| Hotline: 0983.970.780

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở Quảng Ninh:

Bài 3: Ngành nông nghiệp Quảng Ninh ngày càng phát triển về chất lượng

Thứ Sáu 25/09/2020 , 21:35 (GMT+7)

Tính đến nay, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đang tập trung các giải pháp đồng bộ để tạo nền tảng phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả.

Trong đó, trọng tâm là ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa góp phần tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Đồng thời ứng dụng công nghệ cao, biến những hạn chế về đặc thù sản phẩm nông sản trở thành thương hiệu cao, đột phá trong chất lượng.

Nông sản công nghệ cao

Quảng Ninh là tỉnh đi đầu cả nước về các chương trình, mục tiêu quốc gia về nông nghiệp, nông thôn. Nhất là quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Quảng Ninh đã tạo ra nhiều sự đổi thay, phát huy những tiềm năng, thế mạnh trong phát triển sản phẩm nông nghiệp và đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP.

Việc áp dụng công nghệ cao vào các quy trình sản xuất đã thay đổi rõ rệt chất lượng, giá trị sản phẩm, tăng tính cạnh tranh cùng một mặt hàng sản phẩm. Nhiều mặt hàng nông sản ở Quảng Ninh, nhất là sản phẩm OCOP từng bước có mặt trên thị trường lớn nhờ đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chế biến, bảo quản, thay đổi đặc tính nhờ kỹ thuật, tăng hàm lượng dinh dưỡng, điều vị...

Đơn cử như sản phẩm trà hoa vàng của Công ty TNHH thương mại, dịch vụ và XNK Quy Hoa. Trước đây, sau khi thu hoạch hoa, công ty này sử dụng phương pháp phơi thủ công, sau đó sấy nóng qua hệ thống máy móc. Quá trình này sớm cho thấy yếu điểm, bởi hoa sau khi sấy nóng không giữ được mùi thơm, xỉn màu. Thêm vào đó, bao bì nhãn mác không bắt mắt càng khiến sản phẩm của công ty thiếu tính hấp dẫn.

Theo ông Lê Mạnh Quy, Giám đốc Công ty TNHH thương mại, dịch vụ và XNK Quy Hoa: "Sau khi áp dụng công nghệ sấy lạnh ở nhiệt độ -57 đến -62 độ, hoa giữ được màu sắc vàng tươi, vị đậm, thanh. Chúng tôi đã tối ưu hiệu quả của nó bằng cách thu hoạch hoa lúc sáng sớm, khi hoa mới nở. Đồng thời, cải thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm bằng vật liệu sạch, thân thiện với môi trường đã giúp sản phẩm trà hoa vàng được người tiêu dùng biết đến và sử dụng nhiều hơn".

Áp dụng công nghệ cao vào chế biến, giúp sản phẩm trà hoa vàng giữ được nguyên chất thành phần chất lượng, tăng cao giá trị sản phẩm. Ảnh: Anh Thắng.

Áp dụng công nghệ cao vào chế biến, giúp sản phẩm trà hoa vàng giữ được nguyên chất thành phần chất lượng, tăng cao giá trị sản phẩm. Ảnh: Anh Thắng.

"Áp dụng công nghệ vào sản xuất giúp sản phẩm trà hoa vàng tăng cao về giá trị, giá thành sản phẩm và chất lượng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ kết nối tất cả các quy trình từ sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói… áp dụng công nghệ cao để hướng tới rộng rãi thị trường trong nước và xuất khẩu", ông Quy nói thêm.

Hay các sản phẩm rau, củ quả của HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (TX Đông Triều) đã đầu tư xây dựng trung tâm sơ chế, chế biến và bảo quản nông sản. Nổi bật với nhà sơ chế, kho lạnh, hầm sấy quy mô lớn, hiện đại để bảo quản, sơ chế nông sản sau thu hoạch.

Quá trình đầu tư công nghệ vào toàn bộ quy trình trồng trọt, sản xuất đến bảo quản được HTX chú trọng đầu tư, tạo nên một sản phẩm đồng bộ. Nhất là sản phẩm dưa lưới được ngành chuyên môn đánh giá cao về chất lượng, an toàn sinh học và đảm bảo vệ sinh thực phẩm.

Bên cạnh các loại hình xúc tiến thương mại truyền thống, Quảng Ninh đã đưa các sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử, tạo kênh mua sắm thuận tiện mọi lúc, mọi nơi cho người tiêu dùng. Đến nay, sàn giao dịch đã và đang phát triển ổn định, các sản phẩm được quảng bá trên sàn giao dịch được đông đảo người dân biết đến và tin tưởng sử dụng.

Hướng tới sản phẩm nông nghiệp an toàn

Tại Quảng Ninh, nhiều mặt hàng nông sản, thủy hải sản đã bắt đầu được người dân, doanh nghiệp quan tâm áp dụng khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất, bảo quản và đóng gói để hướng đến ngành nông nghiệp công nghệ cao, tăng giá trị, tỷ trọng sản phẩm, tránh rủi do trong quá trình tìm đầu ra.

Vấn đề về 'tuổi thọ' của nông sản, dịch bệnh... càng khiến việc áp dụng KHKT, công nghệ cao trở nên quan trọng. Ảnh: Anh Thắng.

Vấn đề về "tuổi thọ" của nông sản, dịch bệnh... càng khiến việc áp dụng KHKT, công nghệ cao trở nên quan trọng. Ảnh: Anh Thắng.

Đến nay, tại Quảng Ninh, mô hình canh tác nông nghiệp chất lượng cao, áp dụng KHKT trong các khâu sản xuất đã được nhiều địa phương, doanh nghiệp triển khai. Song song với đó, ứng dụng khoa học công nghệ đã giúp một số nhà đầu tư lớn triển khai các dự án trọng điểm, tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn cung cấp trong hệ thống BigC, Vinmart, Lotte... 

Tương tự, các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thủy sản tại Quảng Ninh cũng được đẩy mạnh nhằm tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường ngày càng khó tính. Một số sản phẩm chế biến đặc thù của Quảng Ninh đã và đang trở thành sản phẩm hàng hóa nổi tiếng cả nước, từng bước vươn ra thị trường xuất khẩu. Số lượng cơ sở chế biến nông lâm thủy sản của tỉnh không ngừng tăng trưởng về quy mô và chất lượng.

Theo ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh : "Để ngành nông nghiệp từng bước tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng tăng giá trị sản phẩm, đa dạng thị trường, Sở NN-PTNT đã tập trung triển khai, hướng dẫn các đơn vị, địa phương sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, phát triển bền vững diện tích nuôi, trồng áp dụng các hệ thống quản lý, sản xuất an toàn thực phẩm như VietGap, GlobalGap... gắn phát triển nông nghiệp với du lịch. Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc sử dụng vật tư đầu như thuốc thú y, các chất phụ gia trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Yêu cầu người dân, doanh nghiệp chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt. Thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát dịch bệnh hiệu quả, bao gồm các hệ thống giết mổ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường".

"Trong thời gian tới, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ sẽ được triển khai và áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ rộng rãi tại các địa phương, nhất là quá trình nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất", ông Giang cho biết thêm.

Xem thêm
80% sản lượng dừa sáp Trà Vinh bán dưới hình thức nguyên liệu thô

Doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng diện tích dừa hữu cơ gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu tại Trà Vinh, cần liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Chất lượng là yếu tố số 1 để nâng cao thương hiệu rau quả Việt Nam

‘Để nâng cao giá trị thương hiệu ngành rau quả Việt Nam, chất lượng là yếu tố số 1, sau đó mới đến giá cả', Phó Tổng Giám đốc Doveco Nguyễn Thanh Tùng cho hay.

Hà Nội sắp phê duyệt chủ trương cải tạo lại ba chung cư cũ

UBND TP. Hà Nội có văn bản kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP. Dương Đức Tuấn về việc thực hiện đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ở Hà Nội.