| Hotline: 0983.970.780

Bến Tre liên tiếp công bố tình huống khẩn cấp sạt lở

Thứ Năm 02/11/2023 , 09:18 (GMT+7)

UBND tỉnh Bến Tre công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Giao Hòa thuộc xã Giao Long và An Hóa, huyện Châu Thành; sạt lở, xâm thực bờ biển huyện Ba Tri.

Sạt lở sông Giao Hòa đoạn qua xã Giao Long được UBND tỉnh Bến Tre công bố tình huống khẩn cấp. Ảnh: Minh Đảm.

Sạt lở sông Giao Hòa đoạn qua xã Giao Long được UBND tỉnh Bến Tre công bố tình huống khẩn cấp. Ảnh: Minh Đảm.

Sạt lở đe dọa hàng trăm hộ dân

Ngày 23/10, UBND tỉnh Bến Tre công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Giao Hòa, trên địa bàn xã Giao Long và An Hóa, huyện Châu Thành.

Theo đó, đoạn sạt lở bờ sông Giao Hòa trên địa bàn xã Giao Long và An Hóa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre có tổng chiều dài khoảng 800m. Điểm đầu từ cầu An Hóa (xã An Hóa), điểm cuối tại mốc giải phóng mặt bằng công trình cống An Hóa - Dự án Quản lý nước Bến Tre (JICA 3) trên địa bàn xã Giao Long.

Thời gian qua, sạt lở đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư, mất đất sản xuất, nhà ở và ảnh hưởng đến tính mạng, đời sống của hơn 300 hộ dân và người dân bắt buộc phải di dời khẩn cấp đi nơi khác (tổng số 26 hộ).

Sạt lở cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến đường ĐH.03 dọc theo bờ sông Giao Hòa, đã có 45m đường bị sạt lở hoàn toàn xuống sông Giao Hòa, hiện tại phải cắt giao thông nhằm đảm bảo an toàn. Ngoài ra, sạt lở còn ảnh hưởng trực tiếp, gây hư hỏng một số đoạn kè đã được đầu tư và các công trình, cơ sở hạ tầng hiện có như cầu An Hóa, tuyến đường Quốc lộ 57B.

Sạt lở đe dọa an toàn cầu An Hóa. Ảnh: Minh Đảm.

Sạt lở đe dọa an toàn cầu An Hóa. Ảnh: Minh Đảm.

Ngày 30/10, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam đã ký ban hành Quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp sạt lở, xâm thực bờ biển huyện Ba Tri.

Theo đó, khu vực sạt lở, xâm thực nghiêm trọng trên địa bàn xã Bảo Thuận (huyện Ba Tri) với tổng chiều dài khoảng 4,7km làm ảnh hưởng trực tiếp đến 115 hộ dân và 15 căn nhà ở gồm: sập hoàn toàn 4 căn, phải di dời đến nơi an toàn 11 căn. Đồng thời, làm hư hỏng hoàn toàn 100m đường bê tông; sạt lở hoàn toàn 650m bờ bao; diện tích đất bị ảnh hưởng khoảng 535ha. Trong đó, riêng đất rừng phòng hộ ven biển từ năm 2004 đến nay mất 16ha và thiệt hại hoàn toàn 45ha hoa màu của người dân.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre, từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 16 điểm (khu vực) bờ sông, bờ biển tiếp tục sạt lở thuộc các huyện Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách, Ba Tri, Bình Đại với tổng chiều dài sạt lở 6.774m.

Sống bất an bên “miệng hà bá”

Sạt lở gây bất an cho đời sống của người dân địa phương. Nhiều hộ phải di dời để chạy lở, trong khi đó vẫn còn một số hộ dân có hoàn cảnh khó khăn chưa có điều kiện di dời dẫu biết rằng nguy hiểm. Đáng quan tâm và chia sẻ là hoàn cảnh của gia đình ông Nguyễn Văn Mầu 85 tuổi, hiện đang sinh sống tại khu vực đã được công bố tình huống khẩn cấp thuộc xã Giao Long.

Tuổi đã cao, không có thu nhập, cuộc sống của vợ chồng ông Mầu dựa vào sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm và chính quyền địa phương. Phần đất nơi ngôi nhà ông Mầu ở ngay sát "miệng hà bá", mấy tháng nay, sạt lở khiến ông bà rất lo lắng, không biết phải đi đâu.

“Chiều tụi tui thấy nứt, khuya cỡ chừng 9h, chủ ghe đậu gần đó thấy lở quá la lên: Đất lở! Đất lở! Tụi tui chạy xuống coi thì nó vô sâu như bây giờ rồi. Hồi đó đường này xe hơi chạy được, còn bây giờ nó lở mất rồi xe máy còn không dám chạy”, ông Mầu kể lại. Hiện nay, ông Huỳnh Văn Mầu mong ước có được nơi ở ổn định, để không phải lo sợ sạt lở lúc nửa đêm.

Ngôi nhà của cụ ông Nguyễn Văn Mầu (85 tuổi) ở khu vực được công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Giao Hòa. Ảnh: Minh Đảm.

Ngôi nhà của cụ ông Nguyễn Văn Mầu (85 tuổi) ở khu vực được công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Giao Hòa. Ảnh: Minh Đảm.

Còn tại dốc cầu An Hóa, ông Trần Văn Có, một người dân trong xã sinh sống ở đây nhiều năm cũng tỏ ra lo lắng khi thấy dốc cầu bị sạt lở. “Thấy khoảng 2 tháng nay nó lở quá, có ngành chức năng đến khảo sát và cắm biển cảnh báo rồi”, ông Có nói.

Với việc công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra. Một số việc cấp bách như sơ tán khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm. Thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở.

Thực hiện các biện pháp xử lý bước đầu để hạn chế sạt lở. Tổ chức lập phương án xử lý cấp bách, phê duyệt phương án và huy động lực lượng, vật tư xử lý cấp bách theo quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bến Tre cũng giao các Sở NN-PTNT, Sở KH-ĐT, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở TN-MT, Sở Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp, hỗ trợ địa phương trong công tác ứng phó, xử lý, khắc phục sạt lở. Đồng thời, thực hiện các quy định về phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó thiên tai theo quy định của Chính phủ.

Xem thêm
Kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trương Hòa Bình; khiển trách bà Trương Thị Mai

Ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Trương Thị Mai, ông Trương Hòa Bình đã có những vi phạm, khuyết điểm bị Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật.

Trao tặng 80 di ảnh cho thân nhân các anh hùng liệt sỹ

Hội Cựu công an nhân dân (CAND) tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức lễ trao 80 di ảnh các anh hùng, liệt sỹ tới thân nhân, gia đình.

Thái Bình phục hồi 'làng muối tâm linh’

Hạt muối sạch phơi cát Tam Đồng sẽ được phục hồi gắn với du lịch tâm linh, với di tích Đền Bà chúa Muối nức danh cả nước và sẽ là 'hạt muối di sản'.