Đầu tháng 10, chúng tôi cùng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM có buổi làm việc với Sở NN-PTNT Cần Thơ và tham quan một số mô hình nuôi trồng, sản xuất chế biến tại địa phương.
Từ thành phố Cần Thơ, chúng tôi di chuyển bằng thuyền đến với đảo Cồn Sơn nằm giữa sông Hậu và là địa điểm du lịch sinh thái được du khách trong và ngoài nước tìm đến mỗi dịp ghé Cần Thơ.
Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến hành trình khám phá đảo Cồn Sơn của chúng tôi là bè cá Khu vực 1 Cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ của lão nông Lý Văn Bon (tên gọi thân mật là Bảy Bon – PV)
Người đàn ông với nụ cười hiền hậu, giọng nói sang sảng nhưng không kém phần dí dỏm, kể cho chúng tôi nghe chi tiết về từng loại cá mà ông nuôi tại lồng bè của mình suốt 25 năm qua với một vẻ đầy tự hào.
Bảy Bon (quê Cà Mau), tốt nghiệp Đại học Thủy sản Nha Trang, nhưng lại làm việc trong ngành Hải Quan tại TP.HCM và Cà Mau. Năm 1992, ông gặp được Tiến sĩ Philip Raden - con trai của cố Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang - người chuyên nghiên cứu về các loại cá và đã có thời gian làm việc tại Việt Nam trên 20 năm.
“Lúc ấy, Philip Raden rủ tôi về Cần Thơ nuôi cá. Ông ấy nói, thế giới này chỉ có dòng sông Mê Kông nuôi cá là sẽ làm giàu. Tôi cũng phân vân, nhưng đó chính là cuộc gặp gỡ “định mệnh”, Bảy Bon nói và cho biết, đến năm 1997, ông quyết định về Cần Thơ dựng lồng bè này cho vợ. Và chính nơi này, cách đây hơn 20 năm là Trung tâm thực nghiệm của Trường Đại học Cần Thơ và người nước ngoài.
“Ngày xưa có 17-18 “ông Tây”, ban ngày dạy ở ĐH Cần Thơ, ban đêm về đây nghiên cứu về cá nước ngọt, trong đó có Phillip Carot là cha đẻ con cá tra nhân tạo đầu tiên ở Việt Nam bằng cái bè này và được chuyển giao công nghệ thành công từ đây. Chính bề dày lịch sử ấy, nên năm 2017 Sở Văn hóa, Đoàn thanh niên Cần Thơ khuyến khích làm du lịch, lấy điểm này làm cửa ngõ của Cồn Sơn”, Bảy Bon chia sẻ.
Với khoảng 7.000m2 mặt nước sông Hậu, Bảy Bon nuôi khoảng 15 loại cá khác nhau trên 30 bè cá lớn nhỏ. Trong đó, hai loại cá cho thu hoạch nhiều và cung ứng cho thị trường TP.HCM là cá diêu hồng và cá thát lát.
Ngoài ra, có nhiều loại cá quý hiếm của sông Mê Kông như cá hồng vỹ, cá heo đuôi đỏ, cá hô, cá trà sóc, cá bảo ngọc (cá mú nước ngọt), cá tra dầu, cá tra cờ,... hay các giống cá có ngoại hình bắt mắt, đặc tính độc lạ như cá mang rổ, cá leo, cá pháo cao xạ, cá koi, cá phụng…
Chính sự phong phú đa dạng của các loại cá, đã tạo sức hút đối với nhiều du khách mỗi khi đến Cồn Sơn, tiếng lành đồn xa, du khách tìm đến bè cá của Bảy Bon ngày một nhiều hơn, bởi chính mắt họ được nhìn thấy những con cá với đủ màu sắc được nuôi giữa một thiên nhiên, sông nước trong xanh, không khí mát lành và được chăm sóc bởi một người tâm huyết với ngành cá.
Sau nhiều năm vừa nuôi, vừa sản xuất kinh doanh thủy sản vừa nghiên cứu cùng các chuyên gia, Bảy Bon cũng đã giữ cho mình bí quyết để nuôi dưỡng được những con cá khỏe mạnh, phục vụ du khách cũng như người tiêu dùng.
Bảy Bon quan niệm, nuôi cá cũng cần phải chú ý đến 4 yếu tố “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, cứ đảm bảo 4 yếu tố này thì con cá luôn khỏe, sản lượng luôn tốt.
Theo quan niệm của Bảy Bon, mỗi loại cá ông nuôi đều có một đặc tính khác nhau, thế nhưng nó lại bổ trợ cho nhau và không thể thiếu trong hệ sinh thái lồng bè của ông. Bởi, môi trường cho cá sinh hoạt là điều quan trọng của người nuôi cá.
Môi trường nước tại dòng sông Mê Kông phù hợp để các loại cá phát triển, tuy nhiên, cũng có những thời điểm nước không ổn định, vì vậy phải thường xuyên kiểm tra nguồn nước, độ pH, oxy hòa tan trong nước.
“Chúng tôi có một group Zalo tập hợp những anh em nuôi cá trên dòng sông Mê Kông và thường xuyên cập nhật, thông báo về dịch bệnh của cá cho nhau nghe để có những hướng xử lý kịp thời, tránh thiệt hại kinh tế”, Bảy Bon nói.
Một trong những bí quyết mà Bảy Bon và anh em nuôi cá lâu năm thường rỉ tai nhau trong khi chăm sóc, kết hợp rải muối trực tiếp lên mình cá và rải thức ăn có trộn sẵn muối cho cá ăn. Theo ông, đây là một biện pháp rất hay, hiệu quả nhất giúp cá phòng bệnh, tránh được bệnh đường ruột, ký sinh trùng…
Tiếp đến, để có môi trường tốt để cá sinh hoạt, phát triển, Bảy Bo thường nuôi nhiều loại cá trong một môi trường, để con cá này hỗ trợ con cá kia. “Nhiều khi phân con cá này thải ra thì cá kia ăn, hoặc có những con cá có nhiệm vụ làm sạch tảo, có những con cá ăn xác cá chết…
Phải nuôi kết hợp mới tạo môi trường tốt, con cá mới khỏe mạnh”, Bảy Bon chia sẻ và cho biết thêm, con giống phải chọn những con giống khỏe ngay từ lúc đầu thì trong quá trình nuôi hạn chế được dịch bệnh.
Đặc biệt, ông cho rằng, việc cho cá ăn thức ăn với lượng vừa phải, không cho ăn quá no, cá mới khỏe, ngừa bệnh tốt nhất. Đồng thời, thường xuyên quan sát, phát hiện cá có hiện tượng lạ là tách ra khỏi đàn để không bị ảnh hưởng đến những con khác.
“Thà bỏ 1 con còn hơn phải tốn công sức dưỡng mà chưa chắc nó đã sống, lại có thể ảnh hưởng đến cả đàn”, lão nông Bảy Bon nói và khẳng định, đó là cách đơn giản, không cần phải thuốc men mà ông đã nuôi dưỡng cả bè hàng trăm ngàn con trong suốt mấy chục năm qua.
Vừa nuôi cá, tạo cá giống, vừa chế biến, bảo tồn nghề cá, vừa là điểm du lịch quen thuộc, đến nay mỗi ngày bè cá của lão ông Bảy Bon đón khoảng 300-400 khách, cao điểm có lúc lên tới 700 khách/ngày, với giá vé 30.000 đồng/người.
Ngoài ra, du khách có thể thưởng thức cá được chế biến ngay tại lồng bè để cảm nhận hương vị tươi ngon của cá trên dòng sông Hậu.
Tạm biệt bè cá của lão nông Bảy Bon, chúng tôi lại tiếp tục hành trình tham quan vườn trái cây, xem làm bánh dân gian, cá lóc bay… trên đảo Cồn Sơn.