Điểm sáng trong chuyển đổi nông nghiệp
HTX Hoa Bình Liêu có diện tích canh tác trên 18.000m2, với hàng nghìn giống hoa, cây cảnh các loại. Chủ nhiệm HTX đã rất vất vả đặt nền móng mới có thành quả như bây giờ. Quy trình trồng và chăm sóc hoa được đầu tư công phu, bài bản, ưu tiên áp dụng những công nghệ nuôi trồng mới. Đến nay, HTX này không chỉ cung ứng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh mà cho cả chợ đầu mối lớn ở Hưng Yên.
HTX Hoa Bình Liêu còn nhanh chóng trở thành điểm đến của nhiều du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Việc áp dụng song song mô hình phát triển nông nghiệp kèm du lịch đang dần trở thành điểm sáng phát triển kinh tế vô cùng hiệu quả ở vùng sơn cước.
Nhân lực lao động chính cho HTX chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số. Đồng thời, chính những người dân này sẽ hỗ trợ, cung cấp dịch vụ như ăn uống, đón khách giúp tăng cao mức thu nhập của không ít hộ gia đình. Theo anh Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc HTX Hoa Bình Liêu: “Ở thôn Cao Sơn có cảnh quan, khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp để trồng hoa và phát triển cây cảnh. Nhưng trước đây tôi phải suy nghĩ, đắn đo rất nhiều, bởi khó khăn lớn nhất cản trở mọi hoạt động, phương thức canh tác sản xuất là hệ thống giao thông bất tiện, khó khăn cho việc đi lại và vận chuyển vật liệu. … Tuy nhiên, hiện nay hệ thống giao thông thuận tiện giúp tôi có thêm động lực và kế hoạch phát triển mô hình trong thời gian sắp tới, du khách cũng đã biết đến HTX nhiều hơn và lựa chọn nó trong hành trình đến với Quảng Ninh”.
“HTX Hoa Bình Liêu đang trồng rất nhiều loại hoa với kỹ thuật chăm sóc đặc biêt, kỹ thuật trồng ứng dụng công nghệ cao nên được nhiều thương lái ưa chuộng. Ngoài ra, HTX đang tạo thêm việc làm cho chính người dân bản địa với thu nhập 250.000 đồng/ngày công”, anh Hải nói thêm.
Bình Liêu đang đẩy mạnh xây dựng quy hoạch phát triển vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, đồng thời gắn kết chặt chẽ tái cơ cấu nông nghiệp với nâng cao giá trị sản phẩm. Từ định hướng đó, nhiều mô hình mới trong phát triển kinh tế đã được người dân áp dụng góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Các tiềm năng và lợi thế về nông, lâm nghiệp với các loại cây đặc sản, có giá trị kinh tế cao như: Hồi, quế, thông, dong riềng… đều được khai thác có hiệu quả và đưa vào làm sản phẩn OCOP chủ lực của địa phương.
Hiện nay, huyện Bình Liêu đang quan tâm huy động các nguồn lực xã hội hoá để xây dựng các công trình động lực phục vụ đời sống dân sinh và phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân
Bên cạnh đó, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, tạo điều kiện và hỗ trợ người dân về lãi suất vay vốn phát triển sản xuất.
Rút ngắn khoảng cách vùng miền
Huyện Bình Liêu có địa hình chủ yếu là đồi núi, kết cấu hạ tầng còn chưa đồng bộ, dân cư sinh sống rải rác, đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số nên trình độ dân trí và nhận thức còn hạn chế. Địa phương luôn được tỉnh Quảng Ninh quan tâm hàng đầu trong việc duy trì sản xuất, phát triển kinh tế và đảm bản an sinh, xã hội.
Quá trình tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao luôn được hướng tới, song song với đó là đẩy mạnh theo giá trị ngành thương mại và dịch vụ dựa trên khai thác thế mạnh cửa khẩu.
Nhìn nhận và khắc phục những khó khăn, đánh thức tiềm năng vùng này, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp nhằm từng bước khai thác có hiệu quả lợi thế của địa phương, nhất là các thế mạnh về lĩnh vực thương mại, dịch vụ cửa khẩu, đề xuất, hỗ trợ và xây dựng cửa khẩu Hoành Mô để đẩy mạnh XNK hàng hóa nông sản.
Một trong những công trình thay đổi căn bản nhận thức, đời sống vật chất và tinh thần của bà con các dân tộc huyện Bình Liêu phải kể đến hệ thống các công trình giao thông kết nối tới 104 thôn, bản. Đây là công trình có tính nhân văn sâu sắc, khẳng định và phát huy vai trò trách nhiệm của lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp đến cơ sở với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết: Bình Liêu có 104 thôn, bản khó khăn về giao thông kết nối, chiếm đến 50% trong tổng số 208 thôn, bản khó khăn của toàn tỉnh. 104 thôn, bản của huyện từ chỗ điều kiện đi lại hết sức khó khăn, đặc biệt là khi mùa mưa lũ đến, giao thông chia cắt, nay đã có đường giao thông thuận lợi, ô tô đi vào tận nơi. Nhờ đó, đời sống của người dân đã có nhiều khởi sắc, có nhiều điều kiện thuận lợi để tự vươn lên thoát nghèo bền vững.
Việc hoàn thành hệ thống giao thông này trên địa bàn huyện Bình Liêu đã thực sự trở thành sợi dây kết nối, thúc đẩy sự phát triển các nguồn lực cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội của khu vực miền núi biên giới gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh, góp phần rút ngắn khoảng cách vùng miền trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, ông Ký nói thêm.
Hệ thống các công trình giao thông kết nối tới 104 thôn, bản huyện Bình Liêu được triển khai trên địa bàn các xã Đồng Văn, Hoành Mô, Đồng Tâm, Lục Hồn, Tình Húc, Vô Ngại, Húc Động và thị trấn Bình Liêu với tổng chiều dài hơn 250km. Công trình có tổng mức đầu tư khoảng hơn 1,3 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và nguồn vốn huy động của Chương trình Nông thôn mới, Đề án 196 (Chương trình 135); được triển khai thực hiện từ năm 2016 và hoàn thành đầu năm 2020.