Thổi hồn miền triền núi
Thời gian qua, huyện Bình Liêu đã tập trung nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, thông qua việc tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay nhiều mô hình, cách làm đã phát huy hiệu quả.
Điển hình như HTX Hoa Bình Liêu với diện tích canh tác trên 18.000m2. HTX đã tiến hành đặt nền móng nông nghiệp thông minh với hàng nghìn giống hoa, cây cảnh các loại trên miền triền núi, giúp thay da đổi thịt vùng đất biên viễn này.
Vườn hoa của HTX Hoa Bình Liêu, xã Cao Sơn, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) nằm ở độ cao khoảng vài trăm mét so với mực nước biển. Việc áp dụng song song mô hình phát triển nông nghiệp kèm du lịch đang dần trở thành điểm sáng phát triển kinh tế vô cùng hiệu quả.
Được biết, HTX Bình Liêu đang trồng hai loại hoa thương phẩm chính, có giá trị kinh tế cao là hoa Lan vũ nữ cắt cành nhập giống của Đà Lạt và Đài Loan, loại nữa là lan đột biến, quy mô lên đến 20.000-30.000 chậu. HTX cũng đã áp dụng KHCN trong sản xuất, và thực hiện kỹ thuật nhân giống cây con cho hoa quanh năm.
Ngoài ra, HTX còn đầu tư thêm hệ thống nhà lưới, giúp tiếp kiệm và sử dụng hiệu quả tối đa diện tích đất. Cây hoa có độ tươi, giữ màu tốt hơn so với các loại hoa cùng loại trên thị trường do áp dụng và học tập theo mô hình tiên tiến của Đài Loan, hệ thống tưới tự động nhỏ giọt của Israel.
Không những áp dụng công nghệ thông minh, hoa được trồng ở đây còn thân thiện với môi trường, không làm phá vỡ cảnh quan thiên nhiên hay tính đa dạng sinh học đặc hữu của địa phương bởi các chế phẩm sản xuất thân thiện với môi trường như: phân hữu cơ, thuốc đuổi côn trùng sinh học…
Theo ông Phạm Trần Thắng, Phó Giám đốc HTX Hoa Bình Liêu: “Chúng tôi đang tiến hành phát triển thêm hệ thống nhà kính để trồng các loại hoa theo mùa vụ, hướng đi này dựa trên khả năng cung ứng các sản phẩm hoa. Có rất nhiều đơn vị phân phối đặt hàng, du khách tham quan trực tiếp mua về sử dụng và nhiều đơn đặt hàng từ nhiều nước”.
HTX Hoa Bình Liêu không những biến vùng đất vốn hoang sơ trở thành nơi nhộn nhịp đáng sống, góp phần cải thiện đời sống, thu nhập cho bà con vùng cao nhờ vào các hoạt động du lịch, làm công nhân trực tiếp cho HTX. Với bình quân 300.000 đồng/ngày công, có 10 công nhân là đồng bào dân tộc thiểu số làm việc ở HTX Hoa Bình Liêu.
Áp dụng cộng nghệ, hướng tới phát triển hàng hóa
Ngay từ năm 2012, UBND tỉnh Quảng Ninh đã triển khai “Dự án ứng dụng công nghệ để phát triển vùng trồng hoa chất lượng cao”. Theo đó, dự án được triển khai tại xã Sơn Dương, Lê Lợi, thị trấn Trới, phường Hoành Bồ, TP Hạ Long (Quảng Ninh) với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng.
Từ nguồn hỗ trợ, người trồng hoa tại địa phương đã quan tâm đến đầu tư, xây dựng hệ thống đường điện, nhà lưới, nhà bảo quản hoa cũng như hệ thống kênh mương phục vụ cho việc sản xuất. Đây là bước tiến lớn với thương hiệu hoa Hoành Bồ trong việc ứng dụng công nghệ cao và chuyển dịch cơ cấu giống hoa.
Trong những năm tới, Quảng Ninh tiếp tục mở rộng giống cây trồng này theo hướng chuyên canh, tập trung phát triển một số loại hoa chất lượng cao…, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.
Bên cạnh hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, TP Hạ Long cũng thực hiện chuyển giao quy trình công nghệ nhân giống, chăm sóc, điều khiển quy trình sinh trưởng, nở hoa, quy trình bảo quản, thu hoạch hoa, mở các lớp đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật cho người dân ở đây.
Điển hình như Công ty cổ phần Phát triển Agritech sản xuất hoa chất lượng cao trên địa bàn phường Hoành Bồ đã đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà bảo quản, hệ thống nhà lưới hiện đại với các loại hoa chất lượng cao như lan Hồ điệp, Vanda, Mocara... Đặc biệt, tại đây đã xây dựng nhà nuôi cấy mô, mỗi năm cung cấp 20 vạn cây giống cho thị trường tại chỗ cùng một số tỉnh lân cận.
Ông Nguyễn Văn Huy, HTX Anh Huy, thôn An Biên 2, xã Lê Lợi, TP Hạ Long cho biết: “Nhờ có vốn hỗ trợ, đầu tư trang thiết bị và được tập huấn kiến thức, kỹ thuật, nhiều hộ trang trại trong khu vực đã mạnh dạn thử nghiệm, đưa nhiều giống hoa mới cho năng suất và chất lượng cao vào trồng như hoa ly, lan Hồ điệp, Tuy-lip, hồng môn...”
“Nếu như những năm trước, chúng tôi phải mua giống bên ngoài về sản xuất thì đến thời điểm này, chúng tôi có thể tự sản xuất giống dựa trên những kỹ thuật đã được học, áp dụng thêm công nghệ vào để sản xuất, nuôi cấy mô, chủ động nguồn giống và cung cấp ra ngoài”, ông Huy cho biết thêm.
Với “Dự án ứng dụng công nghệ để phát triển vùng trồng hoa chất lượng cao”, người nông dân được ứng dụng công nghệ trong sản xuất hoa, như: Kỹ thuật trồng trong nhà lưới, chăm sóc sinh trưởng bằng hệ thống tưới tự động, sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng, điều khiển nở hoa bằng hệ thống điều khiển nhiệt độ tự động, thu hoạch, sơ chế và bảo quản trong kho lạnh...
Từ khi thực hiện “Dự án Ứng dụng công nghệ để phát triển vùng trồng hoa chất lượng cao” phường Hoành Bồ, TP Hạ Long (Quảng Ninh), kinh tế địa phương đã có những đổi thay rõ nét. Hơn thế nữa, tham gia thực hiện các mô hình bước đầu thay đổi được tập quán sản xuất lạc hậu, độc canh.
“Ban đầu, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình tôi và nhiều người dân trồng hoa ở Hoành Bồ mới chỉ biết sản xuất một số loại hoa truyền thống như hồng, cúc, lay ơn... theo kinh nghiệm và dựa vào nguồn vốn gia đình là chính.
Nhưng từ khi được tham gia dự án phát triển vùng trồng hoa chất lượng cao, chúng tôi đã được tham gia các lớp tập huấn về áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trồng, chăm sóc hoa và được vay vốn.
Nhờ đó, tôi đã mạnh dạn mở rộng diện tích, phát triển nghề trồng hoa. Hiện nay, HTX đã đầu tư nhà lưới, thiết bị và giống hoa. Đồng thời tạo công ăn việc làm cho 4 lao động với mức lương từ 6-7 triệu đồng/người/tháng”, ông Lê Thế Phước, phường Hoành Bồ, TP Hạ Long (Quảng Ninh) cho hay.