Bà Liên là Phó Trưởng phòng khảo thí & Quản lý chất lượng, Phó Trưởng Ban chấm thi, phụ trách chấm bài thi tự luận môn Ngữ văn, bị bắt về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 356 - Bộ luật Hình sự.
Kết quả điều tra xác định, bị can Diệp Thị Hồng Liên (SN 1974; trú tại số 28, tổ 10, đường Ngô Sỹ Liên, phường Phương Lâm, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhiệm vụ được giao trực tiếp can thiệp và chỉ đạo các Tổ trưởng chấm thi tự luận môn Ngữ văn nâng điểm thi trái Quy chế thi Trung học phổ thông Quốc gia, làm sai lệch kết quả thi của các thí sinh tham dự kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình.
Bắt Diệp Thị Hồng Liên |
Ngày 14/5/2019, sau khi được Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã thực hiện tống đạt Quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với Diệp Thị Hồng Liên.
Liên quan đến vụ án, ngày 11/3, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã hoàn tất Kết luận điều tra vụ án gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình. Kết quả điều tra khẳng định, Đỗ Mạnh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT nội trú huyện Lạc Thủy thừa nhận được hưởng lợi 550 triệu đồng từ việc chỉnh sửa bài thi…
Kỳ thi THPT quốc gia 2018, tỉnh Hòa Bình khiến dư luận nghi ngờ khi có số thí sinh đạt điểm Toán từ 9 trở lên là 27, chiếm 4,7% cả nước. Xét theo khối thi truyền thống (A, A1, B, C, C3, D1), địa phương này có 22 trên tổng số 324 thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên. Nhiều thí sinh Hòa Bình trúng tuyển vào trường công an, quân đội - khối trường có điểm xét tuyển cao nhất mùa tuyển sinh 2018.
Tháng 8/2018, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 356 BLHS và liên tiếp khởi tố, bắt giữ các bị can Nguyễn Quang Vinh (53 tuổi, nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GDĐT tỉnh Hòa Bình), Đỗ Mạnh Tuấn (40 tuổi, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) và Nguyễn Khắc Tuấn (38 tuổi, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục)…
Các đối tượng khai nhận 550 triệu đồng để sửa điểm |
Quá trình điều tra, cơ quan công an đã giám định 210 bài thi trắc nghiệm của 77 thí sinh có dấu hiệu bị can thiệp, nâng điểm. Kết luận giám định cho thấy có 140 bài thi của 56 thí sinh trong số trên bị tẩy xóa, chỉnh sửa đáp án. Kết quả chấm thẩm định của Bộ GDĐT cho thấy các bài thi trên được nâng từ 0,2 đến 9,25 điểm. Tại cơ quan điều tra, Đỗ Mạnh Tuấn thừa nhận việc được hưởng lợi 550 triệu đồng từ hành vi chỉnh sửa bài thi THPT.
Ngày 9/4, đại diện Cục Đào tạo (Bộ Công an) thông tin, sau khi nhận danh sách 64 thí sinh được nâng điểm thi THPT quốc gia từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình, Cục đã chuyển tới các trường trực thuộc để rà soát.
Kết quả có 28 thí sinh không đủ điểm trúng tuyển sau khi chấm thẩm định, trong đó có 17 em ở Học viện Cảnh sát nhân dân; 9 em đang học Học viện An ninh nhân dân và 2 em học Đại học Phòng cháy chữa cháy. Số này đã được bàn giao về các đơn vị sơ tuyển để xử lý theo đúng quy định.