rừng tự nhiên sang sử dụng vào mục đích khác để triển khai dự án. Dự án thủy điện Vĩnh Sơn 4 cũng đã được UBND tỉnh Bình Định đồng ý nộp tiền trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng tại Văn bản số 6006/UBND-KT ngày 7/9/2020. Hội đồng thẩm định của UBND tỉnh Bình Định cũng đã thông qua việc chuyển đổi mục đích sử dụng 20,13ha rừng sản xuất của tỉnh, phần còn lại của dự án.
Đơn vị tư vấn thiết kế Dự án thủy điện Vĩnh Sơn 4 đang trong quá trình hoàn thành thiết kế kỹ thuật hiệu chỉnh, đến tháng 4/2021 trình Sở Công thương Bình Định. Hiện Công ty CP Đầu tư Vĩnh Sơn đang chờ UBND tỉnh Bình Định chấp thuận cho triển khai chặn dòng sông Kôn và thi công bản đáy đập.
Nỗi lo chồng chất
Đối với người dân miền núi, ngoài làm nương rẫy thì chăn nuôi bò và trồng rừng sản xuất còn là những nguồn thu nhập chính,nhất là đối với đồng bào Bana. Từ khi thủy điện Vĩnh Sơn 5 đi vào hoạt động, chuyện làm ăn của người dân làng Đăk Tral thuộc xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh) lập tức lâm cảnh khó khăn.
Bởi, đơn vị chủ đầu tư công trình thủy điện Vĩnh Sơn 5 không cho dân làng đi qua con kênh dẫn dòng để vào núi, trong khi sông Kôn thì thường xuyên bị công trình này chặn dòng để dẫn nước phát điện nên bà con chẳng thể dẫn bò qua sông lên núi Đăk Tang - Vĩnh Niên chăn thả. Bà con khai thác rừng trồng cũng không có đường vận chuyển gỗ về xuôi để tiêu thụ.
Theo ông Đinh Văn Vinh, Trưởng làng Đăk Tral (xã Vĩnh Kim), từ đó, người dân làng Đăk Tral phải mượn con đường qua sông Kôn nằm cách phía trên đập thủy điện Vĩnh Sơn 5 để đưa bò lên núi chăn thả và đi thu hái lâm sản dưới tán rừng làm kế sinh nhai.
“Sắp tới đây, khi công trình thủy điện Vĩnh Sơn 4 thi công, con đường ấy cũng sẽ bị mất bởi tại đó sẽ được xây dựng đập ngăn dòng, đồng nghĩa con đường lên núi của bà con bị mất. Trong khi bò nuôi của gần 100 hộ dân làng Đăk Tral lâu nay đều đi qua con đường ấy để lên núi chăn thả.
Ngoài ra, kế sinh nhai hàng ngày của người dân làng Đăk Tral là lên núi thu hái lâm sản dưới tán rừng như cắt lá chuối rừng, bức mây cũng sẽ bị mất. Bởi, không còn đường đi lên núi, nghĩa là bà con mất đứt nguồn thu nhập mỗi ngày khoảng 100 ngàn đồng. Thời gian gần đây, nghe thông tin công trình thủy điện Vĩnh Sơn 4 sắp thi công bà con như ngồi trên đống lửa, lại lo cho đời sống bị xáo trộn”, Trưởng làng Đăk Tral Đinh Văn Vinh bộc bạch.
Chị Đinh Thị Nguyên (23 tuổi), vừa vận chuyển số lá chuối thu hoạch được trong ngày qua sông Kôn đưa về xuôi bán vừa vui vẻ trò chuyện: “Mình đi cắt lá chuối rừng quanh năm. Lá chuối thương lái mua tính ký. Hiện lá chuối có giá 4.500đ/kg, mùa tết đắt hơn, 5.500 - 6.000 đồng/kg. Người nào sức yếu mỗi ngày cũng có thể cắt được 30kg, kiếm được hơn 160.000 đồng. Trai tráng chân khỏe hơn, đi được xa hơn thì cắt được nhiều lá chuối hơn, mỗi ngày kiếm đến vài ba trăm ngàn đồng. Đồng bào vùng cao mà mỗi ngày kiếm được chừng ấy tiền là quý lắm”.
Nỗi lo thủy điện Vĩnh Sơn 4 sắp xây dựng cắt mất con đường mưu sinh không chỉ của người dân làng Đăk Tral, những ngày này, người dân làng O3 (xã Vĩnh Kim) cũng lo sốt vó. Đặc biệt là đàn bò của dân làng O3 đang lo không còn đường qua sông đi lên núi chăn thả.
“Làng O3 có 36 hộ dân với 150 nhân khẩu. Trong làng chỉ có 2 hộ không nuôi bò, còn lại, tùy khả năng kinh tế mỗi hộ nuôi từ 5-10 con. Từ lâu, thủy điện Vĩnh Sơn 5 đã không cho bà con qua đập, giờ tiếp tục xuất hiện thủy điện Vĩnh Sơn 4, rồi đây không biết đàn bò của dân làng đi đường nào để lên núi.
Về con đường bà con đưa bò lên núi chăn thả và thu hái lâm sản dưới tán rừng, tôi cũng đã đề nghị chủ đầu tư công trình thủy điện Vĩnh Sơn 4 làm con đường từ cầu treo làng O3, dọc theo bờ sông Kôn lên đến đập thủy điện Vĩnh Sơn 4 để dân làng O3 và làng Đăk Tral lên núi làm kiếm ăn”, ông Đinh Đôi, Bí thư làng O3, tha thiết đề nghị.
"Họ làm thủy điện để kiếm tiền thì cũng phải cho người dân địa phương có cuộc sống ổn định. Tôi đã làm giấy đề nghị chủ đầu tư công trình thủy điện Vĩnh Sơn 4 khi xây dựng đập đồng thời phải lắp ống để sau này dẫn nước từ sông Kôn ra cho bà con lấy nước sinh hoạt", ông Đinh Đôi, Bí thư làng O3.