Trước đó, theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngày 3/5, tổng khối lượng vàng miếng dự kiến được đấu thầu là 16.800 lượng vàng miếng SJC do NHNN tổ chức sản xuất.
Tuy nhiên, do chỉ có 1 đơn vị nộp phiếu dự thầu, NHNN đã phải ra thông báo hủy phiên đấu thầu vàng.
Đây cũng là lần thứ 3 trong tổng số 4 lần tổ chức, cơ quan chủ quản đưa ra thông báo huỷ lịch đấu thầu vàng miếng SJC, do không đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu.
Chỉ duy nhất phiên đấu thầu ngày 23/4 thành công, nhưng chỉ có 2 thành viên tham gia trúng thầu. Thậm chí, lượng vàng bán ra cũng khá khiêm tốn, khi chỉ trúng thầu 3.400 lượng vàng trên tổng số 16.800 lượng vàng đưa ra.
Trong lần thứ 4 tổ chức, các thông tin, quy chế đấu không có thay đổi so với các phiên trước đó. Khối lượng đấu thầu mà một đơn vị tham gia tối thiểu 1.400 lượng và tối đa 2.000 lượng. Đơn vị tham gia cọc 10%.
Đấu thầu vàng khó đạt kỳ vọng
Theo NHNN, việc tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại (sau 11 năm) là nhằm can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, việc đấu thầu vàng liên tiếp không thành công sau 4 lần tổ chức đặt ra nhiều câu hỏi về tính khá thi của hoạt động này trong những lần tiếp theo.
Từ góc độ doanh nghiệp, trao đổi với báo chí, đại diện của một đơn vị tham gia đấu thầu vàng phiên 23/4 (phiên thành công duy nhất) cho biết, trong khi chênh lệch và biến động giá vàng lớn, các doanh nghiệp lo ngại rủi ro khi phải chi số tiền lớn để mua vàng "vào kho" nhưng giá kém hấp dẫn.
Ở phiên ngày 23/4, mức giá tham chiếu được NHNN đưa ra trước đó một ngày để các đơn vị chuyển tiền đặt cọc là 80,7 triệu đồng. Sau một đêm, kim loại quý trên thị trường quốc tế bất ngờ có phiên giảm sâu nhất một năm. Các đơn vị tham gia đặt cọc kỳ vọng, giá sàn nhà điều hành đưa ra sẽ thấp hơn hoặc xấp xỉ mức tham chiếu 80,7 triệu.
Tuy nhiên, giá sàn dự thầu được công bố lại là 81,3 triệu, tăng 500.000 đồng so với tham chiếu. Mức giá này cao hơn 1 triệu đồng so với mỗi lượng SJC mua vào từ người dân và thấp hơn giá bán ra của các đơn vị khoảng 1 triệu đồng ở cùng thời điểm.
Đại diện doanh nghiệp cho biết, giá dự thầu của NHNN đưa ra khiến đơn vị "đứng hình". Trong 30 phút, họ phải quyết định có trả giá hay không. Nhiều cuộc gọi về với lãnh đạo cấp cao của công ty được thực hiện, để đánh giá tình thế rủi ro nếu bỏ phiếu trả giá thầu.
Ước tính, doanh nghiệp phải bỏ ra hơn 100 tỷ đồng để nhập ít nhất 1.400 lượng với giá sàn này. Và việc mua vào với mức sát thị trường, trong khi thế giới đi xuống, tức là kéo biên lợi nhuận xuống thấp hơn, kém hấp dẫn; chưa kể việc khó cân đối được đầu ra.
Bên cạnh đó, để các phiên đấu thầu vàng "bớt ế", ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, NHNN cũng cần xem xét sửa đổi điều kiện yêu cầu mua tối thiểu.
Tức là thay vì tối thiếu 1.400 lượng như hiện nay, xuống còn khoảng 400 - 500 lượng vàng để thu hút nhiều đơn vị tham gia bỏ thầu hơn. Ngoài ra, giá đặt cọc cũng cần thay đổi, bởi hiện tại mức giá này được các doanh nghiệp nhìn nhận là vẫn còn cao.
Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng đấu thầu vàng là một trong những biện pháp cần thiết để tạo nguồn cung nhanh nhất cho vàng miếng SJC, qua đó hạ "cơn sốt" giá vàng hiện nay. Tuy nhiên, họ cũng nhìn nhận, đây chỉ là giải pháp tình thế để tăng nguồn cung ra thị trường chứ không phải là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng chênh lệch giá vàng bất hợp lý.
Đơn cử, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu khẳng định đấu thầu vàng vẫn chỉ tạm giải cơn "khát" vàng, vấn đề là cần sớm sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Theo ông Hiếu, cần xóa độc quyền vàng miếng SJC cũng như giao lại việc nhập khẩu cho các nhà kinh doanh vàng, thay vì NHNN thực hiện việc này.
Bên cạnh đó, cần thành lập sàn vàng và làm sao kéo được số vàng còn nằm trong dân qua việc phát hành chứng chỉ vàng. Thực hiện đồng bộ giải pháp mới giúp thị trường vàng ổn định, nếu không thị trường vẫn sẽ còn biến động.
Còn với nhà điều hành, thông tin trên cổng chính thức của NHNN, lãnh đạo Vụ Quản lý ngoại hối cho biết, mục tiêu NHNN đấu thầu bán vàng miếng là tăng cung vàng miếng trên thị trường để can thiệp bình ổn thị trường vàng, không nhằm mục tiêu bình ổn giá vàng và đặc biệt không bù lỗ cho bất cứ đối tượng nào trên thị trường.
Quan điểm: “Đấu thầu vàng nhằm bình ổn thị trường, không bình ổn giá. Giá vàng là do thị trường tự điều chỉnh” của NHNN được chuyên gia Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho là còn khá mơ hồ, chưa phản ảnh đúng bản chất của mục tiêu bình ổn thị trường vàng.
Giá vàng miếng SJC đang trên vùng đỉnh
Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đưa tin, giá vàng trong nước ngày 4/5 tiếp tục có phiên tăng giá so so với ngày trước đó.
Cụ thể, tính đến 10 giờ 30 ngày 4/5, giá kim loại quý này trong nước biến động nhẹ từ 50 - 100 ngàn đồng/lượng so với hôm qua.
Như vậy, sau thông báo hủy phiên đấu thầu vàng miếng của NHNN hôm qua, giá vàng SJC tiếp tục tăng ngược chiều vàng thế giới, tiến sát mốc kỷ lục 86 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, giá vàng SJC tại Công ty SJC (Hà Nội) niêm yết ở mức 83,50-85,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); đi ngang ở chiều mua nhưng tăng 100 ngàn đồng/lượng ở chiều bán.
Giá vàng 9999 tại Tập đoàn Phú Quý duy trì niêm yết ở mức 83,50-85,70 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); đi ngang ở chiều mua và chiều bán...
Trong khi đó, sau phiên quay đầu giảm mạnh ngày 3/5, giá vàng thế giới hôm nay đi ngang, quanh ngưỡng 2.300 USD/ounce, trong bối cảnh đồng USD tiếp tục suy yếu; kéo theo chênh lệch giữa mỗi lượng vàng miếng trong nước cao hơn giá thế giới trên 14 triệu triệu đồng, tùy thời điểm.