| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Lập đoàn công tác hỗ trợ Cà Mau ngay trong tháng 5

Thứ Sáu 10/05/2024 , 20:21 (GMT+7)

Trước việc 'đất mũi' chịu ảnh hưởng nặng bởi xâm nhập mặn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT chỉ đạo các Cục trực thuộc hỗ trợ địa phương trong vấn đề nước sạch, đảm bảo sản xuất.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Địa phương còn lúng túng khi giải quyết vấn đề. Ảnh: Bảo Thắng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Địa phương còn lúng túng khi giải quyết vấn đề. Ảnh: Bảo Thắng.

Nhiều lúng túng tại địa phương

Chiều 10/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Trưởng đoàn công tác của Chính phủ làm việc với 3 tỉnh An Giang, Cà Mau và Đồng Tháp về đôn đốc tình tình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chia sẻ, địa phương đang gặp khó khăn về xây dựng hạ tầng, giao thông. Trong đó có việc đẩy nhanh tốc độ xây dựng tuyến đường lên cửa khẩu Tịnh Biên, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến đường tránh TP Long Xuyên.

Bên cạnh đó, An Giang cũng gặp vấn đề khi giải quyết thủ tục về cho thuê đất mặt nước trong khai thác khoáng sản. Bà Thúy cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT sớm nghiên cứu cơ chế hỗ trợ tỉnh xây dựng trung tâm chế biến sản phẩm trái cây và thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thông tin, vừa qua Thủ tướng đã phê duyệt đề án xây dựng TP Cà Mau thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành. Tuy nhiên, tỉnh "đất mũi" chưa được hướng dẫn cụ thể về nội dung này.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Cà Mau kiến nghị Chính phủ xem xét tăng cường cung cấp khí cho 2 nhà máy điện trên địa bàn; cho ý kiến về xuất khẩu điện của Cà Mau. Đồng thời, ông Sử mong muốn các cơ quan Trung ương cung cấp nhiều hơn nữa thông tin về tình hình xuất nhập khẩu của Cà Mau, để địa phương có đánh giá tổng thể, kịp thời trong chỉ đạo điều hành.

Vừa qua, tỉnh Cà Mau bị ảnh hưởng nặng nề bởi xâm nhập mặn. Do đó, địa phương cũng đề xuất Trung ương, với đầu mối là Bộ NN-PTNT nghiên cứu bố trí ổn định dân cư, cung cấp nước sạch tại những vùng bị thiệt hại.

Phiên họp được kết nối trực tuyến đến điểm cầu tại 3 tỉnh: An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp. Ảnh: Bảo Thắng.

Phiên họp được kết nối trực tuyến đến điểm cầu tại 3 tỉnh: An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Trương Hoàng Châu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng tháp nêu khó khăn về các thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai (giao đất, thuê đất, xác định tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng, đất lúa...). Ngoài ra, là nguồn cung ứng cát cho các dự án đầu tư xây dựng.

Cũng theo ông Châu, công tác kêu gọi đầu tư các công trình giao thông ở địa phương còn rất hạn chế. Tỉnh cũng vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng dự án đầu tư; hoàn thuế giá trị gia tăng xuất khẩu.

Còn tồn tại những vấn đề chưa thể tháo gỡ trong một sớm một chiều

Lắng nghe các ý kiến của địa phương, đại diện các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Công thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước lần lượt giải đáp các thắc mắc.

Đa số đồng tình rằng, 3 tỉnh An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp dù còn một số tồn tại nhưng đã nỗ lực duy trì đà tăng trưởng. Cụ thể, tín dụng tăng hơn 2,3%, cao hơn mức bình quân cả nước; Hay lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng hóa của Đồng Tháp ước đạt 620,2 triệu USD, tăng 61,2% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 44,3% so với kế hoạch.

Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cam kết, các Bộ, ngành Trung ương đã, đang và sẽ tiếp nhận, giải quyết được những kiến nghị của địa phương. Những vấn đề còn tồn đọng sẽ tiếp tục trao đổi, thảo luận. Phần nào vượt thẩm quyền, đoàn công tác sẽ báo cáo xin ý kiến Thủ tướng, Chính phủ.

"Chúng ta cùng phấn đấu giải quyết cơ bản các kiến nghị địa phương trong tháng 5 này, trước thời điểm Thủ tướng dự hội nghị điều phối vùng", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Dù là vựa nông sản lớn của cả nước, khu vực ĐBSCL gặp thách thức không nhỏ từ cơ sở hạ tầng.

Dù là vựa nông sản lớn của cả nước, khu vực ĐBSCL gặp thách thức không nhỏ từ cơ sở hạ tầng.

Người đứng đầu Bộ NN-PTNT cho rằng, đợt xâm nhập mặn vừa qua, nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Cà Mau, chịu nhiều tác động. Do đó, những khó khăn mà địa phương đề xuất, Bộ trưởng hứa trả lời bằng văn bản trong thời gian sớm nhất.

Ông cũng chỉ rõ một số vấn đề ưu tiên như tiêu chí phân loại HTX, hay kinh phí thực hiện dự án tại cù lao Tây, dự án phòng chống thiên tai.

Thừa nhận "các địa phương còn lúng túng" trong việc đôn đốc sản xuất, giải ngân vốn đầu tư công, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng và đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn, Trưởng đoàn công tác của Chính phủ làm việc với 3 tỉnh đề nghị An Giang, Cà Mau và Đồng Tháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

"Chúng ta nên có cái nhìn thấu cảm, bởi 3 tỉnh còn tồn tại một số vấn đề nhạy cảm, chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều, chẳng hạn cát xây dựng tại Đồng bằng sông Cửu Long", Bộ trưởng tâm sự.

Trên cơ sở đó, vị tư lệnh ngành nông nghiệp chỉ đạo Cục Kiểm lâm, Cục Thủy lợi, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai lập đoàn công tác ngay trong tháng 5/2024 để hỗ trợ Cà Mau khảo sát những vấn đề liên quan tới nước sạch, chuyển nước từ cống Cái Lớn - Cái Bé về tái cơ cấu dân cư, cũng như bố trí lại không gian sản xuất tại những vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn mặn, những vùng có nguy cơ cháy rừng.

Ông Ngô Thế Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ NN-PTNT đề nghị địa phương báo cáo công tác định kỳ hàng tháng, vào ngày từ 20 đến 25, để Trưởng đoàn công tác Chính phủ nắm bắt tình hình và kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuất hiện vết nứt trên núi Phú Gia, di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân

THỪA THIÊN - HUẾ Trên núi Phú Gia xuất hiện vết nứt dài khoảng 50m, đã có 1 điểm lở xuống phía dưới, độ cao khoảng 20m có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân.