| Hotline: 0983.970.780

Bể nước mưa

Thứ Sáu 18/12/2020 , 10:14 (GMT+7)

Những bể xưa ấy thường không lớn, nửa chìm, nửa nổi, có mái vòm. Xây bể nửa chìm tựa vào đất cho an toàn, tránh nứt hay dò chảy.

Bể nước mưa xưa thường có mái khum tròn, nằm gọn ở một góc sân. Ảnh: ST.

Bể nước mưa xưa thường có mái khum tròn, nằm gọn ở một góc sân. Ảnh: ST.

Xưa, tư gia nhà ngói, cây mít, sân lát gạch bát, quét mỏi tay mới ra đến tường hoa đắp nổi những tưởng đã là khang trang. Nhưng được tính hoàn thiện, ưng ý mé sân còn phải có cái bể nước mưa nữa mới đủ để được coi là bề thế, đủ đầy. Nhất lại là cái bể to, chứa nước mưa đủ dùng từ mùa mưa này đến mùa mưa năm sau.

Mưa đầu mùa về, người làng nhắc nhau "thau bể" chứ chẳng ai vội hứng nước mưa mùa mới lẫn với nước mưa mùa cũ. Với lại, không tiếc gì, cứ để vài ba trận mưa đầu cho sạch mái nhà, sạch máng thì mới hứng nước mưa vào bể. Bể nước mưa là nguồn nước tinh khiết để cúng mỗi ngày sóc vọng, giỗ chạp, là bể nước ăn hàng ngày, rồi nước mưa pha chè mạn, hãm trà xanh... nên luôn được cả nhà chi chút cẩn thận.

Xưa, không phải nhà nào cũng có được bể nước mưa, chỉ có nhà địa chủ, nhà giàu có máu mặt trong làng mới có bể nước mưa. Bể xây to, có bậc tam cấp chỗ cửa bể và múc nước bằng gầu dây. Góc bể là bồn hoa, thường được trồng cây trà, cây hải đường, hay khóm hoa xói, hoặc đôi cây huyết dụ...

Nghe nói, những bể này cùng nhà cửa thời xưa khi chưa có xi măng các cụ đều phải xây bằng vữa mật mía. Nhà nào muốn xây phải mua dần mật mía chứa trong chum lớn, có khi mua vài vụ mới gom đủ. Những bể xưa ấy thường không lớn, nửa chìm, nửa nổi, có mái vòm. Xây bể nửa chìm tựa vào đất cho an toàn, tránh nứt hay dò chảy. Đáy bể bao giờ cũng có "cái rốn" giữa lòng đáy. Rốn tròn này sẽ đọng lại cặn nước mưa hay lá cây theo mái xuống. Có rốn bể khi thau bể cũng nhàn hơn. Chỉ việc hắt nước lên trên cọ sạch xung quanh, sau dồn cả vào rốn bể vét sạch, tráng và thấm khô là bể sạch tinh.

Thường thì bể xưa to lắm cũng chỉ sâu đến "1 đầu 1 với", cửa bể vuông, máng bương, máng cau bắc vào tận nơi. Năm nào ít mưa phải hết mùa mới đầy được bể nước, còn năm nào mướp hay nhãn nhiều hoa là y như rằng nước lớn, có khi hết tháng 8 ta, bể nhà ai cũng đã đầy nước.

Những bể mới xây người ta không hứng đầy bể mấy khi, phải để một khoảng trống, thế nên các cụ làm mái vòm cũng là ý ấy. Vì nghe như các cụ dặn, bể mới xây, hứng đầy nước, xây không chuẩn có khi nổ bể. Nổ thì chưa thấy, nhưng thấy có nhà bể bị dò rất khổ, vá mãi chẳng được, mà đập đi, xây lại cũng khó.

Những bể xây sau này có xi măng xây cũng nhàn hơn, nhưng nhiều nhà cánh thợ xây nhà chưa chắc đã được chọn xây bể mà gia chủ phải kén những cánh thợ khác chuyên xây bể. Gạch lục loại A được mua, vẫn chọn lại từng viên, sau được đem cọ sạch, xếp kiêu chỗ sạch trước khi xây. Bể xây phải có móng vững chắc, đáy bể có láng, có lát đủ ba lần. Bể xây xong được trát kĩ và‘’đánh bóng’’ màu xám thẫm. Sau này người ta xây bể rồi đổ nắp xi măng khênh lên trát khít chứ kiểu mái vòm như các cụ không còn thông dụng nữa.

Kiểu nắp bể vuông này dễ quét tước và tiện phơi phóng hơn. Nóc bể là nơi hứng nắng, nào thì đậu đỗ, lạc vừng, nào thì rơm lượm, măng khô, hạt giống... mùa hè chỉ phơi hai ba nắng trên nóc bể đã khô kiệt.

Nói thế nhưng gia chủ cũng luôn kiêng đất, bẩn phơi trên nóc bể, sợ ảnh hưởng đến nguồn nước thờ cúng và ăn uống hàng ngày. Thế nên dây phơi quần áo luôn được tính để không bao giờ chạy qua nóc bể. Nhiều nhà xây bể xong không xây bậc mà vần cái cối đá cũ về úp xuống làm bậc bước lên múc nước. Nhiều người tính kĩ trên nóc bể có chỗ kê máng nước vào đặt cả lọc lưới trên đó, rêu và lá trên nóc nhà đã được lọc lại và chỗ kê này cũng không vướng khi múc nước.

Có nước mưa trong nhà, thờ phụng đúng lối xưa, đèn, nhang, thanh thủy, hoa tươi quả. Nước mưa múc vào bát men lam cổ, để cạnh đĩa hoa, hương trầm thắp lên là như thấy bóng dáng tiền nhân hay người đã khuất trở về.

Tôi nhớ, mùa mưa đến, bà thường trông giời để nhắc bố và anh tôi thu xếp thời gian thau bể. Khi anh tôi xuống khua và cọ bà vẫn nhận việc kéo nước lên. Ban đầu nước múc lên đổ đầy cái chum to, sau mới đổ ra cọ sạch sân xướng.

Bể thau xong, có khi phải dăm ngày mới mưa, có khi lại chỉ hôm sau là đã bắc được máng vào. Mùa mưa chị em tôi tha hồ tắm, gội bằng nguồn nước trong vắt, mát lịm này. Phải nói rằng có nước mưa, có bồ kết, lá thơm đun nước gội đầu thì không gì sướng bằng. Tóc chị em tôi đều đen mượt, óng ả. Tóc chị tôi dài, mỗi lần gội xong thường 'quay tóc, tôi rất thích những hạt nước li ti thơm thơm kia bay vào mặt, nên thường loanh quanh bên cạnh tận hưởng niềm vui con trẻ ấy.

Người trong xóm luôn bảo nhà tôi có cái bể nước 10 khối quý quá! Đúng thật, tôi uống nước nhà mình bao giờ cũng thấy ngon, nước đun sôi để nguội trong cái ấm Liên Xô to, không bám cặn, lúc nào cũng ngọt mát. Chè mạn bố tôi pha hàng ngày xanh nước chứ không ngái xè như nhà người ta. Có những mùa cưới, mấy nhà trong làng xin nước nhà tôi về đun nước đám cưới đến vợi cả bể. Từ một đứa con út bé tí mãi không trèo được lên nóc bể phơi phóng giúp bà, tôi đã lớn hơn thoăn thoắt quét mặt bể và thu dọn đậu đỗ bà phơi mỗi khi. Theo thời gian tôi cứ thấy cái bể nhỏ đi mà không nghĩ mình lớn lên. Đến lạ!

Xem thêm
Vụ diễn viên Vương Tinh mất tích: Tìm thấy trong tình trạng không ai ngờ

Diễn viên Vương Tinh - sao nam điện ảnh Hoa ngữ đã được tìm thấy sau nhiều ngày gia đình và cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm. 

Việt Nam sớm chuẩn bị cho giải boxing nữ thế giới 2025

Các tay đấm nữ Việt Nam dự kiến góp mặt ở Giải boxing nữ vô địch thế giới 2025 tại Serbia vào tháng 3 tới.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.