| Hotline: 0983.970.780

Bạn học chống gậy, đi xe lăn tới viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Thứ Năm 25/07/2024 , 11:12 (GMT+7)

Cụ Ngô Bá Dục, cụ Vương Khắc Duy... - những người bạn học cùng trường làng với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người chống gậy, người đi xe lăn tới thắp hương viếng bạn cũ.

Sáng 25/7, Lễ truy điệu, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tổ chức trọng thể trên quê hương Tổng Bí thư tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội - nơi Tổng Bí thư sinh ra và lớn lên.

Từ sáng sớm, hòa vào dòng người trang phục trang nghiêm, chỉnh tề hướng về Nhà văn hóa thôn Lại Đà là những người bạn thời niên thiếu, cùng học trường làng với Tổng Bí thư.

Cụ Vương Khắc Duy ngồi xe lăn tới viếng bạn học. Ảnh: Kiên Trung.

Cụ Vương Khắc Duy ngồi xe lăn tới viếng bạn học. Ảnh: Kiên Trung.

Cụ Vương Khắc Duy - một trong những người bạn học cùng cấp 1, 2, 3 với Tổng Bí thư ngồi trên xe lăn, được bà Nguyễn Thị Phấn (vợ cụ Duy) đưa tới Lễ viếng.

Ngồi yên lặng bên hồ bán nguyệt Lại Đà trên chiếc xe lăn, cách khu vực Lễ viếng chừng 50m, phía sau lưng là cánh đồng lúa đang thì con gái, cụ Duy yên lặng, đầy suy tư.

Ngồi bên cạnh chồng, bà Phấn thỉnh thoảng lại lấy khăn thấm những giọt mồ hôi chảy trên mặt ông. Đôi mắt bà cũng hoe đỏ. Hai ông bà vừa thắp hương viếng người bạn học cũ!

Dường như ước nguyện được đến thắp hương tiễn người bạn cũ đã hoàn thành, gương mặt cụ Duy giãn nở, những mệt nhọc của căn bệnh tim mà ông mắc phải từ năm 2013 như vợi đi rất nhiều…

“Nhà tôi ở gần nhà anh Trọng, cách nhau chỉ mấy cái nhà. Thuở nhỏ, chúng tôi học trường làng, lên cấp 2, cấp 3 học xa nhà. Thời ấy cả nước còn khó khăn, ăn không đủ no, áo không đủ mặc, chúng tôi bơi vượt sông để sang học trường cấp 3 Nguyễn Gia Thiều, bên kia sông Đuống.

Cụ Ngô Bá Dục, nguyên Hiệu trưởng trường PTTH Cổ Loa, bạn học cùng làng với Tổng Bí thư. Ảnh: Kiên Trung.

Cụ Ngô Bá Dục, nguyên Hiệu trưởng trường PTTH Cổ Loa, bạn học cùng làng với Tổng Bí thư. Ảnh: Kiên Trung.

Ở xã Đông Hội, làng tôi - Lại Đà là làng hiếu học. Dù có thiếu ăn, thiếu mặc, không ai bỏ dở việc học hành, đều nỗ lực vươn lên. Trong lứa chúng tôi, anh Trọng là người chỉn chu, học hành tấn tới nhất.

Hết cấp 3, anh vào Tổng hợp Văn, rồi công tác biền biệt, đảm nhiệm các nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Chính quyền. Chúng tôi mỗi người một ngành nhưng vẫn luôn nhớ về nhau, theo dõi sự trưởng thành của nhau.

Tôi vẫn nhớ kỷ niệm, khi anh Trọng đang công tác ở Thành ủy Hà Nội (Bí thư Thành ủy Hà Nội - PV), một lần anh về quê, tôi cùng mấy người trong làng đang quét đường làng, ngõ xóm. Anh Trọng bước xuống, chúng tôi cùng lúc reo ầm lên: “A, anh Trọng đã về!” rồi chạy ùa tới bắt tay, ôm chầm lấy anh.

Anh tươi cười, giới thiệu chúng tôi với các đồng chí đi cùng: “Đây là những người bạn thân thiết cùng học với tôi từ thuở trường làng”. Tôi cảm nhận được sự nồng ấm, giản dị của anh Trọng. Sau này, anh đảm nhiệm các trọng trách của đất nước, không có thời gian dành cho bản thân, gia đình…, chúng tôi càng thương quý anh Trọng hơn”.

Cụ Dục ôn lại những kỷ niệm với người bạn học thuở trước. Ảnh: Kiên Trung.

Cụ Dục ôn lại những kỷ niệm với người bạn học thuở trước. Ảnh: Kiên Trung.

Ngừng lại giây lát vì xúc động, cụ Duy tiếp: “Chiều ngày 19/7, nghe đài báo báo tin anh Trọng từ trần, tôi không ngăn được nước mắt. Vẫn biết, đó là số mệnh, nhưng trong thâm tâm chúng tôi mong muốn anh khỏe mạnh, dẫu chỉ dăm năm nữa, lúc ấy anh sẽ dẫn dắt đất nước ta phát triển huy hoàng hơn, nhiệm vụ chống tham nhũng, trong sạch tổ chức, xây dựng củng cố Đảng ngày càng vững mạnh.

Hôm nay, dẫu sức khỏe có hạn nhưng đến thắp nén nhang tiễn biệt anh, cũng để tưởng nhớ đồng chí Tổng Bí thư của đất nước, cá nhân tôi thấy mãn nguyện” – cụ Duy xúc động.

Tiếp lời chồng, bà Phấn cho hay: ông nhà tôi bị mổ tim từ năm 2013, sức khỏe yếu, đi lại khó khăn phải ngồi xe lăn. Học xong, ra trường, ông ấy làm công nhân ở Nhà máy hóa chất Đức Giang, nghỉ hưu gần 20 năm nay. Nhà tôi bên Long Biên, đối diện cổng Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Nguyện vọng của ông là về quê thắp hương tiễn biệt bạn học, tiễn biệt Tổng Bí thư, mẹ con tôi cũng rất đồng tình”.

Tang lễ trọng thể Tổng bí thư nơi quê hương Lại Đà. Ảnh: Kiên Trung.

Tang lễ trọng thể Tổng bí thư nơi quê hương Lại Đà. Ảnh: Kiên Trung.

Ngồi trong sân Nhà văn hóa thôn Lại Đà, cụ Ngô Bá Dục tóc bạc trắng, thân hình mảnh khảnh, gày gò. Cụ chống gậy tới nơi tổ chức Lễ tang, ngồi yên trên ghế dõi theo những đoàn người mặc áo sẫm màu, nối nhau vào viếng Tổng Bí thư…

Nhà cụ Dục ở xóm 7, cách nhà Tổng Bí thư 6 ngõ xóm. Đồng niên, đồng thế hệ, cụ Dục cũng là người bạn học của Tổng Bí thư từ thuở trường làng, cũng có những kỷ niệm tuổi thơ gắn liền với thôn quê, đồng ruộng, bơi qua sông đi học. Ra trường, cụ Dục là giáo viên dạy học trường làng, sau đó, cụ là Hiệu trưởng trường cấp 3 Cổ Loa cho tới khi nghỉ hưu.

Trong những bức ảnh bạn cùng học trường làng với Tổng Bí thư thời gian qua được chia sẻ nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, cụ Dục xuất hiện hầu hết trong các bức ảnh. Cụ cũng là người lưu giữ nhiều nhất các tư liệu, kỷ niệm của thế hệ học trò làng Lại Đà năm xưa.

Ngoài cụ Duy, cụ Dục còn có các cụ Vương Khắc Côn (cùng xóm ông Dục), giáo viên cấp 2; cụ Doãn Xuân Nùng, Tạ Sinh Kế (thôn Hội Phụ) - cựu chiến binh tù Côn Đảo… Đây là thế hệ bạn học cùng làng thuở ấu thơ với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Bước sang tuổi 80, các cụ đã tuổi cao sức yếu, thế nhưng trí tuệ vẫn minh mẫn, vẫn ùa về những xúc cảm, kỷ niệm và sự kính trọng, nhớ tiếc người bạn đồng môn Nguyễn Phú Trọng.

Ngày hôm nay, Lại Đà bao trùm không khí tiếc thương. Những đoàn người mặc áo sẫm màu, trên ngực áo đeo băng tang từ khắp mọi miền cùng hướng về, tiễn đưa nhà lãnh đạo hết lòng vì nước, vì dân, người con ưu tú của quê hương Lại Đà: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Xem thêm
Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là cuộc cách mạng lớn

An Giang có trên 300 nghìn nông dân trực tiếp sản xuất lúa và 229 hợp tác xã đang đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Sau đợt mưa lớn, hồ thủy lợi ở Khánh Hòa đã tích được 84% dung tích

Nhờ đợt mưa lớn vừa qua, các hồ thủy lợi ở tỉnh Khánh Hòa đã tích được 84% dung tích thiết kế, đảm bảo 100% diện tích kế hoạch sản xuất vụ đông xuân.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.