Một góc KĐT mới Thủ Thiêm |
Sau 4 tháng tích cực rà soát những vướng mắc tại Khu đô thị Thủ Thiêm, Thanh tra Chính phủ kết luận chính quyền TPHCM và Bộ Xây dựng đã có nhiều sai phạm trong quá trình quy hoạch Thủ Thiêm, phá vỡ quy hoạch do Thủ tướng phê duyệt, cũng như buông lỏng việc quản lý, sử dụng đất… dẫn đến những khuất tất gây bất bình cho một bộ phận cư dân khu vực chịu ảnh hưởng.
Vì sao một khu đô thị được dự đoán là kiểu mẫu như Thủ Thiêm, lại trở nên bát nháo? Không thể nói khác, đó là hậu quả của lợi ích nhóm. Ban đầu Chính phủ quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm có diện tích 930 ha, bao gồm gồm khu đô thị mới 770 ha và Khu tái định cư 160 ha nằm giáp ranh, thuộc địa bàn phường An Khánh, An Lợi Đông, Bình An, Bình Khánh…Nếu làm đúng quy hoạch, thì lãnh đạo TPHCM cũng thể hiện đầy đủ cam kết "người dân có chỗ ở bằng hoặc hơn nơi cũ, ưu tiên tái định cư tại chỗ để đảm bảo đời sống".
Thực tế không phải vậy. Khu tái định cư 160ha được giao cho doanh nghiệp làm 51 dự án, và giới hạn hành chính càng ngày càng xa khu vực được giao ban đầu. Dù Chính phủ nhanh chóng nhận ra sự lộn xộn này, và có văn bản chỉ đạo cấp bách, nhưng những người dân thuộc diện giải toả vẫn bị đẩy dần về phía phà Cát Lái, nghĩa là cách vị trí quy hoạch đến 15 km. Dĩ nhiên, phần đất màu mỡ có giá trị kinh tế cao đã thuộc về tay những gian thương với những thủ đoạn ngọt ngào và man trá!
Dù muốn dù không cũng phải thừa nhận, rắc rối ở Khu đô thị Thủ Thiêm là bài học cay đắng cho công cuộc hiện đại hoá đất nước. Khi một chủ trương tốt đẹp không được giám sát thường xuyên thì những kẻ cơ hội sẽ manh tâm lợi dụng cho những mục đích khác nhau. Và người dân bao giờ cũng phải gánh chịu những hệ luỵ ê chề, và dẫn đến khiếu kiện kéo dài gây tổn thương sâu sắc cho xã hội. Một vùng đất được quy hoạch, sẽ kéo theo nhiều mô hình kinh doanh hội tụ và chia sẻ. Cơ sở hạ tầng được kiện toàn giúp khung giá bất động sản tăng vùn vụt, cho nên thị trường giao dịch phải được kiểm soát chặt chẽ.
Trước quy hoạch thì mỗi mét đất chỉ 30 ngàn đồng nhưng sau quy hoạch thì mỗi mét đất lên đến 300 triệu đồng. Khoảng cách thặng dư khủng khiếp luôn khiến những kẻ đang có lợi thế về tiền và quyền kéo nhau vào sự giành giật vật chất đầy nước mắt. Khi người dân lương thiện bị gạt ra không thương tiếc, thì đô thị mới không thể đảm bảo tiêu chí “nghĩa tình”, “hào hiệp” và “đáng sống”.
Từ xưa đến nay, đất đai vẫn là lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng nhất. Giải quyết rốt ráo những bất cập của khu đô thị Thủ Thiêm, sẽ tạo tiền đề lấy lại sự bình yên cho những tranh chấp và khiếu nại khác đang xảy ra trên cả nước. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một Chính phủ kiến tạo khi quy hoạch đô thị thì phải quản lý đất đai dựa trên hai yếu tố cần quan tâm hàng đầu là an dân và an sinh!