Dấu ấn trong lịch sử hợp tác Nam - Nam
Năm 1995, theo chủ trương của Chính phủ, Bộ NN-PTNT được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 Bộ: Nông nghiệp - Công nghiệp thực phẩm Bộ Lâm nghiệp và Bộ Thủy lợi. Lĩnh vực hợp tác quốc tế của Bộ được mở rộng, nhiệm vụ hội nhập quốc tế được đặt lên hàng đầu.
Ông Lê Văn Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) - chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam về giai đoạn đầu của hợp tác Nam - Nam: “Trong mắt người dân Venezuela hay Cuba, hình ảnh Việt Nam gắn liền với sự hỗ trợ về lúa gạo. Các hoạt động hợp tác nông nghiệp, ngoài ý nghĩa kinh tế, còn có giá trị xã hội lớn lao, để lại ấn tượng rất tốt về Việt Nam trong lòng người dân các nước phía Nam”.
Trong khi Việt Nam có truyền thống lúa nước lâu đời, thì nhân dân các nước Nam Mỹ và châu Phi vốn dựa vào các cây lương thực như ngô và các loại đậu. Những năm đầu tiên nhận lúa từ Việt Nam, nhân dân nước bạn được cán bộ phụ trách của Bộ NN-PTNT hướng dẫn phơi khô, sơ chế và bảo quản gạo. Gạo Việt Nam trở thành lương thực được thế giới ưa chuộng.
Trong những năm thế giới đói kém, gạo xuất khẩu từ Việt Nam đã mang lại ý nghĩa vô cùng to lớn ở nhiều quốc gia.
Ông Minh kể lại: “Có thời điểm, vấn đề an ninh lương thực trong nước gặp khó khăn, khiến Việt Nam phải tạm ngừng xuất khẩu gạo. Ngay lập tức, Liên hợp quốc đã gửi thư đề nghị Việt Nam cân nhắc lại quyết định này”.
Từ những năm 1980 đến nay, Việt Nam đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác song phương và ba bên với các nước Guinea, Namibia, Mozambique, Senegal, Benin, Madagascar, Mali, Congo, Chad; đồng thời cử hàng trăm lượt chuyên gia, kỹ thuật viên sang hướng dẫn nông dân các nước châu Phi kỹ thuật thâm canh lúa, làm thủy lợi…
Thông qua các chương trình hợp tác Nam - Nam với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), các quốc gia Pháp, Nhật Bản, Đức,… Việt Nam đã mở rộng và củng cố quan hệ nông nghiệp quốc tế, tạo nên những dấu ấn mạnh mẽ.
Tiên phong xây dựng hệ thống lương thực - thực phẩm bền vững
Theo ông Rémi Nono Womdim, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam, từ một quốc gia đối mặt với vấn đề thiếu an ninh lương thực, Việt Nam đã vươn lên trở thành một cường quốc về cung cấp thực phẩm, không chỉ đáp ứng nhu cầu cho hơn 100 triệu người dân mà còn xuất khẩu thực phẩm đến hơn 180 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Thỏa thuận gần đây nhất mà Việt Nam ký kết là với Sierra Leone vào năm 2023. Thông qua nguồn lực của FAO, Việt Nam đã đồng ý cung cấp chuyên gia kỹ thuật cho Sierra Leone phát triển chuỗi giá trị gạo.
Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng trong quá trình thảo luận, đàm phán với các quốc gia khác, đơn cử như: Algeria về nuôi trồng thủy sản, Nigeria về phát triển chuỗi giá trị gạo và cây trồng rau quả, cùng Uganda với các dự án liên quan đến gạo, rau quả.
Trong các thỏa thuận hợp tác Nam - Nam và ba bên, FAO đóng vai trò trung gian trung lập giữa các quốc gia thành viên, đảm bảo sự hợp tác diễn ra suôn sẻ và mang lại lợi ích cho cả hai bên.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Ngoại giao, cơ quan đóng vai trò quan trọng trong các cuộc thảo luận, và phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT cùng các tổ chức liên quan, như Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, nhằm hoàn tất các cuộc thảo luận với Algeria, Uganda và Nigeria vào năm 2025”, Trưởng đại diện FAO kỳ vọng.
Đặc biệt, ông Womdim đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với khung chiến lược của FAO nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030. Đại diện FAO Việt Nam chia sẻ mục tiêu chung với Bộ NN-PTNT, đó là thúc đẩy quá trình chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm (LTTP), hướng tới sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt đẹp hơn, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đồng hành cùng thế giới, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp
Những năm qua, tiềm năng phát triển nông nghiệp sinh thái ở châu Phi ngày càng được khẳng định, nhờ ưu thế đất đai trù phú với diện tích đất trồng trọt lớn, chiếm khoảng 60% đất nông nghiệp toàn cầu. Với hệ sinh thái đa dạng, châu Phi cũng là lục địa lưu giữ và bảo tồn nhiều giống cây trồng, vật nuôi bản địa, cùng nền văn hóa gắn bó mật thiết với nông nghiệp.
Nhận thấy nhiều điểm sáng, Bộ NN-PTNT đã điều chỉnh chiến lược, từ xuất khẩu lương thực sang tập trung chuyển giao công nghệ, chia sẻ thông tin và tạo điều kiện để các bên cùng học hỏi, phát triển. Trong giai đoạn mới, mục tiêu chính của Việt Nam là tăng cường khả năng sản xuất lương thực tại chỗ cho nước bạn, hướng tới đủ đầy.
Cam kết quốc tế của Việt Nam được nêu bật trong vai trò là nước chủ nhà Hội nghị toàn cầu Hệ thống LTTP bền vững lần thứ 4 (tháng 4/2023 tại Hà Nội) với chủ đề “Cùng nhau chuyển đổi hệ thống LTTP lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bao trùm trong bối cảnh khủng hoảng mới”.
Tháng 12/2023, tại Hậu Giang, Bộ NN-PTNT chào đón hơn 100 đại biểu quốc tế dự Hội thảo “Đối thoại chính sách Việt Nam - châu Phi: Hợp tác Nam - Nam hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực” trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Năm 2024, hợp tác Nam - Nam tiếp tục có những dấu ấn quan trọng, đặc biệt với sự ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Tháng 10, tại thủ đô Paris (Pháp), Tổng Bí thư Tô Lâm đã chứng kiến trao ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Thủy sản Benin. Đây là thỏa thuận duy nhất được ký kết tại Diễn đàn Doanh nghiệp Pháp ngữ về đổi mới sáng tạo (FrancoTech) diễn ra bên lề Hội nghị Pháp ngữ lần thứ 19.
Trước đó, tại thủ đô Havana (Cuba), Lễ ký văn kiện hợp tác nông nghiệp trong khuôn khổ chuyến thăm cấp cao của Tổng Bí thư Tô Lâm đã mở ra giai đoạn mới về hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Cuba.
Ông Phạm Ngọc Mậu - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) - khẳng định: Nông nghiệp nước ta dần chuyển mình và lớn mạnh hơn. Với kinh nghiệm và truyền thống làm nông, thông qua cơ chế hợp tác Nam - Nam, Việt Nam muốn thể hiện trách nhiệm quốc tế, giúp các quốc gia khác mở rộng diện tích đất lúa, nâng cao năng suất lao động và tăng sản lượng gạo.
Năm qua, nhiều đoàn đại biểu cấp cao, chuyên gia, doanh nghiệp quốc tế đã đến thăm mô hình Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL. Theo ông Mậu, những thành công đầu tiên của mô hình canh tác phát thải thấp hứa hẹn đóng góp vào sản xuất nông nghiệp bền vững cho thế giới.
“Chúng tôi tự tin đảm nhận vai trò cung cấp kỹ thuật, công nghệ, chuyên gia, giống cây trồng, vật tư nông nghiệp và kỹ năng quản lý dự án. Các quốc gia đối tác sẽ là bên tiếp nhận, hưởng lợi từ sự hỗ trợ này”, lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế nói.
Kể từ khi tham gia chương trình hợp tác Nam - Nam và ba bên của FAO vào năm 1996, Việt Nam đã cử hơn 400 chuyên gia đến các quốc gia Nam bán cầu hỗ trợ các chương trình phát triển nông nghiệp.