| Hotline: 0983.970.780

Sẽ xã hội hóa công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Thứ Hai 23/12/2019 , 10:25 (GMT+7)

Năm 2019, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 8.162 nghìn tấn, trong đó khai thác 3.707 nghìn tấn, nuôi trồng 4.391 nghìn tấn.

Kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dự kiến đạt 8.800 triệu USD, bằng 83,8% kế hoạch và 100,1% so với năm 2018.

Các đại biểu bàn thảo các giải pháp nhằm ngăn chặn đà suy giảm nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Hoàng Tùng/BNEWS/TTXVN.

Đó là các số liệu được đưa ra tại hội nghị "Bàn giải pháp thực hiện bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản 2017” do Tổng cục Thủy sản vừa tổ chức.

Nói về việc triển khai Luật Thủy sản 2017, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho hay, hệ thống văn bản quy định về lĩnh vực bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, thuận tiện. Đã đưa danh mục các khu vực cấm khai thác, cấm khai thác có thời hạn, nghề cấm và đối tượng cấm vào các quy định của Nghị định, Thông tư.

Công tác tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản được triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng ngư dân. Huy động được nguồn lực xã hội tham gia công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Duy trì, điều tra nguồn lợi hải sản bước đầu đã có dữ liệu về nguồn lợi hải sản làm cơ sở cho việc quy hoạch khai thác hải sản, xây dựng các quy định, chính sách về thuỷ sản. Thực hiện điều tra nguồn lợi thủy sản nội đồng.

“Công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản được thực hiện theo kế hoạch nên số vụ vi phạm trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở một số địa phương có xu hướng giảm…”, ông Hùng cho hay.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như chưa có phần mềm cơ sở dữ liệu về nguồn lợi thủy sản. Đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản còn thiếu, hạn chế về chuyên môn và kinh nghiệm…

Một số hệ sinh thái bị suy giảm, bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường, các hoạt động kinh tế, du lịch. Số lượng tàu thuyền khai thác thủy sản nhiều, chưa kiểm soát được cường lực khai thác phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi, nguy cơ làm cạn kiệt nguồn lợi vùng biển ven bờ.

Tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến khai thác, bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản vẫn diễn ra thường xuyên, ngày càng tinh vi. Thiếu các hướng dẫn kỹ thuật trong hoạt động cứu hộ; chưa xây dựng được trung tâm cứu hộ các loài nguy cấp, quý, hiếm…

Theo các chuyên gia, nguồn lợi thủy sản của nước ta đang suy giảm cả về số lượng và chất lượng. Do đó, cần phải tăng cường các biện pháp nhằm tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Tại hội nghị, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đã đưa ra một số giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong thời gian tới như xã hội hóa công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Tranh thủ, phát huy các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đặc biệt là tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm, kỹ thuật chuyên môn của các tổ chức quốc tế. Tăng cường nguồn Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Bên cạnh đó, quản lí vùng khai thác, bằng cách làm giảm số tàu khai thác; thí điểm cấm nghề lưới kéo (giã cào) ở một số địa phương. Tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý các vi phạm. Quy hoạch, công bố các bãi bè, bãi giống. Tái tạo nguồn lợi thủy sản nội địa…

Đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho hay, nguồn lợi thủy sản vùng biển nước ta ngày càng suy giảm. Nguyên nhân do tàu cá tăng nhanh, việc chuyển đổi các nghành nghề khai thác thủy sản mang tính chất tận diệt còn chậm như nghề lưới kéo.

Một bộ phận ngư dân còn dùng thuốc nổ, xung điện khai thác thủy sản. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khai thác, bảo vệ, phát triển thủy sản nguồn lợi thủy sản chưa được toàn diện, kịp thời. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận ngư dân còn hạn chế.

Một số địa phương vẫn còn tình trạng đánh bắt thủy sản bằng kích điện.

Trong những năm qua, Bộ đội Biên Phòng đã phối hợp với các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Trong đó, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo và lồng ghép tuyên truyền Luật Thủy sản.

Phối hợp với các địa phương làm sạch biển, đồng hành cùng ngư dân, vươn khơi, bám biển. Đảm bảo an ninh trật tự vùng biển. Kiên quyết không cho người và phương tiện ra biển nếu không đủ thủ tục giấy tờ theo quy định. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

“Tính riêng năm 2019, Bộ đội Biên phòng đã tổ chức trên 10.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tuần tra trên biển, xử lý hàng chục vụ sử dụng kích điện trái phép”, vị này thông tin thêm.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.