| Hotline: 0983.970.780

Theo dòng 'vàng trắng' trên đất nước chùa Tháp

[Bài 3]. Những làng công nhân dưới tán lá cao su

Thứ Tư 03/08/2022 , 09:43 (GMT+7)

Để công nhân cao su "an cư, lạc nghiệp", các công ty thành viên của VRG ở Campuchia đã đầu tư xây dựng những làng công nhân đầy đủ điện, nước sinh hoạt.

Công nhân Công ty Cổ phần Cao su Chư Sê - Kampong Thom đi mua sắm tại siêu thị nằm trong khu vực dự án của công ty. Ảnh: Thanh Sơn.

Công nhân Công ty Cổ phần Cao su Chư Sê - Kampong Thom đi mua sắm tại siêu thị nằm trong khu vực dự án của công ty. Ảnh: Thanh Sơn.

Đổi đời nhờ làm công nhân cao su

Phia Rith là công nhân thuộc Nông trường 2, Công ty Cổ phần Cao su Bà Rịa – Kampong Thom. Trước khi đi làm cao su, Phia Rith sinh sống ở quê nhà tại tỉnh Kampot bằng cây lúa, cây khoai. Ruộng đất ít nên dù chăm chỉ làm lụng hết ngày này sang tháng khác, gia đình Phia Rith vẫn không khá lên được, cứ thiếu trước hụt sau.

Khi được người nhà giới thiệu đi làm công nhân cao su có thu nhập cao hơn và ổn định hơn, Phia Rith quyết định từ giã ruộng vườn, vượt quãng đường tới 400km, đến xã Kroyea, huyện Santuk, tỉnh Kampong Thom để làm công nhân cao su ở Nông trường 2, Công ty Cổ phần Cao su Bà Rịa – Kampong Thom. Đó là thời điểm công ty bắt đầu mở cạo vườn cây kinh doanh.

Từ làm ruộng chuyển sang làm công nhân cao su, thời gian đầu, Phia Rith gặp khá nhiều bỡ ngỡ, nhất là ở khâu cạo mủ cao su. Nhưng rồi, với sự hướng dẫn tận tình của cán bộ kỹ thuật, anh cũng làm quen được với công việc mới và dần trở thành một công nhân lành nghề.

Từ khi vào làm công nhân ở Nông trường 2, cuộc sống của Phia Rith và gia đình thay đổi rõ rệt so với hồi làm ruộng. Gia đình anh được công ty bố trí cư trú trong một căn hộ nhỏ tại một khu nhà ở công nhân dân cư do công ty xây dựng. Với thu nhập bình quân 1,3 triệu Riel một tháng (tương đương với gần 8 triệu đồng), giờ đây, gia đình anh đã có một cuộc sống ổn định, không còn thiếu thốn, được công ty chăm sóc sức khỏe, con cái đều được đi học tại Trường Tiểu học Hữu Nghị Bà Rịa Kampong Thom.

Nói tới chuyện tương lai, Phia Rith bộc bạch “Nếu công việc và cuộc sống ở đây vẫn được ổn định và đảm bảo như trong những năm qua, tôi sẽ gắn bó lâu dài với nông trường, với nghề công nhân cao su”.

Trẻ em người Campuchia ngồi chơi tại một khu dân cư tập trung dành cho công nhân cao su. Ảnh: Thanh Sơn.

Trẻ em người Campuchia ngồi chơi tại một khu dân cư tập trung dành cho công nhân cao su. Ảnh: Thanh Sơn.

Khác với Phia Rith, trước khi đi làm cao su, Yem Yuon – công nhân ở Công ty Cổ phần Phát triển Cao su Chư Sê – Kampong Thom, đã từng sang Thái Lan làm thuê. Nhắc lại những ngày làm việc nơi đất khách quê người, Yem Yuon không giấu nỗi sự ngao ngán. Bởi sang Thái Lan làm việc thông qua môi giới nên thông thường anh chỉ nhận được một nửa tiền công, thậm chí có những lần không nhận được đồng nào.

Bởi vậy, vào năm 2017, khi biết được Công ty Cổ phần Phát triển Cao su Chư Sê – Kampong Thom đang tuyển dụng công nhân, lại không xa quê nhà, Yem Yuon quyết định trở về nước, tới “đầu quân” cho công ty. Ngay khi vừa được nhận vào làm, gia đình Yem Yuon đã được công ty bố trí ngay chỗ ở có điện, nước đầy đủ, lại còn được hỗ trợ gạo hàng tháng, anh cảm thấy rất yên tâm, không còn nghĩ tới việc đi sang Thái Lan nữa.

Hiện tại, cả 2 vợ chồng Yem Yuon đều đang làm công nhân ở Chư Sê – Kampong Thom, với thu nhập bình quân của mổi người vào khoảng 360 USD một tháng, cao hơn hẳn so với hồi đi làm công bên Thái Lan. Tiền lương lại luôn được công ty phát đầy đủ vào 2 lần trong tháng, qua đó, giúp cho gia đình anh luôn có đủ tiền để trang trải sinh hoạt hàng ngày và trả được khoản nợ vay ngân hàng từ hồi cần tiền làm thủ tục để sang làm công bên Thái Lan.

Những làng công nhân

Ông Nguyễn Duy Linh thăm hỏi công nhân tại một khu dân cư do Chư Sê - Kampong Thom xây dựng. Ảnh: Thanh Sơn.

Ông Nguyễn Duy Linh thăm hỏi công nhân tại một khu dân cư do Chư Sê - Kampong Thom xây dựng. Ảnh: Thanh Sơn.

“Công nhân chỉ cần xách túi ni lông tới đây là có chỗ ở”, đó là chia sẻ rất thật lòng và của ông Nguyễn Duy Linh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Cao su Chư Sê – Kampong Thom.

Để công nhân yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài với công ty, đồng thời thực hiện đúng cam kết với Chính phủ Campuchia, trong những năm qua, Chư Sê – Kampong Thom đã đầu tư một khoản tiền lớn lên đến 6,6 triệu USD để xây dựng những khu nhà ở cho công nhân.

Từ chủ trương đó, lần lượt 9 khu dân cư tập trung theo hướng nhà song lập, đã được hình thành trong khu vực dự án của Chư Sê – Kampong Thom với tổng cộng 1.225 căn nhà, tổng diện tích 47.400m2, đảm bảo đáp ứng đầy đủ về nhu cầu chỗ ở cho người lao động.

Công nhân ký hợp đồng lao động với công ty, là được bố trí ngay chỗ ở có đầy đủ điện nước. Hàng tháng, mỗi công nhân còn được công ty hỗ trợ 20kg gạo. Công nhân được tham gia đầy đủ các loại hình bảo hiểm như bảo hiểm tai nạn lao động và bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cho người lao động, được chăm sóc sức khỏe kịp thời ... Bởi vậy, đúng như lời của ông Nguyễn Duy Linh, công nhân đến với Công ty Cổ phần Phát triển Cao su Chư Sê – Kampong Thom, chỉ cần mang theo một túi nilon đựng quần áo và một số vật dụng sinh hoạt cá nhân, là hoàn toàn có thể yên tâm ở lại sinh sống và làm việc.

Không chỉ có Chư Sê – Kampong Thom, các công ty cao su khác đang đứng chân trên địa bàn tỉnh Kampong Thom như Phước Hòa Kampong Thom, Bà Rịa – Kampong Thom, Tân Biên – Kampong Thon, đều đã bỏ ra những khoản tiền lớn để đầu tư xây dựng những khu dân cư tập trung, những làng công nhân, để người lao động có nơi cư trú ổn định, lâu dài.

Nhờ được “an cư” ngay từ khi vừa bước chân vào làm công nhân cao su, phần lớn người lao động Campuchia tại các công ty thành viên của VRG đều đã “lạc nghiệp” với nghề nghiệp của mình. Sự “lạc nghiệp” ấy, trước hết là mức thu nhập cao hơn nhiều so với mặt bằng chung và so với công nhân ở nhiều ngành nghề khác. Trên địa bàn tỉnh Kampong Thom, thu nhập bình quân hàng tháng tính ra tiền Việt của công nhân đang làm việc tại các công ty thành viên của VRG hiện từ gần 8 triệu đến 10 triệu đồng.

Một gia đình người Campuchia vào làm công nhân ở Nông trường 2, Công ty Cổ phần Cao su Bà Rịa - Kampong Thom. Ảnh: Thanh Sơn.

Một gia đình người Campuchia vào làm công nhân ở Nông trường 2, Công ty Cổ phần Cao su Bà Rịa - Kampong Thom. Ảnh: Thanh Sơn.

Có mức thu nhập cao và ổn định, được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động, lại được công ty bố trí nhà ở miễn phí, con cái đi học không mất tiền, sau nhiều năm làm việc, nhiều hộ công nhân cao su người Campuchia đã giành dụm được một khoản tiền đáng kể. Với số tiền ấy, nhiều người đã có điều kiện để sửa sang nhà cửa ở quê, mua sắm xe cộ, thậm chí là mua đất đai để làm vườn gia tăng thu nhập ở những nơi ngay sát dự án.

Ông Trương Quốc Thông, Giám đốc Nông trường 2, Công ty Cổ phần Cao su Bà Rịa – Kampong Thom, cho biết, hầu hết các hộ công nhân của nông trường đều đã có đất rẫy, hộ ít thì khoảng 1ha, hộ nhiều có tới 5ha. Có những gia đình lớn, tới 15 người, rủ nhau vào làm công nhân cho nông trường. Ngoài thời gian chăm sóc, thu hoạch mủ cao su, họ tranh thủ buôn bán để gia tăng thu nhập.

Do được bố trí chỗ ở, có thu nhập tốt và ổn định, tỷ lệ công nhân gắn bó lâu dài với Nông trường 2 là khá cao. Ông Trương Quốc Thông ước tính, hiện có tới hơn 50% công nhân đã gắn bó với nông trường từ khi thành lập (năm 2009) đến nay.

Các công ty thành viên của VRG ở tỉnh Kampong Thom đều tích cực tham gia đóng góp, ủng hộ cho chính quyền địa phương trong các hoạt động chính trị, xã hội, y tế, giáo dục …

Ngoài ra, các đơn vị còn tham gia đóng góp, ủng hộ các các quỹ từ thiện do địa phương vận động, đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ cho cộng đồng dân cư địa bàn nơi công ty trú đóng ... Những hoạt động đó đã tạo thêm mối quan hệ gần gũi giữa các công ty với công nhân, người dân và chính quyền địa phương.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm