| Hotline: 0983.970.780

Những hệ lụy từ các dự án thủy điện ở miền Trung - Tây Nguyên

[Bài 4] Thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ gây thiệt hại, chây ì khắc phục

Thứ Hai 24/05/2021 , 10:02 (GMT+7)

Thủy điện khẳng định xả lũ đúng quy trình, có vai trò rất lớn trong việc cắt giảm lũ cho hạ du, nhưng thiệt hại mà người dân phải gánh chịu thì vẫn hiển hiện

Mất nhà cửa, đất đai vì thủy điện xả lũ

Mỗi mùa mưa lũ về, người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Nam lại đối mặt với việc thủy điện xả lũ gây ngập úng. Nhiều tài sản bị nước lũ cuốn trôi, thậm chí có những gia đình mất sạch nhà cửa, đất đai sản xuất, cuộc sống gặp vô vàn khó khăn. Thế nhưng, phía thủy điện lại có ý muốn né tránh trách nhiệm.

Thủy điện Đắk Mi 4. Ảnh: L.K.

Thủy điện Đắk Mi 4. Ảnh: L.K.

Điển hình nhất, vào mùa mưa năm 2020, ảnh hưởng của cơn bão số 9 khiến cho nhiều vùng ở tỉnh Quảng Nam xảy ra mưa lớn. Lúc này, người dân đang gồng mình để ứng phó với bão thì đến chiều ngày 28/10, thủy điện Đắk Mi 4 tiến hành xả lũ với lưu lượng lên đến trên 7.000m3/s.

Với lượng nước đổ về khủng khiếp này, các huyện nằm ở phía hạ du của tỉnh Quảng Nam như Nam Giang, Đại Lộc, Duy Xuyên… nhanh chóng chìm ngập trong “biển” nước. Lũ lên quá nhanh khiến cho người dân không kịp trở tay, dọn dẹp đồ đạc lên cao, đành đau xót nhìn bao nhiêu vật dụng trong gia đình, hoa màu ngoài đồng ruộng bị ngập nước, hư hại.

Trong đợt xả lũ này của thủy điện Đắk Mi 4, vùng chịu thiệt hại nặng nề nhất là xã Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang). Theo thống kê của địa phương thì có đến 865 hộ thuộc 9 thôn bị ảnh hưởng. Trong đó có 5 hộ dân có nhà cửa bị cuốn trôi hoàn toàn. Con số sau đó mà người dân kê khai thiệt hại lên đến hơn 47 tỷ đồng.

Anh Alăng Dới nhặt nhạnh những gì còn sót lại của ngôi nhà sau khi bị thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ cuốn trôi. Ảnh: L.K.

Anh Alăng Dới nhặt nhạnh những gì còn sót lại của ngôi nhà sau khi bị thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ cuốn trôi. Ảnh: L.K.

Vẫn còn bàng hoàng khi nhắc lại thời điểm đó, anh Zơ râm Nát (32 tuổi, trú thôn Bến Giằng, xã Cà Dy) cho biết, anh là dân quân của xã nên vào ngày 28/10 đang cùng với các ngành chức năng địa phương giúp đỡ các hộ trong thôn di dời đến các điểm cao ráo, kiên cố để tránh bão số 9. Bão chưa tan, người dân chưa kịp về nhà thì ai nấy vô cùng hoảng hốt khi chứng kiến cảnh nước lũ cuồn cuộn đổ về và lên nhanh chưa từng thấy.

Khoảng hơn 1 giờ sau đó, nước đã lên đến mấp mé mặt cầu – nơi mà người dân địa phương nghĩ sẽ không bao giờ ngập được. Nhiều căn nhà cũng dần dần bị nước lũ bao vây, chìm ngập. Vì thời điểm này, đa số mọi người đã ra khỏi nhà để tránh bão nên không thể dọn dẹp tài sản lên cao để tránh ngập nước. Tuy nhiên, với mức độ lũ lên quá nhanh như thế thì nếu ở nhà cũng không thể nào dọn kịp. Họ đành đứng trên cao, rơm rớm nước mắt nhìn cảnh nhà cửa, tài sản của mình bị nhấn chìm trong sự bất lực.

“Từ khi chưa có thủy điện thì hơn cả trăm năm người dân chúng tôi sống ở đây chưa bao giờ chứng kiến cảnh nước lũ lớn và lên nhanh như thế. Cũng may là thời điểm đó có bão số 9 nên hầu hết người dân đã di tản. Chứ nếu không thì những người già cả làm sao có thể chạy kịp nước lũ, chắc chắn sẽ có thiệt hại về người”, anh Zơ râm Nát nói.

Hai anh em Alăng Dới và Alăng Dương là một trong số những hộ dân bị thiệt hại nặng nề nhất khi thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ. Cả 2 căn nhà này đều bị nước cuốn trôi hoàn toàn. Không chỉ tài sản mà cả những giấy tờ tùy thân của mọi người trong gia đình đều mất sạch. Họ thực sự trắng tay sau lũ.  

Nhiều ngôi nhà của người dân thôn Bến Giằng (xã Cà Dy, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) nằm cheo leo bên bờ sông sau khi thủy điện xả lũ gây sạt lở. Ảnh: L.K.

Nhiều ngôi nhà của người dân thôn Bến Giằng (xã Cà Dy, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) nằm cheo leo bên bờ sông sau khi thủy điện xả lũ gây sạt lở. Ảnh: L.K.

Kể từ thời điểm đó đến nay, cả nhà anh Alăng Dới với 5 nhân khẩu phải tá túc tạm ở nhà người thân. Ở đó, ngôi nhà nhỏ với 10 người sinh sống (cả gia đình chủ nhà) trở nên vô cùng chật hẹp, bất tiện. Chỉ tay về bãi đất trống với vài tấm ván gỗ gòn sót lại mà trước đây từng là tổ ấm của gia đình, anh Dới than thở: “Nhà tôi ở đây từ năm 1995, chưa bao giờ bị lũ nặng như lần thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ lần này.

Tính ra cả đồ đạc, gia súc, gia cầm… gia đình tôi thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Căn nhà em tôi là Alăng Dương cũng thiệt hại đến gần 500 triệu. Vậy mà chờ mãi không thấy phía thủy điện đền bù, hỗ trợ. Ở chung nhà người quen mãi cũng ngại nên vừa rồi tôi cũng vay mượn khắp nơi được 200 triệu để dựng nhà mới nhưng chắc vẫn không đủ”.

Cần làm tròn trách nhiệm với người dân

Ông Doãn Bing, Chủ tịch UBND xã Cà Dy cho biết, toàn xã có hơn 400 hộ dân bị thiệt hại do thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ vào chiều ngày 28/10. Bên cạnh đó, có hơn 100ha đất sản xuất nông nghiệp của bà con cũng mất vì bị bồi lấp, chỉ còn đất, cát, không thể sản xuất tiếp được.

“Xã cùng với huyện Nam Giang cũng đã thống kê thiệt hại nhưng vẫn chưa thấy phía thủy điện thực hiện hỗ trợ. Không những vậy, những vùng bị ảnh hưởng người dân vẫn còn chưa dọn dẹp những tàn dư sau lũ nhằm chứng minh thiệt hại trước khi nhận đền bù. Điều này dẫn đến việc chậm tái thiết sản xuất. Người dân đang gặp rất nhiều khó khăn”, ông Bing chia sẻ.

Đất canh tác nông nghiệp dọc bờ sông của bà con xã Cà Dy cũng bị ảnh hưởng do xả lũ, nhiều diện tích bị đất đá vùi lấp không thể sản xuất được. Ảnh: L.K.

Đất canh tác nông nghiệp dọc bờ sông của bà con xã Cà Dy cũng bị ảnh hưởng do xả lũ, nhiều diện tích bị đất đá vùi lấp không thể sản xuất được. Ảnh: L.K.

Sau một thời gian thống kê, huyện Nam Giang có tờ trình gửi UBND tỉnh Quảng nam và Thủy điện Đắk Mi 4 về việc đề nghị hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả do thiên tai, với tổng thiệt hại hơn 16,1 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí thiệt hại theo Nghị định 02 của Chính phủ gần 2,6 tỷ đồng;  Còn lại, địa phương yêu cầu thủy điện Đắk Mi hỗ trợ 13,5 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí thiệt hại khác (tài sản của người dân) hơn 6,7 tỷ đồng và thiệt hại các công trình dân sinh hơn 6,8 tỷ đồng.

Người dân phải chịu mất mát là vậy nhưng ông Vũ Đức Khánh, Tổng giám đốc Cty CP Thủy điện Đắk Mi cho rằng, những thiệt hại của người dân là do cơn bão số 9 chứ không phải vì thủy điện điều tiết xả lũ. Bởi thủy điện Đắk Mi sẽ phải xả lũ khi có lũ về. Trong cơn bão số 9 và sự kiện xảy ra vào ngày 28/10, Đắk Mi đã góp phần rất lớn vào việc cắt đỉnh lũ. Vậy thì chẳng lẽ phải biểu dương thủy điện Đắk Mi?!.

“Lưu lượng nước đổ về lớn nhất lúc 16h chiều 28/10  là 13.398m2/s nhưng lưu lượng lớn nhất mà Đắk Mi xả về hạ du chỉ hơn 7.000m2/s. Đắk Mi đã đóng góp vào việc cắt giảm lũ rất lớn, Đắk Mi đã làm được và làm được rất tốt việc điều tiết nước theo quy trình vận hành liên hồ.

Việc hỗ trợ cho người dân thì Ban giám đốc đã báo cáo lên Hội đồng quản trị Cty nhưng rất tiếc là Hội đồng quản trị lại không có thẩm quyền để quyết định mà phải báo cáo lên Hội đồng cổ đông. Mà kỳ đại hội cổ đồng thì chưa diễn ra. Xin phép có ý kiến là Đắk Mi sẽ hỗ trợ được 1 phần chi phí thiệt hại khác. Mức mà Đắk Mi có thể hỗ trợ được là khoảng 50% phần chi phí thiệt hại khác. Nhưng đây chỉ mới là mức đề xuất. Đây là đề xuất đang trình nhưng để con số này đi vào thực tế và thực hiện được thì phải có ý kiến chấp thuận của đại Hội đồng cổ đông Cty”, ông Khánh nói.

Ông A Viết Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho rằng, người dân rất bức xúc sau vụ việc thủy điện xả lũ gây thiệt hại. Đã có rất nhiều ý kiến phản ánh của người dân đề nghị nhanh chóng hỗ trợ đền bù. Chính quyền địa phương đã rất nỗ lực trong công tác ổn định tư tưởng, an dân, nếu không sẽ xảy ra tình trạng mất an ninh, trật tự và ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác nữa.

“Đến giờ đã hơn 5 tháng rồi, không phải là lúc để đổ trách nhiệm cho ai nữa mà Cty phải nhanh chóng đền bù cho dân. Các anh đề nghị hỗ trợ được bao nhiêu là phía Cty tính toán, xem xét nhưng địa phương đề nghị phải hỗ trợ 13,5 tỷ đồng. Trong đó phải hỗ trợ đầy đủ kinh phí thiệt hại khác là 6,7 tỷ đồng. Còn kinh phí 6,8 tỷ cho công trình dân sinh thì phía Cty làm việc với tỉnh để có phương án”, ông Sơn yêu cầu.

Xem thêm
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị

Ông Nguyễn Duy Ngọc, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu bổ sung vào Bộ Chính trị và giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất