Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, Bến Tre đã có 316 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên của 159 chủ thể.
Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Bến Tre có thêm 68 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; trong đó có 56 sản phẩm 3 sao, 11 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm 5 sao của 55 chủ thể.
Hiện, thành phần chủ thể tham gia chương trình OCOP chiếm nhiều nhất là cơ sở sản xuất hộ kinh doanh (86 chủ thể), doanh nghiệp (39 chủ thể), hợp tác xã (31 chủ thể), còn lại là tổ hợp tác với 3 chủ thể.
Theo Sở NN-PTNT, Bến Tre là một trong những tỉnh nằm trong top đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 5 sao. Các sản phẩm OCOP của tỉnh Bến Tre đã từng bước khẳng định giá trị, chất lượng trên thị trường và được người tiêu dùng tín nhiệm.
Tại hội nghị, Sở NN-PTNT Bến Tre đã trao chứng nhận, giải thưởng cho 11 sản phẩm của 8 chủ thể. Cụ thể, có 1 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp Quốc gia (sản phẩm OCOP 5 sao) là trái sầu riêng cấp đông của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu.
10 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh gồm bưởi da xanh Quới Sơn của Hợp tác xã Bưởi da xanh Quới Sơn. Bưởi da xanh Giao Long của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Giao Long. Xoài sấy dẻo của Công ty TNHH Thực phẩm NODAVI. Sầu riêng Tân Phú của Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Phú. Mật ong ruồi, mật ong hoa nhãn của Công ty cổ phần Mật ong Tín Phát. Bưởi da xanh của Hợp tác xã Bưởi da xanh Giồng Trôm. Creamer Dừa Béo Đặc - Delta Coco, nước cốt dừa - Delta Coco và nước cốt dừa – đậm đặc - 100% tự nhiên - Delta Coco của Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre.
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Đoàn Văn Đảnh, Chương trình OCOP có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển các sản phẩm, làng nghề địa phương.
Theo đó, các sản phẩm OCOP cũng được chính quyền và người dân địa phương quan tâm hỗ trợ nhiều hơn. Năm 2024, tỉnh đã triển khai thực hiện 6 nhiệm vụ khoa học công nghệ để, tập trung hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP với đề tài “Hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP cho các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bến Tre” và “Nghiên cứu xây dựng các giải pháp phát triển sản phẩm tiềm năng để được công nhận sản phẩm OCOP trên đị bàn tỉnh Bến Tre”. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ số trong quản lý và phát triển sản phẩm OCOP.
Song song đó, Bến Tre đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, triển lãm, hội chợ để quảng bá và mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP. Bước đầu tỉnh đã hình thành được hệ thống các cửa hàng, hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ các chủ thể sản xuất đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng thuận lợi hơn.
Dịp này, ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm tuyên truyền, quảng bá nhiều hơn để các sản phẩm OCOP có thể tăng về số lượng và chất lượng. Từng chủ thể có sản phẩm OCOP cần gắn bó với các cơ quan chức năng, các đoàn thể chính trị - xã hội địa phương thường xuyên nhằm tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Liên kết với các đơn vị thương mại nhằm phát triển thị trường, đồng hành với ngành nông nghiệp đưa chương trình OCOP của Bến Tre phát triển hơn.