| Hotline: 0983.970.780

Biến đồi hoang thành rừng cao su

Thứ Năm 21/08/2014 , 09:04 (GMT+7)

Như có phép gì lạ, một vùng đất trống đồi núi trọc đang được phủ xanh bởi rừng cao su bạt ngàn. Điều gì đã tạo ra phép lạ ấy?

Đó là sự đồng lòng của các cấp chính quyền, nhân dân các dân tộc và Cty Cao su Yên Bái quyết tâm biến đồi hoang thành kho vàng xanh cho dòng nhựa trắng tuôn chảy...

Cty Cao su Yên Bái được thành lập tháng 4/2010, do chưa nằm trong quy hoạch tổng thể vùng, nên Cty được giao trồng thử nghiệm 3.000 ha cao su đến năm 2015. Nếu cây cao su phát triển tốt sẽ mở rộng diện tích lên 13.000 ha vào năm 2020.

Việc phát triển cây cao su ở Yên Bái có nhiều luồng ý kiến khác nhau, người ủng hộ thì ít mà phản đối thì nhiều. Bởi Yên Bái nằm ở khu vực giao thoa giữa hai vùng sinh tái Tây Bắc và Đông Bắc.

Nửa vùng đất phía đông của sông Hồng chịu ảnh hưởng khá mạnh của vùng sinh thái Đông Bắc nóng ẩm, nửa vùng đất phía tây sông Hồng thể hiện rõ đặc trưng vùng sinh thái Tây Bắc khô nóng.

16-01-17_1
Đồi cao su đội Suối Quyền trồng năm 2013

Nhiều năm trước đây tỉnh Yên Bái đã chịu thất bại cay đắng khi đưa một số cây về trồng: sở, lai, cà phê Catimor, dứa Cayen... Vì thế, khi đưa cao su về trồng đã khiến nhiều người nghi ngờ về tính hiệu quả.

Bài học đầu tiên mà Cty Cao su Yên Bái phải trả giá, đó là cuối năm 2010 Cty tổ chức trồng 330 ha cao su bằng các giống: GT1, RRim 600, Ric 121, Lai Hoa 83/85 chuyển từ phía Nam ra. Đây là những giống cao su xứ nóng không phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu khu vực miền núi phía Bắc, nên toàn bộ diện tích cao su bị chết rét.

Rút kinh nghiệm từ vụ trồng trước, Cty lựa chọn những giống cao su chịu lạnh: IAN 873, VNg 77-4, VNg 77-2, tổ chức SX cây giống tại chỗ.

Việc làm đó không chỉ giảm chi phí vận chuyển mà còn giúp cho cây thích nghi dần với điều kiện thời tiết đồng thời đẩy thời vụ trồng sớm hơn, nên khi gặp rét thì cây đã có sức chịu đựng.

Từ năm 2011 đến năm 2013 Cty đã trồng 1.285 ha cao su tại các huyện: Văn Chấn, Văn Yên theo quy hoạch của tỉnh Yên Bái. Ngoài ra trồng 188 ha tại tỉnh Phú Thọ.

Năm 2014 Cty đã dồn toàn lực cho việc trồng mới cao su, đến trung tuần tháng 8/2014 đã trồng được hơn 800 ha đưa tổng diện tích cao su của Cty là 2.275 ha. Như vậy, diện tích 3.000 ha cao su sẽ đạt như kế hoạch đề ra không phải là điều quá khó.

Toàn bộ diện tích cao su đã trồng của Cty Cao su Yên Bái phần lớn nằm trên diện tích đất trống đồi núi trọc và rừng nghèo kiệt mà người dân sau nhiều năm canh tác đã bỏ hoang.

Việc đưa cây cao su vào trồng trên diện tích đó không chỉ có ý nghĩa phủ xanh đất trống đồi núi trọc mà còn khai thác tiềm năng đất đai để tạo ra của cải vật chất cũng như tạo công ăn việc làm cho hàng trăm công nhân là đồng bào các dân tộc bản địa.

Hết năm 2013 tổng số cán bộ, công nhân của Cty Cao su Yên Bái là 361 người, trong đó 242 công nhân là đồng bào dân tộc thiểu số được tuyển tại địa phương, năm 2014 dự kiến tuyển thêm hơn 200 công nhân, trong đó ưu tiên người dân tộc địa phương đã tham gia góp đất cùng Cty trồng cao su.

PV báo NNVN đã có cuộc khảo sát tại đội cao su An Bình, ở đây Cty đã tiếp nhận hơn 30 công nhân là người địa phương, trong đó có nhiều người là dân tộc Dao. Chị Lý Thị Chánh, dân tộc Dao, thành thật: Trước đây tôi là công nhân lâm trường Văn Yên, nhưng không có việc làm, cuộc sống khó khăn lắm. Kể từ khi tôi được vào làm trong Cty Cao su, Cty giao khoán cho tôi trồng, chăm sóc 3 ha, thu nhập mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng, cuộc sống đã tạm ổn định...

Lần đầu tiên lên đội cao su Suối Quyền, tôi không hình dung nổi con đường lên Suối Quyền lại khấp khểnh như vậy. Suối Quyền nơi cư trú của dân tộc Dao, đây là xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn, cuộc sống của đồng bào nhiều năm trước chủ yếu làm nương rẫy.

Sau nhiều năm canh tác đất trở nên bạc màu, chai cứng để lại cả một vùng đất trống đồi núi trọc, nhiều chỗ cỏ không mọc lên nổi. Với quyết tâm biến vùng đất hoang hóa thành vùng cây cao su, công nhân đội cao su Suối Quyền ngày đêm san băng hạ cấp, mở đường lô để vận chuyển phân bón và cây giống lên núi.

Theo quy hoạch, đội cao su Suối Quyền trồng 500 ha cao su ở các bản: Suối Bắc, Suối Quyền, Suối Bó, Bản Nong, Cốc Cụ. Tổng diện tích đội đã trồng được 350 ha, trong đó năm 2014 trồng 250 ha. Giống cao su trồng ở Suối Quyền là giống I AN 873, 100 ha trồng năm 2013 hiện đang tạo tán.

Theo anh Đặng Tiến Trung - đội trưởng đội cao su Suối Quyền: Số công nhân của đội hiện nay là 35 người, chủ yếu là đồng bào các dân tộc và hơn 50 hộ nhận khoán tham gia trồng, bảo vệ và chăm sóc.

Điều khiến chúng tôi vô cùng bất ngờ là diện tích cao su đã trồng và diện tích cao su mới trồng đều phát triển rất tốt. Những lô cao su trồng năm 2013 thì đã cao vượt quá đầu người, còn diện tích mới trồng năm 2014 nhiều cây đã cao bằng đầu người.

Thật diệu kỳ, một vùng đất trống đồi núi trọc hoang hóa nhiều năm nay đang được hồi sinh trở lại của rừng cây cao su. Không còn nghi ngờ gì nữa, chỉ 5-6 năm nữa, rừng cao su sẽ cho dòng nhựa trắng làm đổi đời rất nhiều số phận của bà con dân tộc nơi đây.

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm