HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong ở TX Đông Triều là một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả với nhiều cách vận hành sáng tạo, thiết thực. Hướng tới sản xuất nông sản, nhất là rau củ quả an toàn, HTX đã chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư công nghệ cho nhà sơ chế, hầm sấy nông sản, kho lạnh...
“HTX đã định hướng phát triển theo từng năm để đầu tư thành chuỗi hoạt động khép kín từ khâu chọn giống, sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường.
Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh hiện có 593 HTX, trong đó có 370 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 62,3%), với tổng số thành viên trên 30.000 người. Doanh thu bình quân HTX nông nghiệp đạt gần 1,3 tỷ đồng/năm; lãi bình quân đạt 292 triệu đồng/năm. Trong 288 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện có khoảng 52 HTX có ứng dụng kỹ thuật canh tác, công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp.
Hiện mỗi ngày, HTX Hoa Phong xuất bán trung bình 3 tấn rau, củ, quả…, đồng thời liên kết chuỗi sản xuất với các đơn vị khác để tiêu thụ sản phẩm”, bà Lê Thị Thà, Giám đốc HTX Hoa Phong cho hay.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ngày càng nhiều HTX được thành lập, đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ cao, chuyên biệt nông sản đạt chất lượng.
HTX Việt Hoàng ở phường Hà Khẩu, TP Hạ Long chuyên về nông sản chất lượng cao, chuyên biệt là rượu đông trùng hạ thảo, viên nang, thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ đông trùng hạ thảo.
Bà Nguyễn Thị Trang, GĐ HTX Việt Hoàng, cho biết: “Gia đình tôi trước đây có kinh doanh sản phẩm đông trùng hạ thảo tại nhà. Để nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng, HTX chúng tôi xác định đưa công nghệ cao vào sản xuất, bảo toàn vi chất có trong đông trùng hạ thảo”.
Được biết, HTX Việt Hoàng đã trực tiếp đến Trung tâm Đấu tranh sinh học - Viện Bảo vệ Thực vật tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm. Sau đó được Trung tâm chuyển giao toàn bộ kỹ thuật, quy trình công nghệ, phôi giống.
Đầu năm 2017, HTX đầu tư hệ thống nhà xưởng, máy điều hòa, hệ thống giá treo, máy lọc không khí đáp ứng yếu tố phù hợp nuôi đông trùng hạ thảo.
Bà Trang cho biết, HTX Việt Hoàng nuôi cấy đông trùng hạ thảo theo 2 dạng: Nuôi sinh khối sử dụng giá thể gạo lứt và thân tằm nghiền nhỏ để cấy phôi lên; dạng thứ 2 cấy trực tiếp phôi vào thân con tằm.
Quá trình nuôi nhà xưởng phải giữ sạch, nhiệt độ duy trì ổn định ở 20 độ C; độ ẩm từ 80-90%, hệ thống lọc không khí duy trì đều; thời gian nuôi kéo dài từ 70-90 ngày cho thu hoạch.
Sau khi thu hoạch, sợi đông trùng hạ thảo được HTX liên kết, chế biến thành 7 sản phẩm, gồm: Rượu, trà, viên nang, mật ong theo hướng công nghệ cao...
Trong đó, HTX liên kết với Công ty TNHH Nuôi trồng, Sản xuất và Chế biến dược liệu Đông Bắc (TP Cẩm Phả) sản xuất ra 2 sản phẩm là viên nang đông trùng hạ thảo và trà đông trùng hạ thảo được người tiêu dùng đánh giá cao.
Đòn bẩy HTX nông nghiệp
Để các HTX nông nghiệp trong tỉnh mạnh dạn áp dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến, liên kết tiêu thụ sản phẩm, Quảng Ninh đã ban hành các chính sách khuyến khích.
Trong đó, thực hiện Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của HĐND tỉnh, các HTX mạnh dạn đầu tư, ứng dụng KHKT, liên kết với doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng cao, có thị trường tiêu thụ ổn định.
Kể từ đó, Quảng Ninh trở thành điểm sáng hấp dẫn trong quá trình hợp tác phát triển giữa các HTX và doanh nghiệp lớn trong cả nước về nông sản, đơn cử như HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Dương (Đông Triều) sản xuất và tiêu thụ khoai tây Atlantic sang Hàn Quốc, sản lượng 1.200 tấn/năm, doanh thu 8 tỷ đồng/năm; HTX Tứ Đại (Hạ Long) trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, dưới sự hỗ trợ và giám sát của Công ty VinEnco (Tập đoàn Vingroup), sản phẩm của HTX đã được tiêu thụ tại hệ thống Vinmart trên toàn quốc và hệ thống Aeon Nhật Bản tại Việt Nam, sản lượng khoảng 200 tấn/năm, doanh thu đạt 5 tỷ đồng/năm…
Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đết hết năm 2020, mỗi địa phương trong toàn tỉnh có ít nhất 3 HTX ứng dụng công nghệ cao và trên 30% HTX ứng dụng các công nghệ 4.0, công nghệ sinh học. Để đạt mục tiêu này, Quảng Ninh đã đồng ý cho thực hiện thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại 6 HTX nông nghiệp, nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong các HTX nông nghiệp của tỉnh.
Theo Bộ NN-PTNT, hiện nay các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số hợp tác xã nông nghiệp. Để đạt mục tiêu 1.500 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 (nâng tỷ lệ từ 1,8% lên 10%), cần lựa chọn các HTX đã được đánh giá hiệu quả và đáp ứng được các tiêu chí về đối tượng, loại sản phẩm, công nghệ áp dụng quy mô.
Các lĩnh vực sản xuất được lựa chọn sẽ căn cứ vào Quyết định số 575/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.