| Hotline: 0983.970.780

Bạn đọc góp ý loạt bài "Tích tụ đất đai - Lựa chọn đột phá"

Thứ Hai 14/07/2008 , 14:30 (GMT+7)

Nhà nghiên cứu xã hội Cao Tự Thanh:

Một bộ phận nông dân bỏ ruộng là tất yếu

Tình trạng ngày một nhiều nông dân bỏ ruộng từ Bắc vào Nam là dấu hiệu của một quá trình tập trung ruộng đất theo quy luật. Tức là, trước sức ép của nền kinh tế hàng hoá – cơ chế thị trường buộc một bộ phận nông dân phải chuyển sang làm nghề khác, việc chiếm hữu và sử dụng ruộng đất sẽ được chuyển qua tay một bộ phận nông dân, có vốn liếng, giàu kinh nghiệm sản xuất, biết tổ chức sản xuất và biết thích ứng tốt với thị trường. Những biểu hiện trên bề mặt của quá trình ấy, tất nhiên là rất tàn nhẫn, chẳng hạn một bộ phận nông dân sẽ bị bần cùng hoá về mặt kinh tế, trở thành tầng lớp vô sản của nông thôn, nhưng đó là tất yếu.

Vấn đề cần suy nghĩ lúc này không phải là làm sao để nông dân không bỏ ruộng, mà là làm sao để một mặt thúc đẩy quá trình ấy thật nhanh nhằm sớm ổn định kinh tế nông nghiệp, một mặt giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực về mặt xã hội của quá trình ấy để đảm bảo đời sống của một bộ phận nông dân không còn ruộng và giữ gìn trật tự xã hội ở nông thôn, vì trên bình diện xã hội, bần cùng hoá bao giờ cũng dẫn người ta đến chỗ lưu manh hoá. Ở đây, ngoài chiến lược đúng đắn phải có chính sách nhất quán đi kèm hệ thống các biện pháp kinh tế - xã hội phù hợp, chứ không thể hô hào lương tâm chay hay nhân đạo suông.

Ông Phan Tấn Tài - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long:

Không thể làm ăn kiểu manh mún

Nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong điều kiện hội nhập thì không thể làm ăn theo kiểu manh mún tự phát. Hợp tác sản xuất trong cơ chế thị trường hiện tại và tương lai là cái nền không thể nào thiếu được. Khoa học và công nghệ cần phải đẩy mạnh về nông thôn, đến tận nông dân. Cần phải đẩy mạnh qui hoạch vùng sản xuất tập trung, vốn, chính sách cây con giống cho người trồng, chính sách hỗ trợ phát triển cho doanh nghiệp trong ngành chế biến trái cây, mô hình liên kết kiểu mẫu kỹ thuật trồng, chăm sóc thu hoạch, bảo quản phải đồng nhất... Sản phẩm phải có thương hiệu và quan trọng là phải giữ được thương hiệu. Phải tuyên truyền để nông dân nhận thức nhu cầu phát triển trong bối cảnh hội nhập. Phải thay đổi nhận thức của nông dân, đào tạo tay nghề cho nông dân tối thiểu cũng phải có trình độ sơ cấp nông nghiệp.

TS Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam:

Mạnh dạn quy hoạch vùng chuyên canh

Đã đến lúc nông dân phải biết sản xuất ra sản phẩm ngon và tự mang đi bán. Phía chính quyền cần mạnh dạn qui hoạch vùng chuyên canh và chỉ đạo nông dân sản xuất tập trung. Chính quyền tỉnh cần mạnh hơn nữa, không thể để nông dân phát triển kiểu tự phát. Mấy năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả có tăng nhưng quả thật không cơ bản. Sản xuất còn quá rời rạc, lỗi là ở người nông dân thiếu sự đoàn kết. Hiện tại, có điều mâu thuẫn là nông dân nói không có ai mua tôi không trồng, bên thì lại nói nếu anh có hàng chất lượng ngon thì tôi mới mua. Chúng ta có nhiều giống ngon như: xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn… đủ sức cạnh tranh với các nước khu vực Đông Nam Á. Nhưng không xuất khẩu được là do không có sản lượng hoặc có sản lượng thì không có chất lượng…

Chủ nhiệm HTX Đức Chính (Hải Dương) Lê Văn Ngấn:

Nhà nước sớm có cơ chế để người dân tích tụ làm giàu

Tôi không biết ở các nơi khác như thế nào, nhưng thực tế ở địa phương tôi cho thấy, 50% số hộ nông dân đi khắp nơi thuê từ vài hec - ta đất trở lên làm nông nghiệp đều giàu có. Nhà tầng ở xã mọc lên có đến 90% là của họ. Công ăn việc làm được giải quyết, con cái được học hành đẩy đủ. Không những thế, những vùng đất tốt họ đến thuê còn tạo công ăn việc làm ở nơi đó. Trao đổi với họ, chúng tôi thấy Nhà nước cần sớm có chính sách để khuyến khích họ tích tụ đất đai làm giàu. Mà trước hết là giải quyết về vấn đề thời hạn giao đất và hạn điền sau đó hỗ trợ về hạ tầng và kỹ thuật. Để hướng đi này hiệu quả, chắc chắn, tôi cho rằng nên khuyến khích những vùng đã xuất hiện sự tích tụ mạnh như địa phương tôi trước.

Anh hùng Lao động Nguyễn Đắc Hải (Hà Tây):

Cứ để tích tụ “chui” kiểu này, dân lãnh đủ

Hiện nay, tôi đã tích tụ được 30ha. Nhiều nông dân trong xã cũng tích tụ được từ 5 đến 15 ha. Những năm đầu tích thì đều làm ăn được, lợi nhuận cao. Nhưng khi thị trường minh bạch hơn và rủi ro từ dịch bệnh cao hơn  thì hiệu quả thấp hẳn. Hiện nay rất nhiều hộ dân tích tụ làm nông nghiệp như chúng tôi gặp khó khăn. Điều này xuất phát từ những chính sách bó buộc của Nhà nước như hạn điền, vay vốn ngân hàng, thời gian giao đất… Không có chính sách nên chúng tôi không thể vay vốn ngân hàng. Đất của mình thì thuê bằng “thóc thật” nhưng nó lại là “tiền âm phủ” khi mang đi thế chấp để thuê đất. Dân tự bỏ tiền ra sản xuất, được lãi đến đâu đầu tư thêm đến đó, nhưng đến lúc gặp rủi ro thiệt hại nặng một chút là… “chết” hẳn. Thành ra, tích tụ được đất làm giàu được đấy nhưng chính sách mà không ủng hộ thì chúng tôi lẻ loi một mình. Rồi, nông dân lại lãnh đủ!

TS. Lê Đức Thịnh, Viện CLCS PTNN-NT:

Tích tụ đất đai phải theo lộ trình cụ thể

Với những đặc thù riêng biệt của yếu tố kinh tế đất và để làm giảm các hệ quả bất lợi của quá trình tập trung đất đai, hầu hết như ở các quốc gia đều không chấp nhận sự tích tụ đất đai bằng mọi giá. Một mặt người ta cố gắng không để cho tình trạng đất đai trở nên manh mún nhưng mặt khác người ta cũng tìm cách để hạn chế tình trạng phân hóa ruộng đất. Tôi cho rằng, xây dựng những thể chế để tạo sự bình đẳng về quyền kinh doanh trong nông nghiệp và khả năng tiếp cận ruộng đất của mội đối tượng, mọi thành phần trong xã hội. Tuy nhiên người ta phải khuyến khích phương thức trực canh. Những hình thức canh tác trực canh sẽ không chỉ nâng cao hiệu quả sản sản xuất nông nghiệp mà còn có tác dụng bảo vệ được nguồn lợi đất đai.

Cần lưu ý rằng, quá trình tích tụ phải được thực hiện theo chiến lược và lộ trình phù hợp với quá trình rút lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp. Cần phải làm sao để cho quá trình này không gạt người dân nông thôn sang lề của sự phát triển. Tích tụ ruộng đất theo kiểu các ông chủ Tây Ban Nha dưới thời thuộc địa ở Nam Mỹ thực chất là tước đoạt tư liệu sản xuất của các người lao động ở nông thôn và bần cùng hóa họ. Thế giới luôn cảnh giác với các sự xuất hiện và những mánh khóe tinh vi của các địa chủ mới. Thực hiện quá trình tích tụ đất đai phải theo lộ trình cụ thể. Trong đó vai trò của các Nhà nước là hết sức quan trọng.

Xem thêm
Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội trước sau đó bầu Chủ tịch nước

Công tác nhân sự sẽ được Quốc hội khóa XV thực hiện từ 20-22/5, trong đó chức danh Chủ tịch Quốc hội sẽ được bầu trước, sau đó là chức danh Chủ tịch nước.

Đông Nam bộ đủ nước cho vụ hè thu

Đông Nam bộ đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Mực nước hiện tại ở các hồ chứa trong khu vực có khả năng đáp ứng đủ cho sản xuất vụ hè thu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tây Ninh đã có thiệt hại do mưa lớn, dông lốc

Cơn mưa lớn chiều các ngày 16/5 và 17/5 đã khiến cho địa bàn tỉnh Tây Ninh có những thiệt hại đầu tiên về của. Rất may không ai bị thương, nguy hiểm tính mạng.