| Hotline: 0983.970.780

Bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ để bảo đảm sinh kế cho ngư dân

Thứ Hai 30/11/2020 , 09:01 (GMT+7)

Bình Định áp dụng nhiều giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ để đảm bảo sinh kế cho ngư dân và góp phần bổ sung nguồn lợi thủy sản xa bờ.

Theo ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng suy giảm do mấy năm gần đây tàu thuyền khai thác tăng nhanh, theo đó, nghề khai thác và tần suất khai thác cũng tăng theo.

Thêm vào đó, kiểu khai thác thủy sản mang tính tận diệt như sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện, xiếc máy; hoặc sử dụng ngư cụ có kích thước mắc lưới rất nhỏ cũng khiến nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng bị tận diệt.

Hơn nữa, việc phá hủy rạn san hô, thảm cỏ biển cộng với môi trường ô nhiễm bởi rác thải, chất thải, các hoạt động xây dựng công trình ven biển cũng là những tác nhân ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Bình Định còn nhiều tàu cá khai thác thủy sản gần bờ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bình Định còn nhiều tàu cá khai thác thủy sản gần bờ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng suy giảm khiến sản lượng thủy sản giảm sút, do đó, cần phải được bảo vệ tốt thì mới đảm bảo sinh kế bền vững cho ngư dân. Bởi, nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ sẽ bổ sung thủy sản cho vùng lộng và vùng khơi”, ông Dương nói.

Theo ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở tỉnh này luôn được ngành chức năng đặt lên làm nhiệm vụ hàng đầu, thế nhưng không thể ngăn chặn triệt để nạn sử dụng nghề và ngư cụ cấm để khai thác thủy sản.

Cũng theo ông Vinh, hằng năm, Chi cục Thủy sản Bình Định tham mưu cho Sở NN-PTNT nhiều chương trình nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ. Trong đó nổi bật là phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ; xây dựng kế hoạch chuyển đổi nghề cho ngư dân có hoạt động nghề cấm trong khai thác thủy sản; tuyên truyền rộng rãi về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản; xây dựng các mô hình đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Tổ công tác liên ngành ở Bình Định kiểm tra tàu cá đánh bắt gần bờ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Tổ công tác liên ngành ở Bình Định kiểm tra tàu cá đánh bắt gần bờ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về khai thác thủy sản được chúng tôi hoạt động thường xuyên, trước mắt đã mang lại hiệu quả tích cực. Hoạt động của ngư dân từng bước chấp hành đúng vùng quy định, không còn tình trạng sử dụng chất nổ khai thác thủy sản. Mức độ vi phạm trong khai thác thủy sản giảm đáng kể, nhưng vẫn còn nhiều trường hợp hoạt động lén lút. Còn không ít ngư dân vẫn còn hoạt động các nghề cấm như đánh bắt bằng xung điện, xiếc máy”, ông Vinh cho hay.

Để ngăn chặn triệt để vấn nạn trên, ngoài chú trọng công tác tuyên truyền, tăng cường tuần tra xử lý vi phạm, trong thời gian tới, ngành chức năng Bình Định sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho ngư dân phù hợp với trình độ, năng lực. Tiếp tục vận động ngư dân có hoạt động nghề cấm để khai thác thủy sản thực hiện chuyển đổi nghề theo kế hoạch của UBND tỉnh Bình Định đã ban hành.

Lực lượng chức năng dừng tàu cá đánh bắt gần bờ để kiểm tra. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Lực lượng chức năng dừng tàu cá đánh bắt gần bờ để kiểm tra. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Riêng việc chuyển đổi nghề cho ngư dân phải phù hợp với từng đối tượng, điều kiện phát triển kinh tế của từng vùng. Bên cạnh đó, củng cố lại mô hình đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ để tăng hiệu quả hoạt động; nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên ngành về bảo vệ nguồn lợi thủy sản”, ông Vinh bộc bạch

Theo ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản đồng ý chủ trương cho phép Sở NN-PTNT thực hiện dự án điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ, vùng lộng để phục vụ cho công tác bảo vệ nguồn lợi và quản lý nghề cá theo Luật Thủy sản năm 2017, thời gian thực hiện từ đầu năm 2021 đến cuối năm 2022.

“Sở NN-PTNT Bình Định đã chỉ đạo chúng tôi thực hiện dự án này. Theo đó, chúng tôi sẽ phối hợp các đơn vị có đủ năng lực để tiến hành việc điều tra, xác định trữ lượng nguồn lợi thủy sản ven bờ để làm cơ sở để bố trí lại nghề, phương tiện khai thác thủy sản theo hướng bền vững, không tăng sản lượng thủy sản mà tập trung nâng cao giá trị sản phẩm sau khai thác, nhằm tăng giá trị kinh tế, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân”, ông Trần Kim Dương nói.

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Nông nghiệp dẫn lối, tương lai rộng mở trên vùng đất Si Ma Cai

LÀO CAI Si Ma Cai đổi thay từng ngày từ nông nghiệp, nơi những mùa quả ngọt không chỉ mang lại thu nhập mà còn thắp sáng hy vọng về một tương lai no đủ, bền vững.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.