Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra tại cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 sáng 5/3.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, hiện nay khi nhu cầu vacxin lớn, nguồn cung của thế giới hạn chế, nhiều nước sẵn sàng mua dưới dạng kỳ vọng, thậm chí có hơn 30 nước đăng ký mua vacxin gấp nhiều lần nhu cầu thực tế.
“Việc đảm bảo đủ vacxin rất khó khăn, bên cạnh đó đây là những vacxin mới phát triển, chưa có nghiên cứu đủ lâu để khẳng định chất lượng, hiệu quả bảo vệ, vì vậy, quan điểm của Bộ Y tế là bên cạnh việc mua vacxin từ nước ngoài, nhất định phải tập trung nghiên cứu, sản xuất, chủ động bằng nguồn vacxin trong nước”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Dự kiến, ngày mai, 6/3, Bộ Y tế sẽ tập huấn đối với tất cả các đơn vị tiêm chủng trên toàn quốc trong vấn đề tiếp nhận, sử dụng, xử lý tai biến sau tiêm…
Sau đó đến ngày 8/3, những liều vacxin đầu tiên sẽ được tiêm trước hết tại 18 cơ sở đang điều trị bệnh nhân Covid-19, các vùng có dịch, các đối tượng theo Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vacxin phòng Covid-19…
Những người đã tiêm chủng sẽ được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khoẻ điện tử, có chứng nhận điện tử đã được tiêm vacxin…
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định tiêm vacxin không bảo đảm phòng bệnh 100%, ví dụ, theo thông tin của nhà sản xuất thì vacxin của Pfizer có hiệu quả bảo vệ trên 90%, vacxin Astrazeneca là 76% mũi 1, 81% mũi 2. Những số liệu này cũng cần được kiểm nghiệm ngoài thực tiễn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá nỗ lực của Bộ Y tế trong việc tiếp cận vacxin nước ngoài ngay từ rất sớm; đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vacxin ở trong nước; đồng thời đề nghị, khi có vacxin ngừa Covid-19, Bộ Y tế tổ chức tiêm, đánh giá độ an toàn, hiệu lực, hiệu quả một cách tốt nhất. Phó Thủ tướng nêu rõ, đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn bởi 2 lý do chính.
Thứ nhất, trong những đợt tiêm chủng mở rộng đối với những vacxin đã ổn định rồi cũng có lúc xảy ra sự cố, sơ xuất, nếu không chuẩn bị tốt sẽ biến thành những sự cố lớn.
Thứ hai, tất cả những loại vacxin trước đây tiêm ở Việt Nam đều là những vacxin được phát triển theo quy trình lúc bình thường với thời gian trung bình 7-8 năm, thậm chí có loại lên đến 12 năm. Trong khi đó, những vacxin ngừa Covid-19 được nghiên cứu, phát triển theo trong tình hình khẩn cấp, việc cấp giấy phép sử dụng ở Việt Nam cũng vậy. Do đó, chúng ta càng phải cảnh giác và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế từng bước tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân, và khi triển khai tiêm phải bảo đảm an toàn ở mức cao nhất có thể, nếu có bất kỳ sự cố nào, dù nhỏ cũng phải bình tĩnh xử lý.