| Hotline: 0983.970.780

Bí thư Nguyễn Văn Nên: 'Loại bỏ các khu công nghiệp già cỗi'

Thứ Năm 27/10/2022 , 16:31 (GMT+7)

TPHCM Quyết liệt loại bỏ các khu công nghiệp già cỗi, sử dụng nguyên nhiên liệu có mức phát thải cao, tái cấu trúc theo hướng công nghiệp sinh thái bền vững.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. 

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. 

Tại Hội nghị tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) TP.HCM do Ban Quản lý các Khu công nghiệp - Khu chế xuất (HEPZA) tổ chức ngày 27/10, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, mô hình khu chế xuất, khu công nghiệp hoàn thành sứ mệnh mà Chính phủ giao trong 30 năm qua và đã có những bài học kinh nghiệm có giá trị, tư duy đổi mới liên tục, năng động và sáng tạo. 

Ông Nên đánh giá cao khát vọng vươn lên, tính năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm của các thế hệ lãnh đạo hình thành các khu chế xuất, khu công nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Tuy nhiên, người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cho rằng, trong bối cảnh công nghiệp hiện nay bắt buộc phải đổi sang mô hình mới dựa trên đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, đòi hỏi các KCX-KCN Thành phố cần tập trung cải tiến toàn diện, quyết liệt nhằm loại bỏ các khu công nghiệp già cỗi, sử dụng nguyên nhiên liệu có mức phát thải cao, tái cấu trúc theo hướng công nghiệp sinh thái bền vững, tuần hoàn dựa trên nền tảng công nghệ, vật liệu mới. Đồng thời, đảm bảo vai trò chuyển giao công nghệ cho các khu công nghệ.

“Cần mạnh dạn loại bỏ, đưa ra khỏi quy hoạch những KCX - KCN không có tính khả thi”, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho hay.

Bí thư Nguyễn Văn Nên đề nghị lãnh đạo chính quyền TP, các sở ban ngành, các KCX-KCN phải suy nghĩ và thực hiện quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị về công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn mới theo hướng tập trung chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế dựa vào phát triển công nghiệp, dịch vụ trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, tập trung hoàn thiện quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng.

"Nguồn nhân lực luôn đóng vai trò chủ đạo, quyết định trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giúp tăng lợi thế cạnh tranh, đòi hỏi các cơ quan chức năng tập trung ứng phó cho mục tiêu phát triển ngắn hạn, dài hạn", Bí thư Nên nói.

Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM nhận định, trong bối cảnh tình hình thế giới biến động phức tạp, TP.HCM hiện đang chịu tác động của tình hình thế giới, cộng đồng doanh nghiệp Thành phố cũng đang thích ứng để vượt qua khó khăn. Do vậy, các công ty hạ tầng, các ban quản lý cũng phải tính toán để thích ứng linh hoạt, hiệu quả an toàn, vừa xây dựng phát triển TP, đảm bảo bước đi vững chắc.

Trong định hướng phát triển trong giai đoạn tới, Bí thư Nên cho biết, TP.HCM mong muốn Chính phủ, các Bộ - ngành Trung ương quan tâm, tạo điều kiện cho TP.HCM về quỹ đất phát triển công nghiệp, sớm hình thành các khu công nghiệp mới; nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách, hành lang pháp lý cho phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp.

"Lãnh đạo TP luôn đặt nhiều kỳ vọng vào ban quản lý, các công ty phát triển hạ tầng, các doanh nghiệp tích cực hưởng ứng chủ trương đổi mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần phát triển kinh tế TP nhanh, bền vững, làm sao cho mỗi doanh nghiệp trong KCX - KCN thực sự là một đơn vị văn hóa với ý thức tôn trọng pháp luật, tính nhân văn cao, cân bằng hài hòa giữa lợi ích kinh tế và xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động…", Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnhh.

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban HEPZA nhìn nhận, chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào KCX- KCN chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu. Chưa thu hút được nhiều dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao và có tính chất lan tỏa. Tính hấp dẫn của KCX - KCN TP giảm về các mặt như chính sách ưu đãi, kết cấu hạ tầng đồng bộ, giá cho thuê lại đất, nguồn nhân lực.

Mô hình phát triển của các KCN chậm được đổi mới, chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Liên kết, hợp tác trong KCX - KCN, giữa các KCX - KCN với nhau và giữa KCX - KCN với khu vực bên ngoài còn hạn chế, mức độ nội địa hóa còn thấp. Mặt khác, thiếu các KCN chuyên ngành, chuyên môn hóa. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư. Nhiều lao động đã được đào tạo qua trường lớp nhưng khi được tuyển dụng, doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại…

Sau 30 năm phát triển, đến nay TP.HCM có 3 KCX và 14 KCN đã đi vào hoạt động. Lũy kế đến tháng 9 năm 2022, các KCX, KCN đã thu hút được 1.674 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,33 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 45%.

Bình quân hàng năm các KCX, KCN thu hút hơn 260 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, chiếm tỷ trọng 58% vốn đầu tư nước ngoài của Thành phố trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Các KCX, KCN đã giải quyết việc làm cho hơn 281.000 lao động, chiếm 6% lực lượng lao động của Thành phố, trong đó tính riêng lao động trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng là 18%.

Xem thêm
Những thực phẩm hàng đầu Hà Nội tham gia hội chợ Foodservice Australia 2024

Sở NN-PTNT Hà Nội phối hợp với Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia sẽ tổ chức đoàn xúc tiến thương mại tham gia hội chợ Foodservice Australia 2024 tại Sydney.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Hỗ trợ sinh kế và 12.000 vịt giống giúp nông dân thoát nghèo

THANH HÓA Ngày 16/5, tại Thường Xuân, Tập đoàn Mavin phối hợp với tổ chức World Vision trao tặng 12.000 vịt giống trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ sinh kế giai đoạn 2022 - 2024.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.