| Hotline: 0983.970.780

Mong về Quỹ Nghiên cứu lúa gạo quốc gia

[Bài 9] Ngành lúa gạo là một trong những biểu tượng của người dân Việt Nam

Thứ Ba 12/12/2023 , 08:14 (GMT+7)

Festival quốc tế lúa gạo là cơ hội để giới thiệu cho bạn bè thế giới thấy các thành tựu của ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong một thời gian lâu dài, theo Thứ trưởng Hoàng Trung.

Trả lời phỏng vấn Báo Nông nghiệp Việt Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung đánh giá cao những kết quả mà lĩnh vực trồng trọt đạt được trong năm 2023, đồng thời nêu một số định hướng cho công tác chỉ đạo, điều hành năm 2024, cũng như những kỳ vọng về đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và festival quốc tế lúa gạo sắp tới.

Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ được chia làm 2 giai đoạn thực hiện. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ được chia làm 2 giai đoạn thực hiện. Ảnh: Tùng Đinh.

Lĩnh vực trồng trọt năm 2023 có thể nói là được cả mùa lẫn giá, trong đó lúa gạo và rau quả được dự báo là sẽ xác lập những kỷ lục xuất khẩu. Xin Thứ trưởng cho biết thêm về vấn đề này?

Trước hết, phải khẳng định kết quả sản xuất của trồng trọt năm 2023 tính đến thời điểm này, theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, là đã vượt kế hoạch đề ra và có nhiều chỉ số đáng ghi nhận. Về diện tích lúa, chúng ta đã đạt được kế hoạch đề ra từ đầu năm. Năng suất, sản lượng cũng rất tốt. Bên cạnh đó, giá cả thuận lợi, đem lại lợi nhuận cho người nông dân. Một số cây trồng khác như cây sắn, cây ngô, rau màu đều đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra. Ví dụ, sản lượng rau màu của 31 tỉnh phía Bắc đạt 82 triệu tấn, sắn là 3 triệu tấn, ngô đạt 2,7 triệu tấn.

Nhiều vùng sản xuất đã chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang ngô sinh khối, mang lại lợi nhuận đáng kể trên một đơn vị diện tích gieo trồng. Đây là những mô hình tương đối thuyết phục, có thể xem là kiểu mẫu để các địa phương có thể nhân rộng.

Bộ NN-PTNT đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành từ các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT, ngoài ra là sự kết hợp nhịp nhàng giữa các địa phương. Các bên đã bám sát kế hoạch và có những điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, ứng phó nhanh nhạy với những khó khăn, điều kiện thời tiết bất thuận hay sâu bệnh. Đặc biệt là nhiều liên kết được hình thành, giúp sản phẩm làm ra được tiêu thụ thuận lợi, đem lại hiệu quả cao nhất.

Từ những kết quả đó, cộng thêm tổng hợp, đánh giá từ thực tế và đề xuất của địa phương, Bộ NN-PTNT đã đề ra kế hoạch sản xuất cho năm 2024. Trong đó, tiếp tục thu hẹp diện tích sản xuất lúa so với năm 2023 khoảng 18.000 ha, nhưng năng suất giữ nguyên hoặc vượt. Đối với các cây trồng khác như ngô, sắn và rau màu, diện tích tăng thêm từ 5-10%. Bộ NN-PTNT và địa phương sẽ tiến tới thống nhất, áp dụng nhiều hơn các tiến bộ kỹ thuật cùng với các giải pháp như khung thời vụ, cơ cấu giống tập trung, sử dụng giống ngắn ngày, xác định đâu là nhiệm vụ quan trọng nhất để có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Với cách làm như vậy, cùng với các bài học kinh nghiệm và các mô hình, sáng kiến hiệu quả từ trước, Bộ NN-PTNT tự tin, lĩnh vực trồng trọt sẽ đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ được triển khai tại 12 tỉnh, thành phố tại ĐBSCL. 

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ được triển khai tại 12 tỉnh, thành phố tại ĐBSCL. 

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030”. Công tác triển khai đề án này trong năm 2024 có ý nghĩa như thế nào đối với việc thực hiện những mục tiêu mà Thứ trưởng vừa chia sẻ?

Thực hiện đề án 1 triệu ha lúa tại ĐBSCL cần đảm bảo 3 yếu tố, là chất lượng, giảm phát thải khí nhà kính và tăng trưởng xanh. Bộ NN-PTNT sẽ tuyên truyền, phổ biến đề án này đến các bên liên quan, đặc biệt là địa phương mà tập trung chính là khu vực ĐBSCL, nơi tiên phong thực hiện đề án.

Trong giai đoạn đầu của đề án, đến năm 2025, Việt Nam sẽ tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) trên diện tích 180.000ha, đồng thời đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính xuống ít nhất 10%. Bên cạnh đó, là các yếu tố liên quan đến năng suất, sản lượng và vấn đề liên kết tiêu thụ đã được nêu rất cụ thể.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được triển khai tại 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, trừ Bến Tre. Tiến tới Bộ NN-PTNT sẽ xây dựng một lộ trình cụ thể, với từng công việc cụ thể, triển khai ở từng địa phương thuộc vùng đề án. Sau đó là những đánh giá, tổng kết và rút ra bài học kinh nghiệm.

Xác định rõ, đây là đề án lớn, với mục tiêu góp phần giúp Việt Nam thực hiện cam kết phát thải ròng "bằng 0" vào năm 2050, đã đưa ra tại COP26, nên toàn ngành nông nghiệp xác định cần nhiều nguồn lực hỗ trợ. Sau khi thực hiện thành công ở quy mô nhỏ, đề án sẽ mở rộng, lan tỏa các giá trị, đảm bảo đến năm 2030 sẽ hoàn thành mục tiêu xây dựng 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Bộ NN-PTNT đã giao Vụ Hợp tác quốc tế, kêu gọi sự đồng hành, hỗ trợ từ phía cộng đồng quốc tế, không chỉ là kinh phí mà còn là cơ sở vật chất, đào tạo, tư vấn kỹ thuật. Trước mắt, Bộ đã làm việc với các tổ chức như Ngân hàng Thế giới (World Bank), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI)... và dự kiến sẽ ký ý định thư với một số đối tác. Các quốc gia hợp tác song phương với Việt Nam cũng có động thái và quan điểm ủng hộ với đề án này. 

Việt Nam từng là hình mẫu hợp tác quốc tế khi triển khai Dự án VnSAT. World Bank cũng vinh danh và trao Giải thưởng Đồng đội Khu vực Đông Á năm 2023 cho VnSAT. Do đó, với đề án 1 triệu ha lúa sắp tới, hầu hết tổ chức quốc tế đều đánh giá cao và bày tỏ hy vọng, rằng đề án sẽ mang lại những kết quả tích cực như mục tiêu đề ra. 1 triệu ha lúa chất lượng cao được kỳ vọng sẽ trở thành hình mẫu để các nước canh tác lúa như Việt Nam học tập, mở ra một hướng đi cho việc giảm phát thải khí nhà kính.

Một nguồn lực quan trọng nữa là sự đồng hành của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước. Vừa qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã có cuộc họp với các doanh nghiệp đầu tàu và nhận những cam kết mạnh mẽ trong việc đồng hành thực hiện đề án. Đồng thời, Bộ NN-PTNT kêu gọi các hiệp hội như hiệp hội phân bón, hiệp hội thuốc BVTV, hiệp hội lương thực... cùng chung tay, trên tinh thần ai làm tốt công đoạn nào sẽ cam kết thực hiện công đoạn đó. Ở góc độ khoa học, khối viện, trường của Bộ cũng sẵn sàng đóng góp vào kết quả chung.

Rất nhiều nguồn lực đồng hành với đề án nhưng quan trọng nhất vẫn là sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp nội tại của Việt Nam. Trên cơ sở nội lực cơ bản này, ngoại lực quốc tế sẽ mang tính chất bổ trợ, làm tăng tính bền vững cho đề án. Bộ NN-PTNT hoàn toàn tin tưởng, từ kết quả của đề án, ngành nông nghiệp không chỉ dừng ở 1 triệu ha lúa vùng ĐBSCL mà còn mở rộng cho cây lúa trên cả nước, cũng như nhiều cây trồng khác.

Việt Nam hiện nằm trong tốp 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Việt Nam hiện nằm trong tốp 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Từ ngày 11-14/12, Bộ NN-PTNT phối hợp tổ chức Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023. Thông qua chuỗi sự kiện, ngành nông nghiệp mong muốn lan tỏa những thông điệp gì tới bạn bè thế giới?

Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 là chủ trương của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT và của tỉnh Hậu Giang. Sự kiện sẽ góp phần quảng bá hình ảnh con người Việt Nam, ngành lúa gạo Việt Nam với bạn bè quốc tế khi chúng ta đang góp phần bảo đảm an ninh lương thực, đồng thời có những cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững.

Festival lúa gạo quốc tế diễn ra vào một thời điểm không thể phù hợp hơn. Thế giới đang có nhiều biến động, xung đột địa chính trị và vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm là chủ đề được toàn cầu quan tâm, theo dõi. Vì thế, đây rõ ràng là một cơ hội để chúng ta giới thiệu cho công chúng thấy được các thành tựu trong một quá trình phát triển lâu dài của ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Hành trình này bắt đầu từ khi Việt Nam phải nhập khẩu lương thực cho đến lúc trở thành một trong những cường quốc về xuất khẩu lúa gạo với sản lượng lớn, chất lượng cao, cùng với trình độ canh tác ở mức rất cao, được nhiều thị trường ưa chuộng.

Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 là dịp để chúng ta khẳng định với thế giới, rằng ngành lúa gạo là một trong những biểu tượng của người dân Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng ta sẽ tiếp tục phát triển ngành lúa gạo theo hướng mà thế giới hiện nay đang yêu cầu, đó là vừa đảm bảo chất lượng, vừa giảm phát thải, vừa tăng trưởng xanh.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Chủ động với các kiểu thiên tai nguy hiểm giai đoạn chuyển mùa

Bến Tre Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre có công văn yêu cầu chủ động phòng tránh, ứng phó các kiểu thiên tai giai đoạn chuyển mùa.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất xây cầu 3.500 tỷ đồng nối Bến Tre và Trà Vinh

Trà Vinh Dự án cầu Cổ Chiên 2 với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2030.