| Hotline: 0983.970.780

'Làng Nủ hạnh phúc'

Thứ Tư 01/01/2025 , 08:21 (GMT+7)

Đó sẽ là tên gọi mới của ngôi làng mà 3 tháng trước từng là tâm điểm tang thương trong trận lũ quét lịch sử xảy ra tại Làng Nủ (huyện Bảo Yên, Lào Cai).

Những đứa trẻ hồn nhiên nô đùa trước ngôi nhà sàn mới ở khu tái định cư Làng Nủ. Ảnh: Kiên Trung.

Những đứa trẻ hồn nhiên nô đùa trước ngôi nhà sàn mới ở khu tái định cư Làng Nủ. Ảnh: Kiên Trung.

"Hơn cả giấc mơ!"

Bà Hoàng Thị Cài (63 tuổi) hôm nay mặc bộ quần áo đẹp nhất, bộ quần áo mà bà chỉ dám diện trong những ngày Tết hay lễ hội của làng. Sáng nay, bà tới thăm ngôi nhà mới của cô cháu gái vừa được chính quyền tỉnh Lào Cai trao tặng vào sáng 15/12.

Nhà bà Cài ở làng trên, cách khu tái định cư Làng Nủ mới khoảng 3km. Từ đầu dốc, bà đã quan sát trọn vẹn ngôi làng với 40 căn nhà sàn hai tầng có kiến trúc giống nhau, cùng sơn màu trắng, mái tôn xanh nổi bật trên nền đất đỏ. 4 khu nhà sàn nối tiếp nhau, so le từ cao xuống thấp tạo thành một quần thể ấm cúng. Những con đường bê-tông vừa mới thảm, những hàng cây vừa mới trồng…

Ở vị trí chính giữa, trung tâm của bản mới, một ngôi nhà sàn lừng lững, vững chãi, mái xòe rộng hơn cả, có hàng bậc cao dẫn lên tầng 2. Đó là nhà sinh hoạt cộng đồng của làng Nủ mới!

Kế bên, điểm trường Làng Nủ cũng đã hoàn thiện gồm 4 phòng học cấp 4 khang trang xây dựng liền khối. Sáng nay, dù là chủ nhật nhưng trường đã mở cửa đón các cháu vào học buổi đầu tiên. Những bộ bàn ghế mới, bảng học mới, dụng cụ học tập mới. Khoảng sân chung láng bê-tông rộng rãi sẽ là nơi diễn ra các sự kiện của cộng đồng, vừa là sân chơi của các cháu. Một vườn hoa khoe sắc bên hông ngôi nhà văn hóa. Ở vị trí trung tâm nhà văn hóa thôn Nủ mới, chiếc cột inox vừa dựng chiều qua, bên trên là lá cờ Tổ quốc được gió thổi căng, từ xa cũng nhìn rõ ngôi sao vàng 5 cánh…

Tất cả đều mới mẻ. Tất cả đều tươm tất, khang trang, sạch đẹp. Tất cả đều ánh lên những hương vị của cuộc sống đủ đầy!

Bà Hoàng Thị Cài (giữa) xuýt xoa mãi không thôi khi đến thăm ngôi nhà mới của cháu gái vừa được bàn giao. 

Bà Hoàng Thị Cài (giữa) xuýt xoa mãi không thôi khi đến thăm ngôi nhà mới của cháu gái vừa được bàn giao. 

Những ngôi nhà sàn tái định cư được xây dựng hiện đại, nhìn từ xa như những biệt thự nổi bật giữa núi rừng...

Những ngôi nhà sàn tái định cư được xây dựng hiện đại, nhìn từ xa như những biệt thự nổi bật giữa núi rừng...

Những vườn rau xinh xắn được các đoàn, hội xã Phúc Khánh và bà con làng bên làm tặng mỗi hộ dân về nhà mới. Ảnh: Kiên Trung.

Những vườn rau xinh xắn được các đoàn, hội xã Phúc Khánh và bà con làng bên làm tặng mỗi hộ dân về nhà mới. Ảnh: Kiên Trung.

Bà Cài xuýt xoa mãi không thôi: “Ây dà đẹp quá, cứ như một bức tranh vẽ. Từ bé tới giờ, bà chưa được nhìn khu nhà nào đẹp như thế này, chỉ thấy trên tivi thôi!”.

Theo con đường mới tỏa đến các dãy nhà sàn san sát bên nhau, giữa mỗi ngôi nhà là một vườn rau nhỏ đang lên xanh, hàng rào tre quây bốn xung quanh cao ngang ngực; bên chái mỗi ngôi nhà là một khu vườn hoa đang đua nở. Đó là những bông hoa đầu tiên nở trên đất mới, đọ sắc với màu đất…

Bà Cài ngất ngây như đi giữa cơn mơ. “Đẹp quá, như thế này bà con yên tâm sinh sống lắm rồi. Nhà nào cũng to hơn, đẹp hơn ngôi nhà cũ nhiều lắm. Có được ngôi nhà này, là mơ ước cả đời ở bản làng chưa chắc đã xây dựng được”, người phụ nữ Tày trầm trồ. 

Hai mẹ con cô cháu gái bà Cài là chị Hoàng Thị Đàn và cháu Nguyễn Thị T.K bị dòng nước dữ cuốn trôi xa cả km vào buổi sáng định mệnh ngày 10/9, khi một nửa quả núi Voi từ trên cao đổ ập. May mắn, mẹ con chị Đàn được bà con phát hiện, kịp thời đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên nên qua cơn nguy hiểm.

Chị Đàn là con gái ông Nguyễn Văn Cai - một trong 2 gia đình duy nhất ở làng Nủ còn giữ được xác nhà không bị lũ cuốn trôi. Nguyên do, ông Cai dựng nhà cách xa lòng suối. Thế nhưng, bùn đất bị đánh dạt sang hai bên tràn lấp hết tầng 1, ngập hàng cột cái, tràn vào tầng 2 những bùn non, rồi kéo nguyên cả ngôi nhà sàn dịch xa khỏi vị trí cũ cả chục mét. Cái xác nhà giữ được là bởi bùn đất làm nền đỡ phía dưới.

Bà Bùi Hiệp Tư, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Khánh, đỡ anh Nguyễn Văn Thinh tới dự lễ bàn giao nhà tái định cư làng Nủ.

Bà Bùi Hiệp Tư, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Khánh, đỡ anh Nguyễn Văn Thinh tới dự lễ bàn giao nhà tái định cư làng Nủ.

Người dân Làng Nủ đến nhận nhà mới. Ảnh: Di Linh.

Người dân Làng Nủ đến nhận nhà mới. Ảnh: Di Linh.

Trong trận lũ quét lịch sử ở làng Nủ, đây là một sự hi hữu khiến ai cũng bất ngờ. Thế nhưng, dù cho ngôi nhà có còn khung, còn hình, gia đình ông Cai cũng không thể tiếp tục ở được vì nó đã bị biến dạng, cột kèo bên dưới có lẽ cũng đã bị đá lăn, đất trượt bẻ gãy, xô lệch. Ngay như chiếc ô tô tải - tài sản lớn nhất ông Cai tích góp tiền bạc mua về để chở hàng thuê cho bà con, bùn đất cũng khiến nó biến dạng. Người ta chỉ nhận ra đó là chiếc xe tải bởi nóc trên chiếc cabin vẫn còn, và một bên gương xe vẫn nhô lên trên lớp bùn đất đặc sệt…

Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Cai cũng được cấp một ngôi nhà mới trong khu tái định cư vừa hoàn thành, giống 32 hộ dân còn lại. Gia đình ông có 12 người thiệt mạng và mất tích trong trận lũ tang thương…

Khu tái định cư làng Nủ được xây dựng trên Đồi Sim với diện tích 10ha. Đứng ở vị trí nhà sinh hoạt cộng đồng có thể nhìn thấy làng Nủ cũ - nơi vẫn còn đó những hình ảnh mất mát, tang thương vào buổi sáng định mệnh. Có 2 con đường để lên làng Nủ mới: một con đường từ làng cũ đi lên trổ từ ngã ba chừng 500 mét. Một con đường mới mở từ khu dân cư xã Lương Sơn đi vào, đang đổ bê-tông mới. Tấm biển khắc hai chữ “Làng Nủ” in trên tảng đá nguyên khối được dựng ngay đầu đường, bên cạnh là một khóm cọ vừa mới trồng, xanh um…

Sẽ lấy tên “Làng Nủ hạnh phúc” làm tên làng

Trước ngày bàn giao nhà mới và tặng quà cho bà con làng Nủ, sáng 14/12, tôi được dự cuộc họp nhỏ giữa Bí thư Đảng ủy xã Phúc Khánh, bà Bùi Hiệp Tư; trưởng thôn làng Nủ Hoàng Ngọc Diệp - người đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã tích cực cùng nhân dân, lực lượng cứu hộ tham gia tìm kiếm, cứu hộ các nạn nhân lũ quét hơn 3 tháng trước. Ngoài ra, có một số hộ dân làng Nủ đến nghe phổ biến về chương trình lễ bàn giao nhà vào ngày hôm sau. Cuộc họp nhỏ bên trong căn nhà sàn mới của anh Hoàng Văn Duân.

Khu tái định cư làng Nủ mới nhìn từ thôn Nủ cũ. Ảnh: Kiên Trung.

Khu tái định cư làng Nủ mới nhìn từ thôn Nủ cũ. Ảnh: Kiên Trung.

Ngôi nhà của Duân đối diện với nhà sinh hoạt cộng đồng, sát điểm trường Làng Nủ. Bí thư xã Phúc Khánh, bà Bùi Hiệp Tư, cho biết: huyện, xã tổ chức họp bà con thống nhất cách thức bắt thăm để nhận nhà, ai bắt thăm vào số nhà nào sẽ được bàn giao căn nhà đó. Tất cả các căn nhà sàn đều được thiết kế giống nhau, đều là nhà hai tầng, 3 gian truyền thống của người Tày nhưng xây dựng hiện đại với khung cột bê-tông, sàn gỗ, mái tôn ép xốp chống nóng, cửa kính khung nhôm kiên cố. Diện tích xây dựng mỗi ngôi nhà là 96m2.

Cầu thang bê-tông ở bên ngoài, ban công tầng 2 rộng rãi, thoáng mát; có công trình phụ khép kín liền với phòng chính. Mỗi ngôi nhà đều có một khoảng đất trống cho người dân làm vườn, trồng rau… để có thể tự đảm bảo thực phẩm theo kiểu tự sản tự tiêu. Các đoàn, hội trong xã cùng bà con xã bên nhiều ngày qua đều qua lại, chung tay giúp đỡ đơn vị thi công dọn dẹp vệ sinh, trồng cây trang hoàng cảnh quan; làm tặng bà con mỗi gia đình một vườn rau xinh xắn được rào cẩn thận, có lối đi vào vườn…

"Chính quyền đã tổ chức họp bà con để lấy ý kiến xây dựng hương ước làng, 100% người dân đều biểu quyết đồng thuận. Bà con cam kết sẽ thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, yêu thương đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, xây dựng nơi ở mới thành một nơi đáng sống; giữ gìn cảnh quan, kiến trúc, bảo vệ môi trường, cùng với nhân dân trong xã xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp", Bí thư xã Phúc Khánh cho hay.

Nhà bia tưởng niệm những người xấu số trong trận lũ quét được dựng bên suối, gần với khu vực xảy ra lũ quét thời điểm trước.

Nhà bia tưởng niệm những người xấu số trong trận lũ quét được dựng bên suối, gần với khu vực xảy ra lũ quét thời điểm trước.

Con đường vào làng Nủ cũ, bên dòng suối Nủ từng là nỗi ám ảnh thiên tai. Ảnh: Thái Bình.

Con đường vào làng Nủ cũ, bên dòng suối Nủ từng là nỗi ám ảnh thiên tai. Ảnh: Thái Bình.

Trả lời câu hỏi về đặt tên làng, ánh mắt bà bí thư xã lấp lánh niềm vui: “Đó sẽ là “Làng Nủ hạnh phúc”, bởi những người còn sống đã nhận được sự quan tâm, yêu thương đùm bọc của đồng bào nhân dân cả nước, của Đảng, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức… trong suốt những tháng ngày qua. Hạnh phúc vì mình còn tồn tại sau trận thiên tai, còn giữ được sự an toàn tính mạng của bản thân để giờ đây được sống trong ngôi nhà mới. Hạnh phúc bởi những người thân bị mất đã được nỗ lực tìm kiếm, được lo lắng hậu sự theo phong tục tập quán…”.

Về sinh kế lâu dài cho những người còn sống, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Khánh thẳng thắn: “Chính quyền xã đã báo cáo xin chủ trương của huyện về việc tái sử dụng đất canh tác tại làng Nủ cũ, cải tạo, khôi phục để sản xuất nông nghiệp. Ngoài phần diện tích bị bùn đất vùi lấp, diện tích đất nông nghiệp trước đây cơ bản vẫn còn, vẫn có thể khắc phục để sản xuất trở lại. Ngoài ra, Phúc Khánh có điều kiện để nuôi cá nước lạnh, trước đó nhiều hộ đã nuôi cá theo mô hình này. Người dân sẽ trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng để tái thiết cuộc sống, có thể tự đảm bảo cuộc sống hằng ngày.

Hai cây cau mẹ con đứng ở khoảng trống trước núi Voi, nơi xảy ra trận lũ quét tang thương...

Hai cây cau mẹ con đứng ở khoảng trống trước núi Voi, nơi xảy ra trận lũ quét tang thương...

Màu xanh đã mọc trên vùng sạt lở tang thương 3 tháng trước. Ảnh: Kiên Trung.

Màu xanh đã mọc trên vùng sạt lở tang thương 3 tháng trước. Ảnh: Kiên Trung.

Chính quyền xã Phúc Khánh đã làm việc với ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai để tìm biện pháp cải tạo đất, chuyển đổi cây trồng. Khôi phục sản xuất là điều bắt buộc bởi về lâu dài, đây là kế sinh nhai chính của người dân nơi đây”, Bí thư xã Phúc Khánh chia sẻ kế hoạch, chủ trương chăm lo cho người dân ở nơi ở mới.

Ông Trần Trọng Thông, Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên, cho biết: "Để cải tạo thành đất nông nghiệp chắc phải mất vài năm nữa, bởi toàn bộ đất đá trôi xuống rất dày, lớp màu bên trên bị trôi mất. Chính quyền địa phương đang trăn trở, tìm cách cải tạo cánh đồng để bà con sớm có tư liệu sản xuất".

Trở lại hiện trường vụ lũ quét đêm 10/9 tại làng Nủ, những bộn bề, ngổn ngang vẫn còn đó, dù đã vợi bớt những tan hoang. Bãi đất đá bị sạt lở vẫn là một khoảng bạt ngàn hơn 20ha, những đá hộc, đá tảng… vẫn đứng ngồi nhấp nhổm. Cây cầu bắc qua con suối đi vào thôn Nủ, con đường đất giờ đây dường như đã hoàn hồn trở lại, cỏ đã xanh lại hai bên. Dòng suối giờ đây cũng gọn gàng hơn, đồng hành cùng con đường đất. Những khoảng đất được dọn dẹp bắt đầu thành hình, nổi lên bề mặt là những vạt rau mầm bắt đầu bén đất, nhưng màu xanh như vẫn còn run rẩy…

Diện mạo mới trên ngôi làng trải qua những đau thương.

Diện mạo mới trên ngôi làng trải qua những đau thương.

Điểm trường Làng Nủ trước ngày khánh thành.

Điểm trường Làng Nủ trước ngày khánh thành.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai mong muốn, đây sẽ là ngôi làng hạnh phúc, xứng đáng với sự yêu thương, quan tâm của đồng bào và nhân dân cả nước. Ảnh: Thái Bình.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai mong muốn, đây sẽ là ngôi làng hạnh phúc, xứng đáng với sự yêu thương, quan tâm của đồng bào và nhân dân cả nước. Ảnh: Thái Bình.

Hai thời khắc mà tôi có mặt - hiện tại và thời điểm những ngày xảy ra lũ quét giữa tháng 9, vẫn con đường cũ, vẫn địa danh cũ, nhưng những hình ảnh tang thương đã vơi bớt theo thời gian. Làng Nủ cũ giờ đây vắng vẻ có chút hoang liêu, khác với không khí khẩn trương, vội vã, đau thương hơn 3 tháng trước, với sự có mặt của cả ngàn con người chạy đua với thời gian, lật từng khóm cây, dò từng hốc đất tìm kiếm, cứu hộ những nạn nhân của cơn lũ…

Tại khu vực Nhà văn hóa thôn Nủ, công trình Bia tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong trận lũ quét lịch sử xây dựng trên khu đất, trước đó là bãi ngô, đã chuẩn bị hoàn thành. Đó là một nhà bia nhỏ nhắn, trang nghiêm xây hình lục giác, được đỡ bằng hàng cột bê-tông kiên cố. Trong nhà bia, tấm bia đá khắc tên 67 nạn nhân. Đây sẽ là nơi để người dân tưởng nhớ những người thân quá cố…

Hình ảnh bình yên ở bản người Tày làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên. Ảnh: Kiên Trung.

Hình ảnh bình yên ở bản người Tày làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên. Ảnh: Kiên Trung.

Từ nhà bia nhìn ra xung quanh, thung lũng làng Nủ vẫn là một khoảng bằng phẳng, vẫn núi non, rừng cây bao bọc. Như một sự hữu duyên, hai cây cau mẹ con đứng sát bên nhau, ở khoảng trống trải nhất để nhìn trọn bãi đất đá đổ túa từ chân núi Voi hôm nào…

Đứng ở làng Nủ cũ, phóng tầm mắt có thể nhìn thấy khu tái định cư vừa mới hoàn thành, đã bàn giao cho những người đến an cư, lạc nghiệp. Từ Làng Nủ mới, cũng có thể nhìn thấy làn khói bếp bảng lảng cất lên từ một mái bếp của một nóc nhà cũ nép mình ở mé đồi, dưới tán một lùm cây xanh.

Từ ngàn đời nay, con người vẫn thụ động trước những thiên tai địch họa. Nhưng, cũng ngần đó thời gian, con người vẫn vững vàng đứng dậy, hồi sinh sau những đau thương, mất mát.

Làng Nủ sẽ là một địa chỉ nhắc nhở tình quân dân

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tới thăm khu tái định cư Làng Nủ, sáng 15/12. Ảnh: Kiên Trung.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tới thăm khu tái định cư Làng Nủ, sáng 15/12. Ảnh: Kiên Trung.

Có mặt tại Làng Nủ sáng 15/12, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, không nén được xúc động. Ông cùng lãnh đạo tỉnh Lào Cai đến thăm từng ngôi nhà, thăm điểm trường mới vừa khai buổi học đầu tiên, trò chuyện động viên, chia sẻ mất mát với thân nhân những người đã mất. Nói trước bà con, ông không kìm được nước mắt: “Ban nãy, tôi có bế một cháu bé, cháu còn rất nhỏ. Đó là cháu Khánh Ngân. Khi tôi hỏi chuyện, tôi biết được gia đình cháu có người thân bị mất, cháu cũng bị nước lũ cuốn trôi, bị thương tích, đau đớn. Cả bản làng bị vùi lấp chỉ trong phút chốc, đó là những đau thương, mất mát lớn lao".

Hứa trước bà con, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh: Trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, quân đội cũng luôn có mặt, giúp đỡ, hỗ trợ bà con, đồng thời mong muốn bà con đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau xây dựng Làng Nủ trở thành địa chỉ để nhắc nhở mỗi người về tinh thần đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, nghịch cảnh, minh chứng sinh động về tình quân dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai: "Làng Nủ sẽ trở thành một ngôi làng hạnh phúc!"

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường chia sẻ: Mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 đã gây thiệt hại nặng trên địa bàn tỉnh. Trong lúc khó khăn nhất, lực lượng vũ trang và nhiều nhà hảo tâm, tổ chức, doanh nghiệp, người dân cả nước đã đồng hành, giúp đỡ Lào Cai. Tỉnh Lào Cai cũng đã huy động cả hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai, tái thiết sau mưa lũ. Đến nay, gần 700 căn nhà được làm mới, 1.200 căn nhà đã được sửa chữa.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường: 'Làng Nủ sẽ trở thành ngôi làng hạnh phúc!'. Ảnh: Kiên Trung.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường: "Làng Nủ sẽ trở thành ngôi làng hạnh phúc!". Ảnh: Kiên Trung.

Sự hỗ trợ, động viên của Đảng, Nhà nước, trực tiếp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến động viên, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai và sự quan tâm, hỗ trợ của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; sự chung tay, góp sức của người dân, các nhà hảo tâm trong công cuộc tái thiết Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng và nhiều khu dân cư bị ảnh hưởng bởi mưa lũ trên địa bàn tỉnh đã giúp đồng bào các dân tộc vùng lũ Lào Cai từng bước ổn định cuộc sống.

Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng sẽ còn gây ám ảnh với nhiều người bởi mức độ tàn phá khốc liệt của thiên tai nhưng cũng là minh chứng sinh động về tình dân tộc, nghĩa đồng bào khi cả hệ thống chính trị, đồng bào cả nước chung tay giúp người dân nơi đây vượt qua khó khăn.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai trân trọng cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các cơ quan, ban ngành, các nhà tài trợ, đồng bào cả nước; đồng thời khẳng định tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục quan tâm để bà con nơi đây có cuộc sống tốt hơn, an toàn hơn, để những khu tái định cư trở thành những ngôi làng hạnh phúc.

Xem thêm
Năm 2024 có 68 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật

Năm 2024 có 68 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, lần đầu tiên Bộ Chính trị kỷ luật 2 cán bộ nguyên là lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước.

Giải mã 'bước nhảy vọt' xuất khẩu rau quả

Xuất khẩu rau quả đã tăng trưởng vược bậc trong năm 2023 và tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong năm 2024 khi liên tiếp xác lập những mốc mới về kim ngạch.

Kon Tum điều tra vụ tai nạn lao động khiến 5 người tử vong

Ngày 31/12, UBND tỉnh Kon Tum đã có chỉ đạo điều tra, xử lý vụ tai nạn lao động tại dự án Thủy điện Đăk Mi 1 (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum).