Cải bắp là một trong những loại rau được thị trường yêu chuộng và tiêu thụ quanh năm, với số lượng lớn. Vì vậy, trồng cải bắp thường cho thu nhập kinh tế cao.
Tuy nhiên, sâu bệnh hại là một trong những yếu tố làm tăng chi phí giá thành và gây cản trở sản xuất cải bắp. Một trong những bệnh hại nguy hiểm, đã gây thiệt hại đáng kể đến sản xuất cải bắp là bệnh thối nhũn.
Triệu chứng bệnh và tác hại
Bệnh thối nhũn cải bắp thường phát sinh khi cải bắp đã cuốn, cây đã nở kín đất. Bệnh thường xuất hiện ở phần cây sát gốc hoặc các lá già sát đất ẩm thấp, sau đó lan vào trong và lên trên. Vết bệnh thường nhũn nước có màu khoai môn và bốc mùi rất hôi.
Sau khi vi khuẩn xâm nhập vào trong, chúng làm thân cây thối nhũn và tuột ra khỏi bắp cải dễ dàng. Khi vườn có ẩm độ cao, bệnh cũng có thể tấn công trực tiếp vào các lá bao ngoài bắp, sau đó lan vào trong gây thối cả bắp. Sau khi thu hoạch, trong quá trình vận chuyển hay cất trữ, bệnh tiếp tục lây lan sang các bắp khác làm giảm giá trị thương phẩm.
Tác nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh phát triển: Bệnh thối nhũn cải bắp do vi khuẩn Erwinia sp. gây ra. Trong điều kiện trồng mật độ cao, bón phân thừa đạm, cây quá xanh tốt, lá rậm rạp, kết hợp vườn thường tưới nước theo kiểu phun mưa, vườn quá ẩm thấp… bệnh thường nặng.
Bệnh cũng thường phát sinh gây hại trong điều kiện thời tiết mưa gió lớn, nóng và ẩm, và vườn có mật độ sâu hại cao.
Những biện pháp phòng trừ bệnh thối nhũn cải bắp hiệu quả cao
Nguyên tắc là áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp có thể áp dụng được như sau:
- Trồng rau với mật độ thích hợp để đảm bảo độ thông thoáng, ít cọ xát nhau.
- Lên luống đủ cao để giúp vườn thông thoáng, khô ráo.
- Hạn chế tưới nước theo kiểu phun mưa với áp lực lớn, nên tưới theo rãnh.
- Phòng trừ sâu hại để hạn chế gây vết thương cơ giới, làm bệnh xâm nhập.
- Tỉa bớt những lá già để gốc được thông thoáng.
- Khi chăm sóc hạn chế làm sây sát cây rau.
- Sử dụng phân bón SPC-Cal để giúp tăng sức đề kháng, giúp bắp chắc và vận chuyển bảo quản lâu.
- Bón phân cân đối đầy đủ, không được dư đạm, tránh cây rậm rạp non mềm.
- Sử dụng phân bón Tano-601 để cung cấp vi lượng cần thiết nhằm tăng sức đề kháng.
- Giai đoạn có mưa gió lớn, cần kiểm tra để phát hiện bệnh hại nhằm phòng trừ kịp thời, hoặc chủ động phun phòng ngừa bệnh, sẽ giúp làm giảm thiệt hại và giảm chi phí phòng trừ.
- Khi phát hiện vườn rau chớm bị bệnh, nên phòng trừ bằng một trong các loại thuốc sinh học, ít độc như Saipan 2SL, hay Hỏa Tiễn 50SP, hoặc Alpine 80WG - Các sản phẩm này do Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật Sài Gòn (SPC) nghiên cứu, sản xuất và phân phối.