| Hotline: 0983.970.780

Bi hài sáp nhập xã ở Thái Bình

Thứ Năm 12/11/2020 , 07:10 (GMT+7)

Máy móc sáp nhập xã, tuyên truyền một chiều mang tính ép buộc mà không nghiên cứu kỹ các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội khiến cho ngọn lửa mâu thuẫn bùng phát

Người dân xã Đông Hà cũ quây lại để phản đối chuyện phá bỏ Trạm Y tế. Ảnh: Dương Đình Tường.

Người dân xã Đông Hà cũ quây lại để phản đối chuyện phá bỏ Trạm Y tế. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cuộc chiến giữ Trạm Y tế

Ngày 9/11 hàng trăm người dân, già trẻ, lớn bé đã bao quanh Trạm Y tế Đông Hà (xã Hà Giang, Đông Hưng, Thái Bình) để phản đối chuyện phá bỏ nó.

Ông Đặng Văn Kiểm năm nay 78 tuổi ở thôn Tam Đồng bảo từ trước đến giờ dân chỉ tin vào Đảng nên vừa rồi mới ký vào việc sáp nhất xã Đông Hà với Đông Giang. Nay bỗng sáp nhập hai Trạm Y tế thành một, chuyển tất về Đông Giang thì dân không đồng tình.

Trạm Y tế Đông Hà mới đưa vào sử dụng từ năm 2015 (đầu tư khoảng 3 tỉ - PV), diện tích gấp đôi, khang trang, sạch đẹp, bác sĩ đầy đủ lại gần đường để có thể chuyển bệnh nhân lên tuyến huyện được nhanh chóng.

Trong khi đó Trạm Y tế Đông Giang chật chội, dân ở vây quanh không thể mở rộng, xe cấp cứu có đến cũng chỉ đậu ngoài đường chứ không vào nổi sân.

“Tôi 2 lần bị nhồi máu cơ tim phải đi cấp cứu tại Trạm Y tế, giờ chuyển sang Trạm bên Đông Giang có khi đang đi dọc đường đã chết rồi.

Trạm một phần do dân chúng tôi góp đất, góp tiền dựng lên thế mà giờ người ta không cho dân biết, dân bàn đã định bỏ đi. Dân đến khám bệnh nhưng cấp thuốc phải xuống tận Trạm bên Đông Giang rất xa.

Chúng tôi kiến nghị phải giữ nguyên Trạm Y tế Đông Hà với mọi điều kiện khám chữa bệnh, cấp thuốc theo bảo hiểm y tế bình thường như trước”, ông Kiểm bức xúc.

Ông Kiểm đứng lên để phản đối chuyện phá Trạm Y tế. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Kiểm đứng lên để phản đối chuyện phá Trạm Y tế. Ảnh: Dương Đình Tường.

Theo ông Kiểm trong cuộc nói chuyện riêng với tôi đã cho rằng Đông Hà dân số đông gần gấp rưỡi, diện tích lớn hơn, lại có tới 4 di tích lịch sử trong khi Đông Giang không có, thế mà chỉ vì có trụ sở mới xây mà lại chuyển tất về bên ấy là không hợp lý.

Bà Hoàng Thị Lanh ở thôn Đồng Tâm bảo mình là lính quân y về hưu, đến Trạm Y tế lấy thuốc cho mẹ già hơn 90 tuổi bị liệt, thấy bà con tập trung phản đối chuyện rời Trạm nên cũng không thể đứng ngoài cuộc: “Trạm Y tế Đông Hà như một bệnh viện thu nhỏ có đầy đủ từ tây y đến đông y, các phòng chuyên khoa đáp ứng cho nhu cầu khám chữa trên 5.000 dân của xã cũ trong khi Trạm Y tế Đông Giang chỉ đáp ứng cho hơn 3.000 dân.

Không thể một Trạm Y tế được xây chỉ dành cho hơn 3.000 dân lại có thể phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh của gần hơn 9.000 dân được, không thể để nhiều người già, trẻ em phải đi xa để chữa bệnh được”.   

Bà Lanh đứng lên nói hộ nỗi lòng của hàng ngàn hộ dân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà Lanh đứng lên nói hộ nỗi lòng của hàng ngàn hộ dân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tâm sự của ông trưởng thôn

Nói về công cuộc sáp nhập kinh thiên, động địa vừa qua, ông Nguyễn Tiến Định - Trưởng thôn Đông An xã Đông Giang cũ kể: “Bản thân tôi làm cán bộ thôn từ năm 1982 tới giờ chưa bao giờ thấy hàng ngũ lãnh đạo xã nào làm được việc như đợt vừa rồi, xây dựng nông thôn mới toàn dân đều ủng hộ, phong trào đi lên như diều.

Đùng cái, sáp nhập là có hiện tượng cán bộ hai xã đấu đá, đánh đổ nhau ngay. Quy hoạch ban đầu của huyện, xã dự kiến Bí thư là người của Đông Hà, Chủ tịch là người của Đông Giang nhưng bỏ phiếu tín nhiệm bầu nguồn thì người của Đông Giang được cao còn Đông Hà lại trượt.

Bầu nguồn lần thứ hai, chỉ có Đông Giang bầu cho người của mình và cả Đông Hà còn Đông Hà lại không bầu cho người Đông Giang nên cả Chủ tịch lẫn Bí thư của Đông Hà đều bị trượt, phải xin nghỉ dù đang làm việc rất hiệu quả.

Xây dựng nguồn tiếp, Đông Giang làm Bí thư còn Đông Hà làm Chủ tịch bầu thì Bí thư trúng còn Chủ tịch lại trượt. Bởi thế từ tháng 5 đến giờ vẫn không có Chủ tịch, mọi phong trào đều bị trì trệ hay đảo điên hết”.

Ông Định khẳng định sáp nhập phải là sự tự nguyện. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Định khẳng định sáp nhập phải là sự tự nguyện. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cũng theo ông Định, trước khi sáp nhập, xã triển khai đến hàng ngũ các trưởng thôn về phổ biến cho dân là địa phương không đủ tiêu chuẩn dân số và diện tích nên buộc phải sáp nhập, không làm được đợt này phải buộc làm đợt sau nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm: Chúng tôi thuyết phục dân cũng như thế, nếu gia đình nào không đồng ý thì phải cho ý kiến nên họ ngại, đánh luôn dấu vào ô đồng ý.

Bây giờ tôi cho rằng đó là sự bắt buộc chứ không phải là tự nguyện, việc sáp nhập là quá sai lầm, nếu hỏi lại hầu hết người dân đều không đồng ý. Lãng phí cơ sở vật chất không biết bao nhiêu mà kể bởi những công trình của Đông Hà rồi sẽ bị phá hết…

Nỗi lo ngại của các lãnh đạo xã

Biết tin tôi đến, đội ngũ lãnh đạo xã Hà Giang mới gồm ông Nghiêm Văn Ngọc - Bí thư, Nguyễn Xuân Quy - Phó Chủ tịch Hội đồng, Chu Văn Thịnh - Phó Bí thư, Nguyễn Văn Thành - quyền Chủ tịch… đã nhanh chóng tề tựu để tiếp chuyện.

Các anh được tuyên truyền là bắt buộc phải sáp nhập xã hay sao? Tôi hỏi. Họ trả lời: Trước đây xã Đông Hà có trên 6.300 dân, xã Đông Giang có trên 4.200 dân, chúng tôi chỉ thực hiện đúng chủ trương từ trên xuống là phải sáp nhập.

Tuy nhiên cũng ở huyện Đông Hưng có xã không đồng ý sáp nhập thì vẫn giữ nguyên hiện trạng nên 13 xã được vận động mới có 11 xã thực hiện.

Các lãnh đạo của xã Hà Giang mới. Ảnh: Dương Đình Tường.

Các lãnh đạo của xã Hà Giang mới. Ảnh: Dương Đình Tường.

Công tác nhân sự hiện nay phức tạp thế nào? Tôi hỏi tiếp. Họ trả lời: Những người trong quy hoạch lãnh đạo chủ chốt thì đều nghỉ hết trong đó Chủ tịch chỉ được 22 phiếu trên tổng số 45 phiếu, phức tạp này liên quan đến vùng miền.

Thêm vào đó ở Thái Bình có khó khăn riêng là số xã sáp nhập nhiều, số lượng cán bộ nghỉ cũng lắm, chỉ có ngân sách Nhà nước hỗ trợ theo quy định (nghỉ trước tuổi cứ 1 năm được 3 tháng lương - PV) còn không có phần hỗ trợ của tỉnh thế nên mức rất thấp, không đủ để “đền bù tuổi xuân” hơn nữa lại giải quyết rất chậm.

Không như chúng tôi đọc trên báo thấy ở Thanh Hóa, Nghệ An… người ta hỗ trợ cao lắm, ngoài chế độ Nhà nước ra tỉnh còn cho thêm cả trăm triệu. Sau sáp nhập chúng tôi có 10 cán bộ đã nghỉ nhưng vẫn còn nhiều người dôi dư chưa biết bố trí vào đâu như Chủ tịch Hội Nông dân, Bí thư đoàn, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, kế toán...

Việc sáp nhập hai Trạm Y tế làm một rồi bỏ Trạm Y tế bên Đông Hà có là phải là chủ trương đúng hay không? Tôi hỏi tiếp.

Họ trả lời: Ngay việc chuyển trụ sở địa điểm làm việc về Đông Giang dân đã có ý kiến rồi. Còn sáp nhập chuyển hai Trạm Y tế thành một điểm cũng có chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm Y tế huyện, bắt buộc chúng tôi phải thực hiện trước ngày 30/11.

Khi chúng tôi mới thông tin ra như thế dân đã phản đối rồi. Đó cũng là nguyện vọng chính đáng của họ bởi giờ triển khai bác sĩ đến tận gia đình thì tại sao lại co các cơ sở khám chữa bệnh? Địa bàn xã sau sáp nhập rất rộng, tới hơn 9,2km2 nên dân ngại đi khám chữa bệnh ở xa.

Trạm Y tế xã Đông Hà cũ rất rộng rãi, đảm bảo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trạm Y tế xã Đông Hà cũ rất rộng rãi, đảm bảo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Về cơ sở vật chất hạ tầng sau sáp nhập lãng phí ra sao? Tôi hỏi tiếp.

Họ trả lời: Cả hai xã cũ trước đó đều dồn sức cho nông thôn mới. Bên Đông Hà đã quy hoạch sân vận động mấy tỉ, đang xây dở dang nhà văn hóa ngót 10 tỉ rồi là trụ sở xã… giờ bỏ đấy, sắt trơ ra hoen gỉ hết không biết giải quyết ra sao trong khi đó nợ cả chục tỉ bên B chưa quyết toán. Quá lãng phí!

Về đồ đạc, trụ sở bên Đông Hà có hơn 100 cái ghế chuyển về trụ sở mới một nửa, nửa còn lại để động viên cho các thôn xóm.

Hoàn thành sớm chuyện sáp nhập xã các anh có được thưởng gì không? Tôi hỏi câu cuối. Họ đều lắc đầu mà trả lời rằng: Chúng tôi chẳng được  huyện thưởng gì mà chỉ được dân “thưởng” cho mỗi câu là : “Cán bộ ngu thế!”.

"Sáp nhập xã là cuộc vận động chứ không phải cưỡng ép, cần công khai cái gì lợi, cái gì hại để người dân cân nhắc, lợi phải nhiều hơn hại tránh tình trạng vận động một chiều, lãng phí tài sản. Tổng Tứ Hải xưa gồm Đông Hà, Đông Giang, Đông Vinh thì chánh tổng lấy người ở Đông Hà vì đông dân hơn, dễ phát triển kinh tế hơn, trụ sở cũng họp ở đình làng bên này.

Như xã Đông Hà có dân số hơn 6.000, không nằm trong diện phải sáp nhập nhưng do Bí thư và Chủ tịch mâu thuẫn nhau nên cứ vận động dân thực hiện.

Huyện, tỉnh cứ chạy theo thành tích cho sáp nhập mà không hề bên trong đầy mâu thuẫn, không xử lý khéo thì mâu thuẫn lại càng lan to, năm 1997 Đông Hà từng là điểm nóng về biểu tình đấy".

Lời một người dân xin được giấu tên ở xã Đông Hà cũ.

Xem thêm
Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước vào kỷ nguyên vươn mình

Báo Nông nghiệp Việt Nam giới thiệu bài viết của Thủ tướng Phạm Minh Chính đầu năm mới 2025, cùng mong muốn đất nước phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng.

Xuất khẩu gạo lập kỳ tích vượt 9 triệu tấn và 5 tỷ USD

Xuất khẩu gạo gây ấn tượng mạnh mẽ cả về lượng và kim ngạch trong năm 2024 khi thiết lập những cột mốc lịch sử cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

'Biển người' dự lễ công bố thành phố Đông Triều

QUẢNG NINH Tối 1/1, thành phố Đông Triều tổ chức Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập thành phố Đông Triều và nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.