| Hotline: 0983.970.780

Bí quyết trồng bưởi da xanh thu tiền tỷ

Thứ Hai 19/10/2020 , 10:34 (GMT+7)

Trồng bưởi da xanh mỗi năm thu tiền tỷ hiện nay không hiếm. So với mặt bằng chung, bưởi da xanh là loại cây có giá trị kinh tế cao, cơ hội xuất khẩu lớn.

Chúng tôi tìm đến thăm nhà anh Nguyễn Văn Tèo (xã An Khánh, huyện Châu Thành, Bến Tre) hiện đang dành 7 công đất (7.000 m2) chỉ để trồng bưởi da xanh, cho thu lời mỗi năm khoảng 600 - 700 triệu đồng.

Theo anh Tèo, nếu tính năng suất trung bình mỗi vườn bưởi đạt 25 - 30 tấn/hécta (ha), giá bán dao động trong khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg tuỳ thời điểm, sau khi trừ đi các chi phí, người trồng thu lời khoảng 1 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Văn Tèo chăm sóc vườn bưởi của gia đình. Ảnh: Lan Anh.

Anh Nguyễn Văn Tèo chăm sóc vườn bưởi của gia đình. Ảnh: Lan Anh.

Anh Tèo cho biết: Mặc dù giá trị kinh tế cao nhưng bưởi da xanh được xếp vào loại cây trồng “khó tính” không phải khu vực nào cũng trồng được, không phải ai trồng cũng thành công, và cho thu hoạch cao như mong đợi. Vậy làm thế nào để làm chủ mỗi mùa thu hoạch bưởi, thời điểm nào sẽ là giai đoạn quyết định thành – bại của vườn bưởi?

Với gần 20 năm kinh nghiệm trồng bưởi, anh Tèo cho biết chăm sóc vườn bưởi giai đoạn vườn 3 năm tuổi là rất quan trọng. Thời điểm này, việc chọn giống, cải tạo đất đã qua, cây bắt đầu phát triển và bước sang giai đoạn chuẩn bị cho ra trái. Đây được xem là giai đoạn chuyển tiếp giữa thời kỳ kiến thiết cơ bản (cây 1-3 năm tuổi) và thời kỳ kinh doanh (cây đã cho trái ổn định). Cây lúc này nếu biết cách chăm sóc tốt thì trái nhiều, chăm sóc không tốt thì trái ít. Đồng nghĩa với việc, đây là giai đoạn quyết định đến sản lượng và thu nhập của người trồng bưởi.

Theo anh Tèo, đối với giai đoạn bưởi 3 năm tuổi, nếu làm đúng và trúng 3 bí kíp là có thể làm chủ vụ bưởi của gia đình. Có thể 3 bí kíp này nhiều bà con đã biết, nhưng không phải ai cũng làm đúng làm chuẩn.

Tỉa cành tạo tán: Bí quyết “sống còn” để vườn bưởi khoẻ mạnh

 Trong suốt 3 năm đầu của bưởi da xanh, một trong những việc làm không thể thiếu đó là tạo tán cây. Việc tạo tán cây sẽ giúp cho cây bưởi có khả năng tiếp nhận ánh sáng đầy đủ, đồng thời khống chế và duy trì chiều cao của cây trồng trong tầm kiểm soát, giúp thuận lợi trong việc quản lý vườn sau này, đặc biệt là thời kỳ kinh doanh – tức thời kỳ cây cho trái.

Ngoài ra, việc tạo tán cho cây sẽ hình thành và phát triển bộ khung cơ bản, vững chắc, nhằm tránh đổ ngã, gãy nhánh từ đó phát triển các cành nhánh thứ cấp cho cây.

Việc cắt tỉa cành đối với cây có múi cũng cần phải thực hiện thường xuyên, nhằm tạo cho cây có bộ khung khỏe mạnh, lập những cành mang trái, trẻ, dồi dào sinh lực và phân bố giống nhau trên khung (sườn) và cành mẹ (cành chính), đồng thời thay thế những cành già, loại bỏ cành sâu bệnh, chết, cành vô hiệu… không có khả năng sản xuất bằng những cành non trẻ sẽ mang trái trong những năm tiếp theo. 

Tuy nhiên, anh Nguyễn Văn Tèo lưu ý bà con nông dân, trước khi tỉa cành và tạo tán, để tránh mầm bệnh (tiềm ẩn virus, vivoid...) lây lan sang cây khác, cần phải khử trùng dụng cụ bằng cồn 90 độ hoặc hơ lửa.

Đối với những cành lớn hơn 3 cm thì phải dùng cưa. Sau khi thực hiện việc tỉa cành và tạo tán, đối với những vết thương lớn sau khi cắt tỉa cần phải dùng sơn hoặc các thuốc trừ bệnh quét kín vết cắt nhằm tránh vết thương bị thối tạo điều kiện thích hợp cho côn trùng và mầm bệnh tấn công.

Như vậy, việc tỉa cành tạo tán, sẽ giúp cho vườn bưởi thông thoáng, mỗi bộ phận của cây (cành, lá, gốc…) đều nhận được các tia nắng mặt trời, cây quang hợp tốt, khỏe mạnh, ít sâu bệnh.

Tưới, tiêu nước vừa phải và giữ ẩm cho cây

Bưởi là loại cây trồng cần tưới nước đầy đủ nhất là giai đoạn trái phát triển. Mùa nắng nên thường xuyên tưới nước cho bưởi, vào mùa mưa do lượng mưa không phân bố đều, vì vậy vườn cần phải có mương cống để tiêu nước vào các tháng mưa nhiều, tránh ngập úng kéo dài cây có thể chết.

Anh Nguyễn Văn Tèo chia sẻ thêm kinh nghiệm đã được đúc kết trong nhiều năm trồng bưởi da xanh: “Khi bón phân mấy ngày thì cần tưới nước đều, trong điều kiện trời nắng thì phải lấy các loại vật dụng như lá cây, rơm, rạ để phủ lại gốc cây, nhằm giữ ẩm cho cây được tốt. Nhưng khi trời mưa, cần bỏ các vật dụng phủ này, để gốc và rễ thông thoáng”. Việc phủ này sẽ “một công 3 việc” vừa giữ ẩm cho cây trong mùa hè, nắng, nóng, vừa sẽ tránh được cỏ dại phát triển, đồng thời khi rơm rạ bị phân hủy sẽ cung cấp cho đất một lượng dinh dưỡng đáng kể.

Sử dụng phân bón đúng cách tăng năng suất cây trồng

Giai đoạn bưởi da xanh 3 năm tuổi đòi hỏi nhu cầu dinh dưỡng cao, vì đây là giai đoạn tiền đề cho thời kỳ kinh doanh – cây ra trái, giai đoạn quyết định sản lượng ra trái trong năm sau.

Để cây bưởi phát triển tốt, bộ rễ mạnh khỏe, cần sử dụng phân bón phù hợp để giúp đất tơi xốp, kết cấu đất thông thoáng giúp cho bộ rễ có thể hút được dinh dưỡng và nước tốt nhất để cây phát triển. Thông thường, tùy vào chất đất và độ tuổi của mỗi vườn bưởi da xanh sẽ có chế độ và liệu lượng bón phân thích hợp nhất.

Vườn bưởi da xanh cho thu nhập rất cao ở Bến Tre. Ảnh: Lan Anh.

Vườn bưởi da xanh cho thu nhập rất cao ở Bến Tre. Ảnh: Lan Anh.

Nhìn chung, hầu hết các vườn bưởi giai đoạn 3 năm tuổi đều sẽ sử dụng chung công thức phân bón NPK 16-16-8-13S+TE, liều lượng 200 – 400gr/gốc, bón mỗi tháng 1 lần, giúp phát triển thân cành, tăng tỷ lệ đậu trái, ngoài ra, có thể sử dụng Đạm đen Cà Mau (N.humate+TE), vì có chứa chất hữu cơ, axit humic vừa giúp đất tơi xốp, kết cấu đất thông thoáng, vừa kích thích bộ rễ phát triển, giúp bộ rễ hút được dinh dưỡng trong đất.

 Sau 3 tháng ra trái thì sử dụng NPK Cà Mau 19-9-19, mỗi tháng 1 lần, để giúp cho múi bưởi nhiều nước, trái đồng đều.

Tuy nhiên, tùy vào chất đất và độ tuổi của mỗi vườn bưởi da xanh sẽ điều chỉnh tăng hoặc giảm liều lượng phân bón cho phù hợp. “Thông thường, bưởi da xanh 3 năm tuổi sẽ “bói trái” đầu tiên, nhưng lúc này cây chưa thực sự phát triển toàn diện, tôi thường sẽ bỏ các trái này đi, để dinh dưỡng nuôi cây phát triển mạnh khoẻ, từ năm thứ 4 mới bắt đầu để trái phát triển, nhưng cũng sẽ rất hạn chế, mỗi cây bưởi chỉ để vài trái. Bưởi da xanh bắt đầu cho thu hoạch nở rộ từ 5 năm tuổi, và đây cũng là thời kỳ bưởi cho thu hoạch năng suất cao nhất, chất lượng tốt nhất” anh Nguyễn Văn Tèo chia sẻ thêm.

Bưởi da xanh mang lại giá trị kinh tế và tiềm năng xuất khẩu cao, tuy vậy, đây lại là loại cây trồng “khó tính”, nên người nông dân cần phải có kiến thức canh tác, chăm sóc bưởi đúng cách, sử dụng phân bón đúng liều lượng. Có như vậy, bà con nông dân mới có thể làm chủ mỗi mùa thu hoạch bưởi, đạt năng suất cao, thu lợi nhuận nhiều, cải thiện cuộc sống.

Xem thêm
Bệnh virus hại tiêu và cách phòng trị

Bệnh virus hại tiêu (bệnh tiêu điên) là loại bệnh khá phổ biến đối với cây tiêu làm giảm năng suất, chất lượng thậm chí khiến tiêu bị chết hàng loạt rất nguy hiểm...

Áp dụng khẩu phần đạm thô thấp mang hiệu quả kép cho chăn nuôi lợn

Giảm tỷ lệ protein thô trong khẩu phần thức ăn chăn nuôi lợn đem lại tác động đa lợi ích, vùa hướng tới giảm phát thải khí nhà kính vựa hạ giá thành chăn nuôi.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?