| Hotline: 0983.970.780

Nhiều thách thức khi xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang Trung Quốc

Thứ Hai 30/12/2024 , 15:30 (GMT+7)

Trung Quốc có nhu cầu sản phẩm thịt lên tới gần 400 tỷ USD/năm và là thị trường đầy tiềm năng xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật của Việt Nam.

Theo Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long, đơn vị đã phối hợp với Văn phòng SPS Việt Nam phổ biến và hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định tại Lệnh 248 và 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Ảnh: Duy Học.

Theo Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long, đơn vị đã phối hợp với Văn phòng SPS Việt Nam phổ biến và hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định tại Lệnh 248 và 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Ảnh: Duy Học.

Yêu cầu khắt khe của thị trường tỷ dân

Hiện nay, Trung Quốc là một trong ba thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Việc xây dựng, đàm phán, thống nhất và ký được Nghị định thư về xuất khẩu là nỗ lực rất lớn trong thời gian dài của các cơ quan Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời cũng cho thấy ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành chăn nuôi, thú y nói riêng đã từng bước tiệm cận và đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các nước.

“Việc tổ chức triển khai kịp thời, đầy đủ và đúng các quy định, yêu cầu của Nghị định thư rất quan trọng, cần thiết và cần có sự vào cuộc có trách nhiệm của chính quyền, cơ quan chuyên môn các cấp, các doanh nghiệp và người chăn nuôi có nhu cầu xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật như: sữa, tổ yến, thịt lợn, động vật nuôi (khỉ, cá sấu)… từ Việt Nam sang Trung Quốc”, Tiến sỹ Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y chia sẻ.

Ngay khi ký xong các Nghị định thư với Tổng cục Hải quan (TCHQ) Trung Quốc, Cục Thú y đã tổ chức nhiều hội nghị triển khai để các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp hiểu được yêu cầu của phía bạn từ đó thực hiện đúng, đủ đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu của phía Trung Quốc.

Cụ thể là: Hướng dẫn lấy mẫu giám sát dịch bệnh; Hướng dẫn lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm; Điều kiện, quy trình, hồ sơ đăng ký xuất khẩu sản phẩm tổ yến; Hướng dẫn nộp hồ sơ đăng ký xuất khẩu trên hệ thống CIFER, đồng thời giải đáp các thắc mắc, khó khăn của doanh nghiệp gặp phải trong quá trình triển khai đăng ký doanh nghiệp với phía Tổng cục hải quan Trung Quốc.

Cục trưởng Cục Thú y cho biết thêm, ngoài các quy định tại các Nghị định thư, Cục cũng phối hợp chặt chẽ với đơn vị chuyên môn của TCHQ Trung Quốc để thường xuyên cập nhật các quy định mới nhằm kịp thời phổ biến và hướng cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo đó, Cục Thú y đã phối hợp với Văn phòng SPS Việt Nam phổ biến và hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định tại Lệnh 248 về "Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu" và Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu" của TCHQ Trung Quốc, hướng dẫn các doanh nghiệp cấp/xác nhận tài khoản, đăng ký xuất khẩu trên hệ thống một cửa điện tử của Trung Quốc (NewCIFER).

Tiến sỹ Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, hầu hết vướng mắc nằm ở giai đoạn hoàn thiện hồ sơ chưa đáp ứng được yêu cầu của phía Trung Quốc. Ảnh: Duy Học.

Tiến sỹ Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, hầu hết vướng mắc nằm ở giai đoạn hoàn thiện hồ sơ chưa đáp ứng được yêu cầu của phía Trung Quốc. Ảnh: Duy Học.

Còn sai sót trong hồ sơ xuất khẩu

Theo Tiến sỹ Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, đến nay, TCHQ Trung Quốc đã phê duyệt khoảng 3.500 mã doanh nghiệp, tương đương khoảng 3.000 nhà máy, cơ sở sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản và thực phẩm vào thị trường này. Trong đó có một lượng lớn các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý của Cục Thú y.

Quy trình doanh nghiệp xuất khẩu đăng ký trên hệ thống một cửa điện tử của Trung Quốc (NewCIFER) có 3 giai đoạn gồm: doanh nghiệp làm hồ sơ; kiểm tra, phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền; cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chuyển sang hải quan Trung Quốc.

Tuy nhiên, qua theo dõi của Văn phòng SPS Việt Nam, hầu hết vướng mắc nằm ở giai đoạn hoàn thiện hồ sơ chưa đáp ứng được yêu cầu của phía Trung Quốc. Tình trạng này chủ yếu diễn ra ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hơn nữa, Việt Nam có đến hơn 70% doanh nghiệp nằm trong nhóm này. Đây là một vấn đề lớn cần sự hướng dẫn, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các cơ quan có thẩm quyền.

Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cũng cho biết,  trong quá trình hướng dẫn, giải đáp các quy định như 248 và 249 thì nhiều doanh nghiệp vẫn giữ thói quen thuê tư vấn hoặc doanh nghiệp tự làm hồ sơ. Điều này dẫn tới những sai sót không đáng có. Ví dụ như sai chính tả trong tên, địa chỉ nhà máy hoặc doanh nghiệp thay đổi địa chỉ hay mở rộng nhà máy mà không khai báo trên hệ thống của hải quan Trung Quốc. Lúc đó, nếu hàng hóa lên đến cửa khẩu thì sẽ không được nhận diện và có thể phải trả về để khắc phục, xử lý.

“Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn chưa nhận thức chưa đầy đủ về quy định 248 và 249 của phía bạn. Mỗi mã sản phẩm chỉ có giá trị trong 5 năm, do đó, trước giai đoạn hết hạn 6 tháng thì doanh nghiệp xuất khẩu phải làm hồ sơ để xin gia hạn. Nếu không thực hiện thì phía bạn sẽ tạm dừng nhập khẩu mã số đó. Điều này các doanh nghiệp cũng cần hết sức lưu tâm”, ông Nam nhấn mạnh.

Thị trường Trung Quốc cần từ 500 đến 600 tấn yến/năm, do đó, nguồn cung từ Việt Nam còn chưa đủ. Ảnh: Avanest.

Thị trường Trung Quốc cần từ 500 đến 600 tấn yến/năm, do đó, nguồn cung từ Việt Nam còn chưa đủ. Ảnh: Avanest.

Nói thật, làm thật, hiệu quả thật!

Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, thời gian qua, có một số chủ doanh nghiệp muốn xuất khẩu nhưng lại phó mặc cho các cán bộ kỹ thuật nghiên cứu, thậm chí là trên hồ sơ, giấy tờ rất đẹp. Nhưng thực tế là phía Trung Quốc đã sang Việt Nam đánh giá theo hình thức trực tiếp cũng như trực tuyến thì lại phát hiện có những doanh nghiệp làm chưa đúng.

“Để thực hiện cái Lệnh 248 và 249 của Trung Quốc thì Văn phòng SPS Việt Nam và Cục Thú y Việt Nam là những đơn vị trực tiếp hỗ trợ. Chúng tôi sẵn sàng cầm tay chỉ việc. Nếu chúng ta làm đúng người thật, việc thật và hiệu quả thật thì tất cả các thông tin, số liệu, tài liệu chắc chắn là đáp ứng 100 % nhu cầu của Trung Quốc”, ông Long khẳng định.

Lấy dẫn chứng từ sản phẩm yến của Việt Nam, đại diện Cục Thú y cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu đã làm tốt về chất lượng cũng như đảm bảo các quy định của phía nước nhập khẩu. Vậy nhưng, qua phản ánh từ các Hiệp hội yến của Trung Quốc thì thương hiệu sản phẩm yến Việt Nam còn chưa được quảng bá rộng rãi. Cùng với đó, mẫu mã bao bì cũng chưa đáp ứng được thị hiếu và nhu cầu của người dân nước này.

Cục trưởng Nguyễn Văn Long cho biết thêm, thị trường Trung Quốc cần từ 500 đến 600 tấn yến/năm, do đó, nguồn cung từ Việt Nam còn chưa đủ. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải bắt tay nhau, hợp tác chặt chẽ với nhau, tuyệt đối tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh ngay trên “sân khách”. Có như vậy thì mới có thể cùng nhau đi xa và bền vững không chỉ ở thị trường Trung Quốc mà còn tại các thị trường khác.

Thời gian tới, để thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật sang thị trường Trung Quốc, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng, cần có đề án, chiến lược xuất khẩu cụ thể cho từng ngành hàng. Từ đó đi sâu phân tích hiện trạng, nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng cũng như dự báo các tác động của thị trường…

Bộ NN-PTNT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành đề án nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định SPS. Trong đó, lưu ý đến giải pháp tuyên truyền, phổ biến các quy định cũng như các khó khăn, vướng mắc; đào tạo nguồn nhân lực cho việc xuất khẩu nông sản; phát triển mạng lưới thông báo, hướng dẫn các quy định SPS từ các cơ quan chuyên môn cho đến địa phương, doanh nghiệp. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực các phòng thí nghiệm, kiểm nghiệm, đàm phán tính tương đương của hệ thống phân tích của Việt Nam với phía Trung Quốc.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty Cổ phần dinh dưỡng Avanest Việt Nam - Doanh nghiệp đầu tiên đủ điều kiện xuất khẩu 2 sản phẩm tổ yến gồm: tổ yến tinh chế và yến hũ chưng sẵn sang thị trường Trung Quốc mong muốn, Cục Thú y và lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc nhập khẩu yến từ nước ngoài vào Việt Nam. Đồng thời, đề xuất Cục Thú y xem xét việc giám sát an toàn dịch bệnh của nhà yến 2 lần/năm giảm xuống duy trì 1 lần/năm nếu kiểm tra và xét thấy đạt theo đúng tiêu chuẩn trong nước cũng như quy định của nước nhập khẩu./.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty Cổ phần dinh dưỡng Avanest Việt Nam - Doanh nghiệp đầu tiên đủ điều kiện xuất khẩu 2 sản phẩm tổ yến gồm: tổ yến tinh chế và yến hũ chưng sẵn sang thị trường Trung Quốc mong muốn, Cục Thú y và lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc nhập khẩu yến từ nước ngoài vào Việt Nam. Đồng thời, đề xuất Cục Thú y xem xét việc giám sát an toàn dịch bệnh của nhà yến 2 lần/năm giảm xuống duy trì 1 lần/năm nếu kiểm tra và xét thấy đạt theo đúng tiêu chuẩn trong nước cũng như quy định của nước nhập khẩu./.

Xem thêm
Nuôi vịt biển trên cù lao Tân Phú Đông

Tiền Giang Sau nhiều năm nuôi trên vùng đất mặn Tân Phú Đông, vịt biển có khả năng uống nước có độ mặn dưới 19 phần ngàn.

Nông dân Bình Định chật vật với vụ đông xuân

Từ ngày 10/12 đến nay Bình Định không ngớt mưa, đúng lúc nông dân gieo sạ vụ đông xuân 2024 - 2025, nhiều người sạ đến lần thứ 3 vẫn còn nơm nớp lo mất giống…

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.