| Hotline: 0983.970.780

Bài 2: Bao giờ cho đến tháng 5

Thứ Tư 26/11/2008 , 08:00 (GMT+7)

Khi được hỏi từ nay đến vụ lúa chiêm năm tới sống bằng gì, những nông dân vùng “hậu” lũ chỉ biết im lặng. Họ không dám nhìn thẳng và đối diện với tương lai. Và bắt đầu xuất hiện nhiều nhà đóng cửa bỏ đi đâu không rõ...

Khi được hỏi từ nay đến vụ lúa chiêm năm tới sống bằng gì, những nông dân vùng “hậu” lũ chỉ biết im lặng. Họ không dám nhìn thẳng và đối diện với tương lai. Và bắt đầu xuất hiện nhiều nhà đóng cửa bỏ đi đâu không rõ...

>> Trung du sau lũ

Sau lũ, giá rau đắt đỏ. Nhiều nông dân đã “liều mình” trồng rau bên bờ sông Lục Nam để có rau ăn

Lũ lượt rời làng!

Ban ngày, tìm đến những ngôi nhà lá, vách nứa chiếm đại đa số ở xã Văn Lang (Hạ Hoà, Phú Thọ) thật khó kiếm được ai đó ở nhà. Những người còn sức đi làm thuê thì lo kiếm việc gì đó trong vùng, sáng đi tối về. 

Sau lũ, số những người bỏ làng như thế ngày càng tăng. Tôi xuống khu 3, xã Văn Lang, ông trưởng khu lắc đầu: “Đi rồi, đi cả rồi”. Hộ anh Nguyễn Văn Thắng, hộ anh Phạm Văn Bút, chị Bùi Thị Thoa…cả thảy 10 hộ tất cả. Tôi tìm lên khu 4, ông Phạm Văn Hùng - trưởng khu cũng lắc đầu cho biết, hộ anh Phạm Văn Quyết, anh Nguyễn Văn Bảo, chị Phạm Thị Lê…tổng cộng 6 hộ đã đi khỏi làng. Tôi ngược lên khu 7 xã Bằng Giã, ông trưởng khu cũng ngán ngẩm: Này nhé, hộ anh Nguyễn Minh Trí, bà Nguyễn Thị Quế, chị Nguyễn Thị Mây...5 hộ đã đi biệt tăm.

Chung cảnh ngộ như Văn Lang, sau các đợt mưa lũ, xã Bằng Giã (Hạ Hoà) đã có 15 hộ với 56 khẩu bỏ nhà đi xa. Con số này sẽ còn tăng lên dần từ nay đến Tết nguyên đán

Ngay như nhà ông Hùng, trưởng khu 4 xã Văn Lang có 4 đứa con thì đi cả 4. Ông Hùng cho biết chuyện thanh niên, người trung tuổi trong thôn mấy năm nay bỏ làng đi làm thuê biền biệt là “bình thường”. Năm nay thì khác, lúa mùa mất trắng. Vụ đông cũng “chết hẳn”.

Những hạt lúa giành dụm từ vụ chiêm cũng đã hết. Thanh niên ở nhà thì lấy gì ăn? Vậy nên chỉ còn nước bỏ lại những căn nhà lá bên trong vốn đã trống hoác vì lũ  mà đi. Ban đầu một vài cặp vợ chồng gửi con cho ông bà, sau thì quay về đưa cả con đi theo. Họ đi đâu? Ông Hùng cũng chẳng biết. Người làng chỉ đoán họ nhằm hướng Hà Nội, hoặc Bình Dương, hay Bắc Hà (Lào Cai)…miễn đi đâu làm ra tiền để sống.

12h trưa, tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Kim Xuyến (khu 1 xã Văn Lang). Chỉ có 2 đứa con nhỏ ở nhà, bụng chúng lép kẹp vì chưa có cơm ăn. Chúng đi chân đất, mặc phong phanh như không hề biết cái rét đầu đông mới về. Chị Xuyến - mẹ chúng đi phụ hồ. Đứa con gái lớn học lớp 7, người queo quắt như đứa bé 5 tuổi nói bố chúng sau lụt đã đi Nam. Nhà có 5 sào ruộng đã ngập, không có lúa ăn, chỉ còn gạo của xã cho mà thôi.

Hôm lũ, nước lên đến nóc nhà, cái tủ trôi ra đến ngõ, may bố ra kéo lại được. Quần áo, sách vở của cả 2 đứa đều bị trôi hết. Căn nhà lá vách nứa 2 gian vẫn in hằn ngấn bùn tận bàn thờ. Những lỗ thủng to tướng trên vách vì nước lũ đi qua nhà vẫn chưa trát lại được, phải giăng tạm nilon ngăn gió.

Thống kê sơ bộ của UBND xã Văn Lang từ sau lũ đến nay đã có 31 hộ bỏ làng ra đi. Quy mô của các hộ bỏ làng cũng tăng dần. Nhiều hộ có tới 7– 9 khẩu. Ông Nguyễn Thành Vân – PCT UBND xã Văn Lang lo ngại, toàn xã có 3.800 dân thì đã có 550 người bỏ làng ra đi. Đây chỉ là con số dựa theo thống kê của CA xã với người có đăng ký tạm vắng. Thực tế con số này có thể cao hơn rất nhiều.

Những đứa trẻ ở Hạ Hoà (Phú Thọ) và Lục Ngạn (Bắc Giang) đứng trước “tao đoạn” đói rét cùng với bố mẹ chúng

Chẳng còn gì để bám víu

Tối mùa đông ở Hạ Hoà buồn tê buồn tái. Ngoài QL32C, những quán thịt chó, karaoke, cà phê điện vẫn sáng choang, nhạc nổ boong boong - ấm cúng. Lùi sâu vào phía trong chỉ chưa đầy 100m, căn nhà 2 gian nhà chị Trần Thị Minh (khu 7, xã Bằng Giã) nền đất ẩm ướt, ngai ngái- dấu tích của đợt lũ kinh hoàng vẫn còn đó.

Những bức vách bằng nứa thống thiên thống địa vẫn chưa được bịt lại. Chị Minh đang chuẩn bị bữa cơm tối muộn nấu bằng gạo cứu trợ, ăn vào chỉ thấy xôm xốp, không mùi không vị. Thức ăn chỉ độc một bát canh rau cải. Xót xa thay! Bát canh ấy không có mì chính, húp vào thấy “xẳng” ngoẹt.

Ba đứa con chị Minh xúm xít bên cái nồi con có mấy miếng thịt mỡ đang nổ lép tép, miệng nhỏ nước miếng thòm thèm. Có thể đã rất lâu chúng chưa được “tận hưởng” mùi vị của thịt mỡ. Ông trưởng khu 7 xã Bằng Giã đi cùng với tôi giải thích: “Hình như hôm nay bên ngoại chị ấy có giỗ, chắc bà ngoại cho mấy lát mỡ”. Sở dĩ ông trưởng khu phải giải thích là vì ở Bằng Giã bây giờ có rau ăn đã là may lắm nói chi đến thịt! Những năm trước vào thời điểm này rau bừa phứa ra, bây giờ vài nghìn mới mua được một nắm, muốn ăn bữa “cơm rau” thoải mái bây giờ cũng “xa xỉ” rồi.

Anh Mai- chồng chị Minh mắc bệnh hen suyễn nhưng trước lũ cũng phải gắng gượng xuống Phủ Lý đi phụ hồ. Lũ về, trong nhà còn 3 bao thóc dư ra từ vụ chiêm chẳng ai khuân chạy lũ. Lúc lũ rút chỉ còn lại đống bã trấu hôi thối. Hai sào ruộng vụ mùa đã đi với lũ. Vụ đông, chị mượn thêm đất trồng ngô mong sao gỡ lại để ra Tết còn có cái ăn, thế nhưng sau 2 lần xuống giống, mất đứt gần 200 nghìn tiền phân đạm (bây giờ vẫn còn nợ) chỉ ra bắp như ngón tay.

2 sào mía trong vườn dự định ra Tết sẽ ép lấy mật đong gạo, nước lũ ngập liền 8 ngày mới rút, rồi lại mưa liên miên khiến những cây mía cứ khẳng khiu, trổ cờ trổ bông như cây lau. Ngó quanh ngó quẩn, chẳng còn gì để bám víu nữa. 70kg gạo cứu trợ ăn 2 tháng nay đã hết đến nơi. Tôi hỏi, vậy từ giờ đến tháng 5 sang năm mới có lúa gặt, nhà chị lấy gì để ăn? Chị Minh im lặng, thở dài “Ăn hết thì đi đong gạo nợ. Không thì đi vay giật tạm đâu đó”. Còn anh Mai thì chép miệng: "Đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy, chả nhẽ chịu chết đói à?”

Chị Hoàng Thị Đáy (dân tộc Cao Lan) ở khu 3 xã Phú Nhuận (Lục Ngạn, Bắc Giang) cũng bị sập nhà, mất trắng 2 sào lúa mùa, trôi 40 con gà. 3 tải thuốc bắc 2 vợ chồng đã thu gom từ 4 năm nay trị giá 20 triệu đồng cũng bị lũ cuốn mất. Chị cho biết đã nhận được 3 đợt gạo cứu trợ, tổng cộng 120kg. Còn lại 50kg chỉ ăn trong 1 tháng tới. Nếu không còn gạo cứu trợ thì lấy gì ăn? Chị Đáy nói: “Thì ta đi nhổ sắn, nhổ khoai thuê cho “chúng” lấy tiền mua gạo. Không thì ta lại lên rừng kiếm củi về bán vậy”.

Xem thêm
Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội trước sau đó bầu Chủ tịch nước

Công tác nhân sự sẽ được Quốc hội khóa XV thực hiện từ 20-22/5, trong đó chức danh Chủ tịch Quốc hội sẽ được bầu trước, sau đó là chức danh Chủ tịch nước.

Đông Nam bộ đủ nước cho vụ hè thu

Đông Nam bộ đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Mực nước hiện tại ở các hồ chứa trong khu vực có khả năng đáp ứng đủ cho sản xuất vụ hè thu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tây Ninh đã có thiệt hại do mưa lớn, dông lốc

Cơn mưa lớn chiều các ngày 16/5 và 17/5 đã khiến cho địa bàn tỉnh Tây Ninh có những thiệt hại đầu tiên về của. Rất may không ai bị thương, nguy hiểm tính mạng.