| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh - "mảnh đất vàng" phát triển nông nghiệp thông minh

[Bài 7]: Xây dựng thương hiệu thanh long Uông Bí

Thứ Ba 24/11/2020 , 08:21 (GMT+7)

Tuy mới, nhưng nhờ có những định hướng hiệu quả, áp dụng công nghệ tiên tiến, cây thanh long đang giúp nông dân Quảng Ninh chuyển đổi cơ cấu, gia tăng giá trị.

Ông Đoàn Quang Ngọc ở khu 1, phường Phương Đông, TP Uông Bí (Quảng Ninh) là một trong số các hộ thực hiện việc áp dụng công nghệ trong trồng và chăm sóc thanh long ở địa phương. Ảnh: Anh Thắng.

Ông Đoàn Quang Ngọc ở khu 1, phường Phương Đông, TP Uông Bí (Quảng Ninh) là một trong số các hộ thực hiện việc áp dụng công nghệ trong trồng và chăm sóc thanh long ở địa phương. Ảnh: Anh Thắng.

Áp dụng công nghệ tiên tiến

Thời gian qua, thanh long ruột đỏ đã được nhiều nông dân ở TP Uông Bí (Quảng Ninh) đầu tư, thử nghiệm trồng với quy mô trang trại, gia trại, cho hiệu quả kinh tế cao.

Hiện, địa phương đã có nhiều hộ trồng thanh long theo hướng sản xuất hàng hóa, đầu tư khoa học kỹ thuật hiện đại, đạt năng suất, chất lượng tốt, cung ứng cho thị trường các tỉnh, thành lân cận.

Để có được kết quả trên, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã thường xuyên hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao ứng dụng KHKT, giúp nông dân áp dụng công nghệ mới vào việc chăm sóc cây thanh long.

Cụ thể hướng dẫn sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học, phun thuốc bảo vệ thực vật hợp lý hơn trong quản lý dịch bệnh, làm quen với việc ghi chép nhật ký sản xuất. Đặc biệt công nghệ tưới nước tự động đã giúp nông dân tiết kiệm được 80% công lao động, tiết kiệm điện năng và nước tưới.

Thống kê của Sở NN-PTNT Quảng Ninh cho thấy, việc trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao mang lại lợi nhuận gấp đôi, thậm chí gấp ba so với cách trồng truyền thống, bởi vốn dĩ loại cây ăn quả này cũng không quá tốn chi phí chăm sóc.

Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh đang hướng dẫn một số hộ dân ở TP Uông Bí lắp đặt đèn Led, thay đổi nhiệt độ, kích thích ánh sáng giúp thanh long ruột đỏ ra hoa, quả.

Ông Đoàn Quang Ngọc ở khu 1, phường Phương Đông, TP Uông Bí là một trong số hộ thực hiện việc áp dụng công nghệ trong trồng vào chăm sóc thanh long, chia sẻ: “Tôi đọc tài liệu, được biết việc ứng dụng đèn Led sẽ giúp kích thích, kéo dài thời gian thu hoạch quả, đồng thời hỗ trợ cành phân tán đều, ít bệnh hơn, năng suất cũng cao hơn rất nhiều so với cách làm truyền thống.

Đến nay khi được hỗ trợ kỹ thuật, tôi đã xây dựng khoảng 1ha mô hình lắp đặt đèn Led, hy vọng cây thanh long ra quả trái vụ đạt hiệu quả”.

Xây dựng thương hiệu thanh long Uông Bí

Để xây dựng và phát triển thương hiệu riêng cho thanh long Uông Bí (Quảng Ninh), góp phần giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương, ngay từ năm 2012, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định số 3460 triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận thanh long Uông Bí”.

Nội dung của dự án bao gồm: Điều tra, khảo sát hiện trạng, sản xuất và tiêu thụ; xây dựng các tiêu chí chứng nhận; phân tích chỉ tiêu chất lượng để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận; xác định tổ chức chứng nhận; xây dựng logo sản phẩm; lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận; xây dựng tổ chức chứng nhận quản lý sản phẩm; xây dựng các quy trình, quy chế quản lý nhãn hiệu chứng nhận. Thành lập Hội Sản xuất và kinh doanh thanh long Uông Bí.

Đến nay, nhiều HTX, doanh nghiệp phát triển cây thanh long đã có thị trường tiêu thụ rộng rãi, tăng diện tích và sản lượng thanh long mỗi năm. Đơn cử như trang trại tổng hợp của gia đình bà Lại Thị Thúy, Giám đốc HTX Thanh long Uông Bí.

Theo bà Thúy, mỗi nơi có một cách thức chăm sóc thanh long khác nhau. Song nhìn chung cây thanh long ruột đỏ chăm sóc khá dễ, mỗi lần ra hoa tiến hành bón phân chuồng ủ mục, thời tiết nắng nóng thì tưới thường xuyên.

Công nhân đang bảo trì hệ thống tưới tự động và lắp đèn Led tại vườn thanh long ruột đỏ Uông Bí. Ảnh: Anh Thắng.

Công nhân đang bảo trì hệ thống tưới tự động và lắp đèn Led tại vườn thanh long ruột đỏ Uông Bí. Ảnh: Anh Thắng.

Để thuận tiện trong việc chăm sóc, bà Thúy đã đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt với mức đầu tư bình quân khoảng 200 triệu đồng/ha. Dưới gốc phủ lớp bao giữ ẩm cho cây sinh trưởng, phát triển tốt hơn.

Thanh long ruột đỏ sau khi trồng khoảng 1 năm thì cho quả và có thể ra 10 đợt quả/năm nếu được chăm sóc tốt. Quả thanh long của gia đình bà Thúy có màu đỏ, đẹp, thơm và ngọt nên cho hiệu quả kinh tế cao. Giá bán thanh long ruột đỏ tương đối ổn định, bình quân khoảng 25.000 đồng/kg.

Để tăng sản lượng và hiệu quả, bà Thúy còn thực hiện trồng mô hình thanh long ruột đỏ bằng giàn. Theo bà Thúy, trồng giàn sẽ tăng số lượng cây so với trồng cột trụ, quả ra nhiều và cách chăm sóc thuận lợi hơn. Thanh long trồng trụ bình quân từ 1-1,3m/cây thì với diện tích đó trồng giàn được đến 3 cây. Với mô hình trồng thanh long ruột đỏ, một năm gia đình bà Thúy thu hoạch khoảng 120 tấn quả, cho thu nhập hơn 700 triệu đồng.

HTX Thanh long Uông Bí có trên 20ha diện tích trồng cây thanh long, bình quân sản lượng đạt 500 tấn/năm. HTX thành lập sẽ xây dựng kho lạnh bảo quản, gắn nhãn mác sản phẩm để xây dựng thương hiệu thanh long của Uông Bí. Riêng mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình bà Thúy đã tạo việc làm cho 6 lao động địa phương với mức thu nhập hơn 5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Phạm Văn Sự, Phó phòng Kinh tế TP Uông Bí cho biết, năm 2017, Uông Bí đã có kế hoạch phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm cây thanh long ruột đỏ thành sản phẩm chủ lực. Do vậy, TP đã tư vấn, hỗ trợ, vận động hộ dân trồng thanh long ruột đỏ thành lập HTX Thanh long Uông Bí, nhằm đưa quả thanh long ruột đỏ tiếp cận thị trường và nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân.

“Hiện TP đã quy hoạch khu vực trồng thanh long tập trung, từng bước đưa loại cây ăn quả này trở thành thương hiệu của địa phương. Trước mắt yêu cầu các phòng chuyên môn xây dựng kế hoạch, có phương án hỗ trợ kinh phí xây dựng kho bảo quản quả thanh long, đồng thời giới thiệu cho HTX tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, TP cũng yêu cầu thành viên HTX phải đảm bảo quy trình trồng thanh long an toàn”, ông Sự cho biết thêm.

Sản phẩm thanh long Uông Bí (Quảng Ninh) có nhiều đặc tính đặc biệt, đã được chứng minh qua thực tế và rất được người tiêu dùng ưa chuộng, nhưng sản phẩm này vẫn chưa được đầu tư một cách quy mô, đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng. Việc phát triển thanh long vẫn còn manh mún, mang tính tự phát của các hộ gia đình, chưa tạo được mô hình chuẩn cũng như quy trình kỹ thuật chăm sóc cây thanh long cho năng suất cao. Quá trình áp dụng công nghệ cao trong sản xuất sẽ thay đổi phần nào thương hiệu thanh long Uông Bí mà địa phương xây dựng.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Gia Lai: Học sinh tử vong khi băng qua đường

Khi băng qua đường, em Đ.V.T (học sinh lớp 4 của Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (xã Đông, huyện Kbang) bị xe khách tông và tử vong tại chỗ.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.