Cao su trồng tới đâu, đường mở tới đó
Những cán bộ đầu tiên của Công ty TNHH Phát triển cao su Tân Biên – Kampong Thom đặt chân tới xã Kroyea, huyện Santuk, tỉnh Kampong Thom, Campuchia, cách đây 15 năm trước, để bắt tay vào thực hiện Dự án trồng cao su của công ty, vẫn chưa quên được khung cảnh vùng đất này vào thời điểm ấy. Đó là một vùng đất còn khá hoang vu, dân cư thưa thớt, xa chợ, không có điện, thiếu nước… mọi điều kiện sinh hoạt vô cùng khó khăn.
Ông Lâm Thanh Phú, Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển cao su Tân Biên – Kampong Thom, kể lại, đoạn đường từ quốc lộ đi vào dự án, chưa tới 40 km, mà mỗi lần đi qua là mất phải đi cả buổi, thậm chí cả ngày vì rất khó đi. Lúc đó, ở đây gần như không có nhà cửa, không người dân sinh sống do đi lại rất bất tiện, vất vả và thiếu thốn mọi thứ.
Bây giờ, đến khu vực dự án của Tân Biên – Kampong Thom, đã không còn thấy sự hoang vắng đó nữa. Thay vào đó là những lô cao su san sát nhau, tạo nên một màu xanh trù phú, đầy sức sống. Bên cạnh đó là những con đường cấp phối rộng rãi xe cộ thường xuyên qua lại, những khu nhà ở của công nhân, khu dân cư, chợ búa, hàng quán, trường học ...
Ông Lâm Thanh Phú cho biết, cao su trồng tới đâu thì đường sá được mở ra tới đó, để giúp cho việc kiểm tra, chăm sóc, khai thác mủ cao su của công ty được thuận tiện. Hệ thống đường giao thông này không chỉ gói gọn trong khu vực dự án mà được kết nối với địa phương. Qua đó, giúp cho người dân trong vùng đi lại dễ dàng hơn hẳn so với trước đây.
Cao su đến đâu, đường mở ra tới đó, góp phần quan trọng tạo nên một diện mạo mới cho hệ thống giao thông địa phương, là câu chuyện chung ở các khu vực dự án của các công ty thành viên Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đang đầu tư tại tỉnh Kampong Thom, Campuchia.
Như ở Công ty TNHH Phát triển cao su Phước Hòa Kampong Thom, khi mới bắt tay thực hiện dự án tại xã xã Boeung Lavea, huyện Santuk, những con đường trên địa bàn đều rất khó đi lại. Và rồi, khi diện tích cao su của công ty được mở tới đâu thì ở đó có ngay những con đường rộng rãi, đi lại dễ dàng và đều được kết nối với địa phương.
Tại dự án của Công ty Cổ phần Phát triển Cao su Chư Sê – Kampong Thom, từ một nơi gần như không có cơ sở hạ tầng, đến nay đã có hệ thống giao thông hoàn chỉnh, đường từ quốc lộ vào dự án đã được nhựa hóa. Hệ thống đường trục chính, đường trục nhánh, đường lô, đường liên lô, cầu cống … trong khu vực dự án của công ty, có tổng chiều dài tới trên 700 km, đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của xã Popok, huyện Stuong.
Ông Keo Nol, chủ tịch xã Popok, khi trao đổi với chúng tôi, đã đánh giá cao dự án đầu tư của Công ty Cổ phần Phát triển Cao su Chư Sê – Kampong Thom, vì tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân và giúp cho kinh tế, xã hội cũng như bộ mặt địa phương, có sự thay đổi rõ rệt so với trước đây.
Trường, trạm, điện và … chùa
Đường sá chỉ là khởi đầu cho một hành trình của dòng “vàng trắng” trong việc góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo của nhiều vùng nông thôn ở Campuchia.
Sau khi hoàn thành công tác trồng mới, các công ty lần lượt bước vào giai đoạn chăm sóc rồi khai thác. Số lượng người lao động ở các công ty vì thế cứ tăng dần lên.
Để người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với công ty, ngoài việc đảm bảo nơi ăn, chốn ở, công việc, thu nhập cho công nhân, các công ty thành viên của VRG ở Campuchia cũng đã bắt tay vào đầu tư xây dựng các hạng mục quan trọng khác như trạm y tế, trường học.
Đưa chúng tôi tới thăm Trường Tiểu học Hữu Nghị Bà Rịa – Kampong Thom, anh Chau Việt Sana, cán bộ của Công ty Cổ phần Cao su Bà Rịa – Kampong Thom, cho hay, từ năm 2010, công ty đã xây dựng một trường tạm để con em công nhân có chỗ học hành. Đến năm 2015, với sự hỗ trợ của một tổ chức phi chính phủ, công ty đã xây dựng trường lớp kiên cố cho các lớp từ lớp 1 đến lớp 6 và một lớp mẫu giáo. Hiện trường đang có 230 học sinh là con cái của các gia đình công nhân đang làm việc tại công ty và có cả học sinh đến từ những hộ dân trong vùng.
Có chỗ ở, có trạm xá để khám, chữa bệnh, có trường lớp cho con em học hành, người lao động đang làm việc tại các công ty đầu tư trồng cao su ở Kampong Thom hiện đều đã có đủ điện, nước sạch cho sinh hoạt hàng ngày.
Ở dự án của Công ty Cổ phần Cao su Chư Sê – Kampong Thom, ngoài điện lưới, công ty đã triển khai lắp đặt đèn năng lượng mặt trời tại trụ sở công ty, các nông trường, nhà máy chế biến, các khu dân cư và trên các tuyến đường trục chính để phục vụ việc đi lại ban đêm của người lao động. Đặc biệt, các nhà tổ đều có điện năng lượng chiếu sáng, giúp cho người lao động đi làm sớm cảm thấy yên tâm và được an toàn.
Có thể nói, việc các công ty thành viên của VRG tại Kampong Thom đầu tư xây dựng điện – đường – trường – trạm đã tạo hiệu ứng tích cực, mang lại sắc thái, diện mạo mới cho địa bàn dân cư quanh vùng nơi công ty trú đóng.
Trong khu vực dự án của Chư Sê – Kampong Thom, còn có cả một siêu thị khang trang mang tên Green Mart, mới được khai trương vào tháng 2 năm nay. Siêu thị được đầu tư bởi một hệ thống nhà hàng Việt Nam tại Phnom Penh, còn Chư Sê – Kampong Thom hỗ trợ mặt bằng.
Với đầy đủ các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, trong đó có nhiều thương hiệu đến từ Việt Nam, siêu thị Green Mart đã đáp ứng được nhu cầu mua sắm của công nhân Chư Sê – Kampong Thom. Sau giờ làm việc tại nông trường, nhà máy, công nhân có thể ghé vào mua các mặt hàng cần thiết mà không cần phải đi xa. Siêu thị còn thu hút được sự quan tâm, mua sắm của nhiều người dân trong vùng.
Hơn thế nữa, ngay tại nơi sinh sống và làm việc, công nhân đã có những ngôi chùa để sinh hoạt tôn giáo. Với người Campuchia, sinh hoạt tôn giáo không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Thấu hiểu điều đó, các công ty thành viên của VRG tại Kampong Thom đã đầu tư xây dựng nhiều ngôi chùa trong các khu vực dự án.
Tại xã Kroyea, huyện Santuk, 3 công ty Bà Rịa – Kampong Thom, Tân Biên – Kampong Thom và Phước Hòa Kampong Thom đã cùng đóng góp 180.000 USD để xây dựng một ngôi chùa khá lớn. Ngoài ngôi chùa dựng chung này, Bà Rịa – Kampong Thom còn xây dựng một ngôi chùa riêng trong khu vực dự án của công ty để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo cho công nhân. Chư Sê – Kampong Thom cũng đã chi ra trên 200.000 USD để xây dựng một ngôi chùa lớn ngay tại địa bàn trú đóng.
Những ngôi chùa do các công ty thành viên của VRG xây dựng, không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo của công nhân các công ty cao su, mà còn cả của nhiều hộ dân trong vùng. Có đường sá đi lại dễ dàng, có nơi ở kiên cố, có điện, có nước sinh hoạt, có trạm xá để khám bệnh, có trường học, và có cả chùa cho đời sống tâm linh, hàng nghìn lao động người Campuchia đang yên tâm gắn bó với công việc, với cuộc sống hàng ngày dưới màu xanh cao su.