| Hotline: 0983.970.780

Băn khoăn quanh quy chế tạm trữ gạo

Thứ Sáu 07/12/2012 , 09:50 (GMT+7)

Cuối tháng 11 vừa rồi, Bộ NN-PTNT trình lên Chính phủ về quy chế tạm trữ lúa, gạo. Tờ trình này đã nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia lúa gạo, nhưng vẫn còn những băn khoăn, lo lắng về tính khả thi.

Cuối tháng 11 vừa rồi, Bộ NN-PTNT trình lên Chính phủ về quy chế tạm trữ lúa, gạo. Tờ trình này đã nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia lúa gạo, nhưng vẫn còn những băn khoăn, lo lắng về tính khả thi.

So với bản Dự thảo Quy chế mua tạm trữ lúa, gạo mà Bộ NN-PTNT đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội hồi cuối tháng 8/2012, trong tờ trình này, đã có thay đổi về khối lượng tạm trữ của các vụ lúa. Ở bản Dự thảo Quy chế, Bộ NN-PTNT đề xuất tạm trữ tối đa 1 triệu tấn quy gạo trong vụ đông xuân và 1,5 triệu tấn quy gạo trong vụ hè thu.

Nhưng trong tờ trình, Bộ NN-PTNT cho rằng sản lượng lúa hàng hóa vụ đông xuân ở các tỉnh ĐBSCL hiện khoảng 7,6 - 7,7 triệu tấn, tương đương với 3,8 triệu tấn quy gạo. Nếu cộng với 1 triệu tấn gạo tồn kho của năm trước chuyển sang, thì vụ đông xuân sẽ có khoảng 4,8 triệu tấn gạo hàng hóa. Trong khi đó, mỗi tháng xuất khẩu bình quân 600 - 700 ngàn tấn gạo, tính ra cả quý I thường xuất khẩu được 2 triệu tấn gạo. Như vậy, còn dư 2,8 triệu tấn. Bởi vậy, cần phải nâng mức tạm trữ quy gạo trong vụ đông xuân lên 1,5 triệu tấn. 1,3 triệu tấn còn lại sẽ được lưu thông nội địa, xuất khẩu qua đường tiểu ngạch và gối đầu xuất khẩu cho quý sau.

Tương tự như vậy, vụ hè thu có sản lượng gạo hàng hóa 2,9 - 3 triệu tấn. Cộng với khoảng 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân chuyển sang, sẽ có tổng cộng 4 triệu tấn gạo hàng hóa. Trong đó, có 2 triệu tấn được xuất khẩu, còn dư 2 triệu tấn. Vì thế, vụ hè thu chỉ cần tạm trữ tối đa 1 triệu tấn quy gạo. 1 triệu tấn gạo còn lại sẽ được lưu thông nội địa, xuất khẩu tiểu ngạch và gối đầu xuất khẩu trong những tháng cuối năm.


Thu hoạch lúa ở ĐBSCL

Khi giá lúa thấp hơn giá định hướng của Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT sẽ chủ trì phối hợp với các bộ Tài chính, Công thương, NHNN Việt Nam, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, công bố thời điểm tạm trữ, số lượng tạm trữ và phân bổ chỉ tiêu tạm trữ cho các tỉnh, TP ở ĐBSCL. Số lượng lúa, gạo tạm trữ ở từng tỉnh, TP thuộc ĐBSCL sẽ căn cứ vào sản lượng năm trước đó của địa phương. Thời hạn hoàn thành chỉ tiêu tạm trữ là trong vòng 2 tháng, tính từ ngày công bố tạm trữ. Thời gian tạm trữ là 3 tháng.

Cũng theo tờ trình này, đối tượng được hỗ trợ tạm trữ sẽ là các hộ nông dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, HTX nông nghiệp (gọi chung là nông dân) có phương tiện tạm trữ lúa và tự nguyện tạm trữ. Việc hỗ trợ nông dân tạm trữ lúa sẽ được thực hiện thí điểm tại 4 tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và Trà Vinh. Các doanh nghiệp kinh doanh lương thực trực tiếp tổ chức trồng lúa, doanh nghiệp kinh doanh lương thực có hợp đồng tiêu thụ lúa, gạo trực tiếp với nông dân, doanh nghiệp kinh doanh lương thực được UBND cấp tỉnh chỉ định mua tạm trữ lúa trên địa bàn, cũng là những đối tượng được hỗ trợ tạm trữ. Để được hưởng chính sách tạm trữ lúa, gạo, nông dân tham gia tạm trữ phải đảm bảo thời gian tạm trữ tối thiểu 2 tháng (việc tạm trữ phải có chứng nhận của UBND cấp xã).

Doanh nghiệp phải đảm bảo thời gian tạm trữ tối thiểu 3 tháng (việc tạm trữ của doanh nghiệp phải được UBND cấp tỉnh chứng nhận). Nếu đảm bảo các điều kiện trên, nông dân tạm trữ lúa sẽ được ngân hàng cho vay với số vốn bằng giá trị của số lượng lúa tạm trữ theo giá định hướng đã được Bộ Tài chính quy định và được Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong thời gian tối đa 3 tháng kể từ khi bắt đầu tạm trữ. Doanh nghiệp sẽ được ngân hàng cho vay vốn và ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong thời gian tạm trữ 3 tháng.

Nhận định về quy chế tạm trữ lúa, gạo nói trên, ông Nguyễn Văn Tiến, TGĐ Cty Angimex (An Giang), cho rằng đây là sự thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. Việc tạm trữ lúa sẽ giúp cho nông dân giữ được giá lúa, giúp doanh nghiệp kịp thời, linh hoạt trong việc đàm phán ký kết, thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, quy chế tạm trữ chưa tính tới yếu tố thị trường. Bởi nếu bắt doanh nghiệp tạm trữ, nhưng sau thời gian tạm trữ, nếu giá lúa gạo lại xuống thấp hơn nữa thì ai chịu trách nhiệm?

Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch VFA, theo quy chế này, doanh nghiệp sẽ được phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ trên địa bàn đứng chân, nhưng lúa lại “chạy” khắp vùng theo quy luật của thị trường. Do đó, yêu cầu một doanh nghiệp thu mua bao nhiêu tấn trên một địa bàn nào đó là không phù hợp. Mặt khác, cũng theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, nếu để các tỉnh phân bổ chỉ tiêu tạm trữ cho các doanh nghiệp là không ổn vì nhiều doanh nghiệp lương thực tuy đóng trên địa bàn nhưng lại là thành viên của TCty Lương thực Miền Nam.

Nếu thấy việc tạm trữ không có hiệu quả, doanh nghiệp sẽ không làm. Nếu không có ý kiến của TCty Lương thực Miền Nam, các doanh nghiệp thành viên ở các tỉnh cũng sẽ không thể tham gia. Địa phương chỉ định tạm trữ, nhưng phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu vào các thị trường tập trung lại thuộc thẩm quyền của VFA. Những doanh nghiệp chưa có trong tay chỉ tiêu xuất khẩu vào các thị trường tập trung, là chưa có đầu ra ổn định, thì khó mà yên tâm tham gia tạm trữ.

Về phần tạm trữ của nông dân, cũng có những mối băn khoăn lớn. Chẳng hạn việc UBND cấp xã xác nhận nông dân tạm trữ có thể sẽ phát sinh nhiều tiêu cực, gian lận; chỉ những nông dân trung lưu trở lên (chiếm khoảng 20% hộ trồng lúa ở ĐBSCL) mới có điều kiện tạm trữ và hưởng lợi từ chính sách tạm trữ, còn phần lớn là những hộ nông dân nghèo vẫn sẽ phải bán lúa ngay sau khi thu hoạch để có tiền trang trải cuộc sống, trả nợ… Nhưng nỗi băn khoăn lớn nhất là nếu nông dân tham gia tạm trữ lúa gạo, mà sau thời gian tạm trữ, giá lúa gạo hàng hóa lại xuống thấp hơn lúc họ mới bắt đầu tạm trữ, thì khi ấy ai sẽ chịu trách nhiệm, ai bù đắp cho nông dân sự thiệt hại này? Đây là một câu hỏi mà theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng là rất khó có thể giải đáp được.

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự nhiều hội nghị cấp cao tại Trung Quốc

Sáng 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao đã tới thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, bắt đầu chuyến công tác dự nhiều hội nghị cấp cao.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.