Sau 5 tháng bị khởi tố và bắt tạm giam với tội danh thao túng thị trường chứng khoán, đối tượng Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC lại bị khởi tố bổ sung tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi “bán giấy lộn lấy tiền thật” của đối tượng Trịnh Văn Quyết thực sự khiến nhiều người kinh ngạc và hoang mang.
Chỉ trong vòng 3 năm, từ 2014 đến 2016, đối tượng Trịnh Văn Quyết đã nâng khống vốn điều lệ của Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng, để quy đổi thành 430 triệu cổ phần. Tháng 9/2016, Công ty Cổ phần xây dựng FLC Faros chính thức được đưa lên sàn chứng khoán và đối tượng Trịnh Văn Quyết đã bán số cổ phần trên để thu lợi 6.400 tỉ đồng.
Rất nhiều chiêu trò thổi giá đã được thực hiện với mã ROS của Công ty Cổ phần xây dựng FLC Faros, như dòng tiền ảo vừa chuyển vào tài khoản đã được rút ra qua nhiều hình thức ủy thác đầu tư. Sự vận hành tài chính không hề giống một công ty xây dựng, đã lến tục đẩy giá của mã ROS tăng chóng mặt. Chỉ sau một năm lên sàn, mã ROS tăng từ 10 ngàn đồng lên 214 ngàn đồng, và đối tượng Trịnh Văn Quyết trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán với tài sản 2,5 tỉ USD.
Một doanh nghiệp lên sàn chứng khoán nghĩa là đã có tầm vóc một công ty đại chúng liên quan đến túi tiền của hàng triệu khách hàng, không thể nào không có sự giám sát của các cơ quan chức năng. Vậy thì, ai đã giúp đối tượng Trịnh Văn Quyết làm “bánh vẽ” và đưa “bánh vẽ” bán công khai trên thị trường chứng khoán?
Hiện tại, mã ROS của Công ty Cổ phần xây dựng FLC Faros đã rớt thảm hại, chỉ còn 2.500 đồng. Dự kiến, ngày 5/9 sắp tới, mã ROS sẽ bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM. Giấc mơ làm giàu từ “bánh vẽ” của đối tượng Trịnh Văn Quyết khiến nhiều người lâm vào hoàn cảnh bi đát vì phá sản và nợ nần. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho hệ lụy khủng khiếp ấy? Hay là chỉ giải thích đơn giản bằng sự lạnh lùng “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”?
Thị trường chứng khoán không phải một canh bạc “khôn sống mống chết”. Thị trường chứng khoán đặt mục tiêu huy động nguồn lực công chúng để phát triển kinh tế. Thị trường chứng khoán không thể dễ dàng để một doanh nghiệp yếu kém và bất minh phát hành cổ phiếu và càng không thể dễ dàng để cá nhân hoặc tổ chức nào thò tay bẩn thỉu điều khiển theo động cơ đê hèn.
Vào tháng 5/2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã khai trừ Đảng đối với Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM Lê Hải Trà và cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đồng thời kỷ luật cảnh cáo nhiều quan chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Thế nhưng, bây giờ đối tượng Trịnh Văn Quyết bị khởi tố bổ sung tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cần phải làm rõ thêm trách nhiệm của nhiều người nữa. Đặc biệt là vai trò của các công ty kiểm toán đã tiếp sức cho phương án “bánh vẽ” của Trịnh Văn Quyết ở Công ty Cổ phần xây dựng FLC Faros.