| Hotline: 0983.970.780

OCOP góp phần giải bài toán khó cho nông thôn mới Hà Tĩnh

Thứ Sáu 25/12/2020 , 09:44 (GMT+7)

Theo ông Trần Huy Oánh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh, chương trình OCOP đang góp phần giải bài toán khó cho địa phương.

Ông Trần Huy Oánh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Nguyên Huân.

Ông Trần Huy Oánh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Nguyên Huân.

Chia sẻ tại buổi Tọa đàm với chủ đề “Sản phẩm OCOP gia tăng thu nhập góp phần hoàn thành xây dựng nông thôn mới”, ông Trần Huy Oánh cho biết, đối với Hà Tĩnh, thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, ngay từ đầu, tỉnh xác định, sản xuất là cốt lõi và thu nhập của người dân là mục tiêu quan trọng nhất.

Do đó, khi Trung ương phát động triển khai chương trình OCOP, Hà Tĩnh nhận thấy rằng đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giải bài toán khó trong giai đoạn tiếp theo.

Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, Hà Tĩnh được đánh giá là một trong những địa phương có sự tập trung rất cao, vừa qua tỉnh đã đánh giá, phân hạng sản phẩm, kết quả về mặt số lượng chưa được nhiều, với 72 sản phẩm, trong đó có 69 sản phẩm 3 sao, 3 sản phẩm 4 sao.

Nhưng cái được lớn nhất là thông qua việc đánh giá, xếp hạng, Hà Tĩnh đã thay đổi tư duy, nhận thức của người sản xuất, các chủ thể và kể cả với người tiêu dùng khi nhận biết được sản phẩm OCOP là sản phẩm có chất lượng cao, được tin dùng, sản phẩm tử tế do những người tử tế làm ra.

Trưng bày sản phẩm OCOP Hà Tĩnh. Ảnh: BHT.

Trưng bày sản phẩm OCOP Hà Tĩnh. Ảnh: BHT.

Điển hình như đối với sản phẩm nhung hươu Hương Sơn, trước đây chủ yếu bán theo dạng nhung tươi, giờ có thể chế biến ra nhung hươu tán bột, nhung hươu thái lát, rượu nhung hươu và đang triển khai các sản phẩm chức năng khác.

Hay đối với sản phẩm nước mắm, trước đây Hà Tĩnh cũng có lợi thế, có tiếng, nhưng chỉ ở địa phương, nay qua thực hiện chương trình OCOP, rất nhiều sản phẩm nâng tầm chất lượng cao, có tiếng vang rất lớn, được bán ở nhiều tỉnh thành trong cả nước như nước mắm Luận Nghiệp, nước mắm Nhất Ninh.

“Sản lượng nước mắm các cơ sở cửa Hà Tĩnh từ chỗ mang lại nguồn thu mỗi năm chỉ vài trăm triệu giờ nhờ OCOP đã lên tới tiền tỷ. Trong đó, rất nhiều cơ sở mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng năng lượng mặt trời như cơ sở nước mắm Phú Cương, dự kiến doanh thu năm nay 15 tỷ, nước mắm Luận Nghiệp doanh thu trên 9 tỷ đồng”, ông Oánh chia sẻ.

Ông Oánh cho biết thêm, Hà Tĩnh trong giai đoạn hiện nay tập trung đúc rút lại bài học kinh nghiệm quý của giai đoạn trước. Về các trụ cột đó, Hà Tĩnh hướng mạnh vào trụ cột nông nghiệp thông minh, phát triển kinh tế là quan trọng nhất, trong đó thực hiện đổi mới sáng tạo cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Một vấn đề quan trọng là vấn đề kết nối thị trường, trước khi thị trường chấp nhận hoặc quy luật cung cầu, vấn đề truyền thông hết sức quan trọng, Hà Tĩnh giai đoạn này đang tập trung chiến dịch truyền thông rất mạnh.

Nhiều nông sản truyền thống của Hà Tĩnh đã được nâng tầm thương hiệu và nâng cao chất lượng khi tham gia chương trình OCOP. Ảnh: BHT.

Nhiều nông sản truyền thống của Hà Tĩnh đã được nâng tầm thương hiệu và nâng cao chất lượng khi tham gia chương trình OCOP. Ảnh: BHT.

Ông Oánh bật mí, hiện tại, Hà Tĩnh đang xây dựng chương trình Game show OCOP trên mạng internet hàng tuần, toàn quốc cùng tham gia. Tuy nhiên, tỉnh cũng luôn nhắc nhở các cơ sở và các địa phương, muốn vào được thị trường, đặc biệt là sau này thị trường khó tính, chính mình phải nâng cao chất lượng, về sinh an toàn thực phẩm và cả cái tâm của mình trong đó.

Ông Oánh kiến nghị, cần đưa khoa học công nghệ vào OCOP càng nhanh càng nhiều càng tốt. Thứ hai, hệ thống tổ chức của văn phòng điều phối, hệ thống OCOP cần thống nhất chuyên nghiệp từ Trung ương đến địa phương. Mục tiêu là làm thế nào để cả hệ thống phải đạt chất lượng sản phẩm để bảo vệ cả chủ thể sản xuất và người tiêu dùng, trong đó Trung ương phải kiểm tra, kiểm soát chất lượng tốt để chương trình tạo được niềm tin vững chắc.

“Hà Tĩnh là vùng đất thường xuyên chịu ảnh hưởng khí hậu rất khắc nghiệt, do đó tỉnh phải đi vào những sản phẩm có quy mô nhỏ nhưng có giá trị gia tăng cao và phù hợp, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng.

Tôi đánh giá rất cao tỉnh Hà Tĩnh trong chương trình triển khai nông thôn mới khi luôn là địa phương có cách làm vừa quyết liệt, vừa sáng tạo linh hoạt, đặc biệt là khi chương trình OCOP được triển khai đồng loạt trên cả nước, Hà Tĩnh cũng là địa phương thực hiện rất sáng tạo, hiệu quả, góp phần trực tiếp nâng cao thu nhập cho người dân ở các vùng khó khăn”, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh văn phòng Nông thôn mới Trung ương.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.