| Hotline: 0983.970.780

Bất ngờ ở phiên đấu thầu vàng thành công thứ 3

Thứ Tư 15/05/2024 , 11:56 (GMT+7)

Phiên đấu thầu vàng ngày 14/5 ghi nhận lượng vàng bán ra kỷ lục 8.100 lượng, số thành viên tham gia đấu thầu cũng cao nhất với 8 đơn vị.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tiếp tục tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC. Đây cũng là phiên đấu thầu thứ 6 do nhà điều hành tổ chức. Nhiều điểm bất ngờ, kỷ lục mới được đã được thành lập ở phiên đấu thầu này.

Phiên này cũng là phiên đấu thầu thành công thứ 3 trong tổng số 6 phiên đã được tổ chức. Đáng chú ý, ghi nhận sự chuyển biến tích cực về số lượng thành viên tham gia cũng như lượng vàng được "chốt đơn".

Theo đó, đã có 8.100 lượng vàng được bán cho 8 đơn vị tham gia. Giá trúng thầu khá sát nhau 87,72 - 87,73 triệu đồng/lượng. Mức giá này cao hơn 1,7 triệu đồng/lượng mà các công ty mua từ người dân và thấp hơn khoảng 1,3 triệu đồng/lượng so với giá bán ra.

Trong thông báo được phát đi của NHNN ngày 13/5, giá vàng tham chiếu để tính giá đặt cọc là 88 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, trước giờ diễn ra phiên đấu thầu, nhà điều hành đã quyết định hạ giá tham chiếu xuống còn 87,7 triệu đồng/lượng.

Một điểm khác biệt so với những phiên đấu thầu trước là khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 5 lô (tương đương 500 lượng), thấp hơn 2 lô (200 lượng) so với quy định tại phiên đấu thầu trước và 700 lượng so với phiên đấu thầu đầu tiên.

Đồng thời, khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu là 40 lô (tương đương 4.000 lượng), nhiều hơn 20 lô (2.000 lượng) so với quy định tại các phiên đấu thầu trước đó.

Nếu như 2 phiên đấu thầu thành công hôm 23/4 và 8/5, lượng vàng đấu thầu thành công chỉ là 3.400 lượng SJC thì phiên hôm nay, số lượng đã tăng gần 2,4 lần. Số doanh nghiệp tham gia trúng thầu cũng tăng ký lục với 8 thành viên.

2024-05-14_160358

Giá vàng niêm yết tại Công ty SJC - Ảnh chụp màn hình lúc 16 giờ.

Sau phiên này, thông qua 3 lần đấu thầu thành công, nhà điều hành đã tung ra thị trường tổng cộng 14.900 lượng vàng SJC - một số lượng khá khiêm tốn, nếu so với tổng số hơn 100.000 lượng vàng dự tính được bơm ra thị trường sau 6 phiên.

Cập nhật của người viết, sau phiên đấu thầu, giá vàng SJC hiện niêm yết tại 86 - 89 triệu đồng (mua vào - bán ra), gần như đi ngang trong cả phiên ngày 14/5, sau khi đã giảm 1-1,5 triệu đồng từ lúc mở cửa.

Giá vàng tăng nóng - không ít nhà đầu tư có thể đã "đu đỉnh"

Giá vàng vừa trải qua một tuần tăng nóng với diễn biến khó lường. Chỉ trong một tuần, mỗi lượng vàng miếng SJC tăng gần 5 triệu đồng (tăng 5,5%), còn vàng nhẫn cũng đắt thêm 1,5 triệu đồng mỗi lượng.

Nói là diễn biến khó lường bởi có thời điểm giá vàng đã lên đến mốc cao kỷ lục 92,4 triệu đồng/lượng bán ra (ngày 10/5), nhưng ngay sau chỉ đạo nóng từ Chính phủ, giá vàng đã liên tiếp có những phiên "quay xe", giảm tới 3 triệu đồng mỗi lượng.

Tạm tính ở phiên chiều nay, với mức giá mua vào chốt ở 86 triệu đồng/lượng, nếu người dân "đu đỉnh" mua vàng ở giá 92,4 triệu đồng/lượng (hôm 10/5), hiện đã lỗ tới 6,4 triệu đồng mỗi lượng.

Khoản lỗ được đẩy lên cao bởi thực tế, cùng với đà tăng của giá vàng, chênh lệch giữa giá mua vào - bán ra của các doanh nghiệp cũng đang được giãn rộng, lên tới 3 triệu đồng/lượng với vàng miếng SJC.

Ngoài ra, trước khi NHNN đấu thầu vàng miếng, giá trong nước nhìn chung chỉ đắt hơn thế giới khoảng hơn 10 triệu đồng/lượng. Thế nhưng sau 6 phiên đấu thầu, giá kim loại này ở trong nước đã có lúc cao hơn tới 20 triệu đồng một lượng so với vàng thế giới. Đồng thời tái diễn tình trạng khan hiếm nguồn cung, người dân rồng rắn xếp hàng đi mua vàng mà có khi cũng không mua được.

Như Báo Nông nghiệp Việt Nam từng đề cập, trước diễn biến khó lượng của thị trường vàng, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đấu thầu vàng chỉ là một trong những biện pháp cần thiết để tạo nguồn cung nhanh nhất cho vàng miếng SJC, qua đó hạ "cơn sốt" giá vàng hiện nay. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế để tăng nguồn cung ra thị trường chứ không phải là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng chênh lệch giá vàng bất hợp lý.

Đơn cử, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, cần phải sớm sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Theo ông Hiếu, cần xóa độc quyền vàng miếng SJC cũng như giao lại việc nhập khẩu cho các nhà kinh doanh vàng, thay vì NHNN thực hiện việc này.

Cùng với đó, cần thành lập sàn vàng và làm sao kéo được số vàng còn nằm trong dân qua việc phát hành chứng chỉ vàng. Thực hiện đồng bộ giải pháp mới giúp thị trường vàng ổn định, nếu không thị trường vẫn sẽ còn biến động.

Xem thêm
Ràng buộc nhiều điều kiện với thương nhân xăng dầu

Thương nhân phân phối xăng dầu có ít nhất 5 cửa hàng trực thuộc, 10 đại lý bán lẻ, có kho bể, phương tiện vận tải sở hữu hoặc thuê trên 5 năm...

Năm tuyển sinh đặc biệt của Trường Đại học Lâm nghiệp

HÀ NỘI Trường Đại học Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tổ chức lễ nhập học cho tân sinh viên khóa K69 trong không khí rộn ràng của chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường.

Greenfeed tiếp tục được vinh danh Doanh nghiệp xuất sắc châu Á

Greenfeed, một thương hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp, lần thứ 8 được vinh danh tại Lễ trao giải Doanh nghiệp châu Á - APEA 2024 vừa diễn ra ở TP.HCM.

Giới đầu tư săn tìm biệt thự ven biển Hạ Long khi nguồn cung nhỏ giọt

QUẢNG NINH Quỹ đất trực vịnh Hạ Long ngày càng khan hiếm khiến nguồn cung biệt thự ven biển ít ỏi, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội từ dòng sản phẩm này.