| Hotline: 0983.970.780

Bảo Thắng huy động sức dân xây dựng nông thôn mới

Thứ Ba 29/12/2020 , 13:48 (GMT+7)

Có được sự đồng thuận, góp sức của người dân, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) đã hoàn thành 9/9 tiêu chí để phấn đấu là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Lào Cai.

Cán bộ, công chức xã Thái Niên (huyện Bảo Thắng) làm đường hoa cùng người dân vào sáng thứ bảy. Ảnh: H.H

Cán bộ, công chức xã Thái Niên (huyện Bảo Thắng) làm đường hoa cùng người dân vào sáng thứ bảy. Ảnh: H.H

Cùng dân sáng thứ bảy

Ông Trần Minh Sáng – Bí thư huyện Bảo Thắng cho biết, trong xây dựng nông thôn mới khi người dân đồng thuận, đồng lòng thì việc dù khó cũng hoàn thành. Vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia xây dựng nông thôn mới đóng vai trò hết sức quan trọng.

Thông qua công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, đã làm chuyển biến về nhận thức của người dân nhất là các vấn đề có liên quan đến công tác xây dựng nông thôn mới.

Người dân thấy được lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới, từ đó có trách nhiệm, chủ động tích cực tham gia trong sản xuất, tích cực phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng, sửa chữa chỉnh trang nhà cửa, phát triển sản xuất, hiến đất, cây cối hoa mầu, đóng góp công sức, giải phóng mặt bằng làm đường giao thông nông thôn và các công trình công cộng trên địa bàn xã, thôn..

Qua đó huy động được đông đảo người dân tích cực tham gia, chung tay xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trên địa bàn toàn huyện.

Đặc biệt là huyện Bảo Thắng đã có phong trào “Sáng thứ bảy cùng dân”. Theo đó, cán bộ, công chức dành buổi sáng thứ bảy xuống cơ sở, thăm nắm địa bàn, cùng làm với người dân. Các công việc thiết thực mà cán bộ và nhân dân cùng làm như tu sửa đường giao thông nông thôn, vệ sinh môi trường, trồng các tuyến đường hoa, các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, phổ biến kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cách làm hay trong phát triển kinh tế xã hội...Qua đó, người dân còn được tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, lãnh đạo để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng tạo sự gắn kết và không còn khoảng cách giữa người dân với chính quyền.

Trong xây dựng nông thôn mới, huyện Bảo Thắng đã rút ra nguyên tắc “lấy dân làm gốc”, phát huy tối đa quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới, công khai, minh bạch các nguồn lực để người dân tự làm, tự quyết định, tự kiểm tra, giám sát… Nhờ đó, trong 10 năm huyện đã huy động các nguồn lực đầu tư được trên 9.407 tỷ đồng, trong đó nguồn ngoài ngân sách là trên 8.000 tỷ đồng.

Việc chỉnh trang đường đi, dọn dẹp vệ sinh môi trường... trở thành hoạt động hằng tuần của cán bộ, công chức huyện Bảo Thắng. Ảnh: H.H

Việc chỉnh trang đường đi, dọn dẹp vệ sinh môi trường... trở thành hoạt động hằng tuần của cán bộ, công chức huyện Bảo Thắng. Ảnh: H.H

Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện, đến nay, huyện Bảo Thắng đã có 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, xã Sơn Hà, Xuân Quang đã hoàn thành toàn bộ các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Huyện Bảo Thắng đã hoàn thành 9/9 tiêu chí của huyện nông thôn mới...

Nhiều cách làm hay

Hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, nhiều mô hình, cách làm hay của Bảo Thắng trở thành điểm sáng như phương châm “Làm nhà, làm bếp xếp sau làm đường”.

Đặc biệt, mô hình mở rộng đường giao thông nông thôn từ 3 m lên 5 m, từ 5 m lên 7m của xã Phú Nhuận; tuyên truyền với cách thức “Đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng thôn” của Huyện ủy.

Ngoài ra còn mô hình của các xã, cơ quan, đơn vị khác như đẩy mạnh sự chủ động tham gia, chung tay xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững của người dân bằng việc “Mỗi người dân, một ý tưởng”; trong huy động, lồng ghép các nguồn lực thì xác định “huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định”…

Ông Nguyễn Hữu Lý - Bí thư Đảng ủy xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng) cho biết, trong thi đua xây dựng nông thôn mới, khâu vận động, tuyên truyền là quan trọng nhất, người dân là chủ thể, xây dựng nông thôn mới cũng có thể coi là “cuộc cách mạng của nhân dân”.

Nhiều khẩu hiệu dễ nhớ đã từng bước tác vào hành vi của người dân như “Đất vàng việc làng không tiếc”, “Đường rộng lòng người rộng, đường hẹp lòng người hẹp”, thôi thúc người dân sáng tạo, đóng góp ý tưởng cho việc xây dựng nông thôn mới, tạo phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp.

Để việc thi đua xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào, cán bộ và nhân dân cùng bàn, cùng làm, tạo sự đồng thuận và có sức lan tỏa. Bên cạnh các phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới, huyện Bảo Thắng cũng phát động phong trào xây dựng “Thôn nông thôn mới” và “Thôn kiểu mẫu”.

Từ năm 2017 đến năm 2020, huyện Bảo Thắng có 29 thôn kiểu mẫu, 26 thôn nông thôn mới. Năm 2020, huyện phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới với khẩu hiệu: “Đường rộng, sáng điện, nhiều hoa”, “Nhân dân đồng lòng, nông thôn phát triển” với mục tiêu hình thành 83 tuyến với tổng chiều dài 65,8 km đường hoa (trồng hoa hai bên đường). Đến nay đã làm được 113 tuyến với tổng chiều dài 77,8 km đường hoa (vượt kế hoạch 30 tuyến/12 km).

Từ việc thực hiện tốt các phong trào thi đua trong giai đoạn 2011 - 2020, Chính phủ đã tặng Cờ thi đua cho Nhân dân và cán bộ huyện Bảo Thắng, thưởng công trình trị giá 10 tỷ đồng; 11 tập thể và 68 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Lào Cai chung sức xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.