| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 30/08/2018 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 30/08/2018

Bán hàng đa cấp vẫn giăng bẫy khắp nơi

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng trực thuộc Bộ Công thương vừa ban hành quyết định xử phạt 3 doanh nghiệp bán hàng đa cấp với tổng tiền phạt gần 1 tỷ đồng vì hành vi sai phạm trong kinh doanh. 

Theo đó, công ty Greenlife bị phạt 510 triệu đồng, công ty Unicity Makerting Việt Nam bị phạt 240 triệu đồng, công ty Thường Xuân bị phạt 170 triệu đồng. Đây không phải lần đầu tiên cơ quan quản lý nhà nước mạnh tay với các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, thậm chí nhiều doanh nghiệp ở lĩnh vực này đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.

Ảnh minh họa

Nếu như năm 2017, doanh nghiệp bán hàng đa cấp bị tai tiếng nhất là Thiên Ngọc Minh Uy đã đóng cửa, thì trong 8 tháng của năm 2018 đã có thêm nhiều trường hợp doanh nghiệp bán hàng đa cấp khác bị tố cáo có dấu hiệu lừa đảo. Những khuất tất không khó nhận ra ở các doanh nghiệp bán hàng đa cấp là cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm, yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng sản phẩm dưới bất cứ hình thức nào…

Để chấn chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42, nhưng các quy định rõ ràng của văn bản pháp quy vẫn chưa thể ngăn chặn những biến tướng của mô hình kinh doanh này. Đáng lo ngại hơn, sau một thời gian hoành hành tại những đô thị sầm uất, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã toả về nông thôn với nhiều chiêu trò lạ lùng hơn.

Để chiêu mộ người dân nhàn rỗi tham gia đường dây kinh doanh, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp luôn tự khoác những cái áo rất lộng lẫy như Công ty đa quốc gia hoặc Tập đoàn quốc tế. Thực chất, vốn liếng của họ rất ít ỏi và sản phẩm chủ yếu thu gom từ nguồn hàng giá rẻ không có nguồn gốc xuất xứ. Thành quả của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chủ yếu có được từ tiền của những người tham gia đường dây như những lao động thường xuyên nhưng không phải trả lương.

Theo tính toán của Bộ Công thương, tổng số hoa hồng và các lợi ích kinh tế được các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chi trả cho người tham gia trong năm 2017 vào khoảng 986 tỷ đồng. Nếu phân phối đều cho 362 ngàn người tham gia trực tiếp vào hệ thống bán hàng đa cấp, thì mỗi người có thu nhập khoảng 2,7 triệu đồng/năm. Như vậy, bán hàng đa cấp không phải phương pháp làm giàu nhanh chóng như nhiều người tưởng tượng và đồn thổi!

Kỹ nghệ bán hàng đa cấp được khai sinh bởi nhà nghiên cứu dinh dưỡng Mỹ - Carl Rehnborg vào năm 1935. Tuy nhiên, theo thời gian kinh doanh và theo môi trường xã hội, bán hàng đa cấp bị thay đổi rất nhiều, và tạo ra ảo ảnh về con đường thành công tài chính. Đến hôm nay, bán hàng đa cấp đã mang màu sắc khó lường: trước tiên bán giấc mơ phú quý, sau đó mới bán sản phẩm. Nghĩa là khi cái bẫy bán hàng đa cấp giăng ra, sẽ có nhiều nạn nhân lần lượt tiền mất tật mang! Vì vậy, hãy đắn đo thật kỹ lưỡng trước khi tham gia vào hệ thống bán hàng đa cấp đang bủa vây khắp nơi!

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm