| Hotline: 0983.970.780

Bảo tàng nghệ thuật ‘ngàn tỷ’ của con trai nhà văn Xuân Thiều

Thứ Tư 19/07/2023 , 09:55 (GMT+7)

Bảo tàng nghệ thuật Quang San sau một tháng đi vào hoạt động, đã nhanh chóng trở thành một địa chỉ văn hóa mới cho công chúng đô thị phương Nam.

Bảo tàng nghệ thuật Quang San nằm bên sông Sài Gòn.

Bảo tàng nghệ thuật Quang San nằm bên sông Sài Gòn.

Bảo tàng nghệ thuật Quang San (Quang San Art Museum) có giấy phép thành lập từ tháng 2/2023 do Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM cấp, và chính thức khai trương từ tháng 6/2023. Bảo tàng nghệ thuật Quang San tọa lạc ở số 189B/3 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, Thủ Đức, TP.HCM với diện tích 2.000m2.

Nằm bên sông Sài Gòn thơ mộng, Bảo tàng nghệ thuật Quang San được đánh giá là bảo tàng tư nhân lớn nhất Việt Nam hiện nay. Bảo tàng nghệ thuật Quang San chú trọng lĩnh vực mỹ thuật, đang sở hữu trên 1300 tác phẩm hội họa và điêu khắc có giá trị.

Tác phẩm điêu khắc chân dung nhà văn Xuân Thiều.

Tác phẩm điêu khắc chân dung nhà văn Xuân Thiều.

Bảo tàng nghệ thuật Quang San là tâm huyết được vun đắp hơn 20 năm của ông Nguyễn Thiều Quang. Là con trai của nhà văn Xuân Thiều, cho nên ông Nguyễn Thiều Quang từ nhỏ đã được tiếp xúc với giới nghệ sĩ và trí thức. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thiều Quang tốt nghiệp kỹ sư xây dựng công trình ngầm tại Liên Xô và thành công trong ngành tài chính. Hiện nay, ông Nguyễn Thiều Quang là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Techcombank.

Nhà sưu tập tranh Nguyễn Thiều Quang.

Nhà sưu tập tranh Nguyễn Thiều Quang.

Tên gọi Quang San đặt cho bảo tàng nghệ thuật, được ông Nguyễn Thiều Quang ghép tên mình và tên người mẹ tảo tần nuôi dưỡng ông và ba người em khôn lớn. Trong khuôn viên bảo tàng nghệ thuật Quang San có tác phẩm điêu khắc chân dung nhà văn Xuân Thiều được đặt ở vị trí trang trọng. Nhà văn Xuân Thiều (1/4/1930 - 4/4/2007) được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2017.

Nhà văn Xuân Thiều viết nhiều thể loại, từ thơ, bút ký, truyện ngắn đến tiểu thuyết, lý luận, phê bình. Một số tác phẩm của nhà văn Xuân Thiều được công chúng yêu mến, như “Mặt trận kêu gọi”, “Thôn ven đường”, “Huế mùa mai đỏ”, “Gió từ miền cát”...

Trong một bài thơ dành tặng con trai Nguyễn Thiều Quang, nhà văn Xuân Thiều nhắn nhủ: “Rồi con đi theo ba bước chân lũn tũn/ Kìa con ơi tránh vũng nước lầy bùn/ Con hãy đi trên con đường rộng lớn/ Khi vào đời con thẳng bước đừng run/ Con hãy đi khắp mọi miền đất nước/ Những dòng sông dài những đỉnh núi cao/ Con sẽ hiểu tình yêu rộng lớn nhất/ Là tình yêu Tổ quốc, đồng bào”.

Thực hiện lời dặn ấy, ông Nguyễn Thiều Quang sau khi ổn định kinh tế, đã dùng đam mê của mình để sưu tầm những tác phẩm của các danh họa Việt Nam. Ông và người vợ Phùng Minh Nguyệt không chỉ xuôi ngược khắp ba miền, mà còn tham dự nhiều cuộc đấu giá tranh quốc tế để mua lại những bức tranh nổi tiếng của họa sĩ Việt Nam. Có không ít bức tranh được vợ chồng ông Nguyễn Thiều Quang mua với giá hàng triệu USD từ chục năm trước.

Một tác phẩm triệu 'đô' trong Bảo tàng nghệ thuật Quang San.

Một tác phẩm triệu "đô" trong Bảo tàng nghệ thuật Quang San.

Cái thú sưu tầm tranh, không phải có tiền là làm được, mà còn phải có thêm tấm lòng thiết tha và chân thành. Có nhiều bức tranh, vợ chồng ông Nguyễn Thiều Quang phải dùng tình cảm để thuyết phục, thậm chí năn nỉ thân nhân của họa sĩ quá cố, để họ gật đầu chuyển nhượng.  

Càng ngày, ngôi nhà cũ của ông Nguyễn Thiều Quang trên đường Trương Định, quận 3 không còn đủ chỗ để chứa tranh. Ông Nguyễn Thiều Quang quyết định mở bảo tàng nghệ thuật tư nhân, với quan niệm: “Nếu tác phẩm chỉ gói gọn trong không gian nhỏ hẹp để thụ hưởng mang tính cá nhân và gia đình, thì khó có nhiều người yêu thích được chiêm ngưỡng”.

Bộ tứ 'Thứ - Phổ - Lựu - Đàm'.

Bộ tứ "Thứ - Phổ - Lựu - Đàm".

Bảo tàng nghệ thuật Quang San được ông Nguyễn Thiều Quang giao cho con trai Nguyễn Thiều Kiên làm giám đốc. Bảo tàng nghệ thuật Quang San được chia thành 3 khu vực trưng bày, tương ứng với dòng chảy lịch sử hội họa Việt Nam, từ các khoá đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương đến giai đoạn kháng chiến, thời kỳ đổi mới, thời kỳ đương đại và qua từng vùng miền.

Một tác phẩm hiếm hoi Bùi Xuân Phái vẽ cuộc sống vùng cao.

Một tác phẩm hiếm hoi Bùi Xuân Phái vẽ cuộc sống vùng cao.

Khi những tác phẩm được sưu tầm và đặt cạnh nhau ở Bảo tàng nghệ thuật Quang San, công chúng không khó khăn để nhận ra phong cách độc đáo của những trường phái mỹ thuật khác nhau. Kiểu vẽ của Trường Mỹ nghệ Biên Hoà (từ 1903 đến nay, hiện là Trường Cao đẳng Trang trí Mỹ thuật Đồng Nai) không giống kiểu vẽ của Trường vẽ Gia Định (từ 1913 đến nay, hiện là Đại học Mỹ thuật TP HCM) và càng không giống kiểu vẽ của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế (từ 1958 đến nay, hiện là Đại học Nghệ thuật Huế).

Bảo tàng nghệ thuật Quang San là bảo tàng ngàn tỷ, nên có những bộ sưu tập triệu “đô”, như các bộ tứ hội họa Việt Nam từ “Trí, Cẩn, Vân, Lân”, “Nghiêm, Liên, Sáng, Phái” đến “Thứ, Phổ, Lựu, Đàm”.

Bức tranh Văn Cao vẽ năm 1964.

Bức tranh Văn Cao vẽ năm 1964.

Với đội ngũ tư vấn chuyên môn rất am tường thị trường mỹ thuật, cho nên Bảo tàng nghệ thuật Quang San tương đối đầy đủ tác phẩm của những gương mặt hội họa Việt Nam, từ thế hệ Nguyễn Hiêm, Huỳnh Phương Đông, Mai Long, Nguyễn Thụ đến thế hệ Bửu Chỉ, Đinh Cường, Dương Đình Sang, Hoàng Đăng Nhuận và cả những họa sĩ ăn khách như Nguyễn Trung, Đỗ Quang Em, Nguyễn Thanh Bình, Đào Hải Phong, Lê Thiết Cương...

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Hojlund giúp Man.Utd ngược dòng thành công

Man.United giành chiến thắng quan trọng tại lượt trận tiếp theo Europa League 2024/2025 dù bị dẫn trước.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.