Ngay sau khi báo phát hành, đích thân ông Nguyễn Xuân Sang- PGĐ Sở NN- PTNT dẫn đầu cùng các cán bộ Phòng Trồng trọt, Trung tâm KN và huyện Hoằng Hoá đã trực tiếp đến từng chân ruộng để kiểm tra xác minh thêm những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên.
Trước đó Trung tâm KN cũng đã có khuyến cáo với bà con nông dân về hướng khắc phục hiện tượng này. Đó là: Tập trung tháo gỡ khó khăn về nguồn nước. Tỉnh Thanh Hoá yêu cầu ngành điện và trạm thuỷ nông bơm nước vào tận các ruộng lúa để người dân chủ động bón phân chăm bón lúa.
Là người đã nhiều lần trực tiếp xuống các chân ruộng hướng dẫn bà con nông dân khắc phục hiện tượng lúa trổ bông sớm, ông Nguyễn Đức Cao- cán bộ Trung tâm KN tỉnh Thanh Hoá trao đổi với chúng tôi như sau: “Bà con nông dân cần hết sức bình tĩnh, lắng nghe và cùng cán bộ kỹ thuật thực hiện các biện pháp tối ưu nhất để khắc phục. Cụ thể: trên chân đất chua, đất do ngộ độc hữu cơ (nồng độ khí H2S) trong đất quá lớn thì phải dùng vôi bột từ 25- 30kg bón cho một sào.
Tiến hành sục bùn đều, làm cỏ cho lúa để đất ruộng được lỏng và thoáng, thoát khí. Sau 1 – 2 ngày bà con nên tháo kiệt nước và bón thêm mỗi sào 5- 7kg đạm Urê, 2- 3kg kali, gắn với việc sục bùn lần 2. Sau đó được 2- 3 ngày thì tiếp tục dẫn nước vào ruộng với mực nước 5- 7cm. Trên chân ruộng không bị chua thì dùng phân lân nung chảy 7- 10kg và 1-2kg phân khoáng vi lượng trộn đều bón cho một sào, cần chú ý là phải sục bùn.
TIN BÀI LIÊN QUAN |
|
Ông Phạm Bá Oai- PCT UBND huyện Hoằng Hoá cho chúng tôi biết: “Tại thời điểm này, số diện tích có nhánh lúa đã trổ bông và một số vùng khác có nguy cơ trổ bông, chúng tôi đã chỉ đạo cung ứng nguồn nước tưới cho lúa đảm bảo mức nước 5-7cm trong chân ruộng. Bên cạnh đó, qua sự hướng dẫn của cán bộ ngành nông nghiệp cùng với sự chăm bón của bà con nông dân nên số diện tích này hiện tại sức đẻ nhánh của lúa rất mạnh, lúa xanh tốt, công tác sục bùn, làm cỏ, bón phân được triển khai nhanh chóng xuống tận từng chân ruộng. Và xin khẳng định một điều là tâm lý người dân hiện nay hoàn toàn không hoang mang lo lắng như cách đây mấy ngày nữa”.
Về một số nguyên nhân lúa trổ bông sớm, bước đầu được đánh giá là: do vụ chiêm xuân được mùa, người dân thu hoạch chậm, tiến độ sản xuất chậm so với lịch thời vụ nên một số nơi khi cày bừa làm đất đã không được kỹ càng. Chính vì thời vụ có chậm nên không ít chân mạ đã quá già, mạ đã thành ống, ruộng cày bừa xong là cấy liền nên càng làm cho rễ của cây mạ bị nghẹt. Sau khi lúa được cấy thì không ít chân ruộng không có nước duy trì cho thời gian đầu của cây lúa.
Điều đáng nói là việc bà con nông dân khi gặt lúa chỉ hớt phần ngọn để lại phần gốc quá dài nên khi cày bừa đất làm không kỹ, không có thời gian cho đất phân huỷ làm mủn rơm rạ nên đã tăng nồng độ H2S trong đất. Không ít gốc của cây rạ vụ chiêm đã không kịp phân huỷ mà ngóc đầu lên hấp thụ chất dinh dưỡng của vụ mùa đã trở thành những cây lúa chét nên vẫn trổ bông, tạo hạt bình thường.Tiếp đó là thời điểm vừa gặt, vừa cấy lúa nên người dân hết sức mệt mỏi đã không giành sự chăm sóc lúa thật chu đáo trong thời kỳ đầu.