| Hotline: 0983.970.780

Biến động thị trường lúa gạo - góc nhìn từ doanh nghiệp

Thứ Năm 07/03/2024 , 06:00 (GMT+7)

Từ sau Tết, giá lúa gạo ở ĐBSCL biến động mạnh và giảm nhanh. Thương lái bỏ cọc, lúa đông xuân trúng mùa nhưng nông dân tiếc ngẩn ngơ khi lợi nhuận giảm từng ngày.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời.

Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Duy Thuận (ảnh), Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (LTG - Lộc Trời Group) về chuỗi liên kết giá trị lúa gạo, những nhận định về biến động thị trường lúa gạo…

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu lúa phục vụ chế biến gạo đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu, nhất là dịp đầu năm mới, khi nguồn cung lúa tại ĐBSCL chưa nhiều, Tập đoàn Lộc Trời đã có những chuẩn bị như thế nào?

Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) là đơn vị hoạt động chuyên sâu trong chuỗi giá trị lúa gạo, hệ sinh thái LTG rất đa dạng gồm: Viện Nghiên cứu Lộc Trời (LTI), Giống cây trồng Lộc Trời (LTS), Ngành Vật tư nông nghiệp Lộc Trời (LTV), Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời (LTF), Công ty CP Nông sản Lộc Trời (LTA).

Trong đó, Công ty CP Nông sản Lộc Trời (LTA) hiện là đơn vị cung ứng gạo lớn nhất Việt Nam, với 10 nhà máy chế biến gạo tại khu vực ĐBSCL, đủ năng lực cung ứng trên 2 triệu tấn gạo/năm và hơn 1 triệu tấn phụ phẩm như tấm, cám, trấu, củi trấu, tro trấu…. cho thị trường trong nước và quốc tế.  

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu lúa phục vụ chế biến cung ứng cho thị trường trong nước và đáp ứng đơn hàng xuất khẩu, LTG đã triển khai liên kết sản xuất gần 300.000ha lúa tại khu vực khu vực ĐBSCL với trên 300.000 nông hộ tham gia. Đối với năm 2024, đa số các đơn hàng xuất khẩu do LTG thực hiện, bắt đầu giao từ sau Tết Nguyên đán, thời điểm này đã có thu hoạch của vụ đông xuân sớm nên không ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng.

Năm 2024, Tập đoàn Lộc Trời có kế hoạch xuất khẩu lượng gạo bao nhiêu, tham gia những phân khúc và thị trường nào? Ngoài thị trường truyền thống, đơn vị có hướng tới những thị trường mới?

Năm 2024, LTG đặt mục tiêu sản xuất kinh doanh 2 triệu tấn gạo, tương đương với năng suất cung ứng mỗi năm của 10 nhà máy trong hệ sinh thái nông nghiệp Lộc Trời hiện tại. LTG sẽ xuất khẩu trực tiếp tới các thị trường trên thế giới, cung ứng xuất khẩu và nội địa.

Tập đoàn Lộc Trời ký kết thỏa thuận Liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa trên diện tích 200.000ha, giai đoạn 2024 - 2030 tại tỉnh An Giang.

Tập đoàn Lộc Trời ký kết thỏa thuận Liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa trên diện tích 200.000ha, giai đoạn 2024 - 2030 tại tỉnh An Giang.

Mới đây, tại Ngày hội khách hàng thường niên lần 1 vào cuối năm 2023, LTG đã ký kết với các đối tác lâu dài và tin cậy cho các đơn hàng gạo trắng hạt dài, gạo thơm, gạo nếp, gạo sushi, gạo nguyên liệu… đạt tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của từng thị trường. Cụ thể, tại trên 40 quốc gia từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines, châu Phi.

Ngoài các nước như Đức, Pháp, Áo, LTG tiếp tục đàm phán, ký kết để mở rộng thị phần gạo thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” tại Anh… để đưa gạo ngon Lộc Trời đến với bà con Việt Nam xa xứ và người tiêu dùng quốc tế, góp phần rạng danh nông sản Việt Nam.

Trong vụ lúa đông xuân 2023 - 2024 và vụ hè thu 2024, Tập đoàn đã phối hợp, ký kết với các địa phương ở ĐBSCL xây dựng vùng nguyên liệu với diện tích, các giống lúa chủ lực và phương thức hỗ trợ các tổ chức nông dân, hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu lúa?

LTA đã ký kết triển khai vùng nguyên liệu lúa lên đến trên 300.000ha tại các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL, đặc biệt là khu vực An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng… từ nay đến năm 2030 và đang tích cực tham gia vào “Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” mà Chính phủ Việt Nam đã phê phê duyệt và Bộ NN-PTNT đang triển khai thực hiện ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Các thành viên trong hệ sinh thái nông nghiệp Lộc Trời cung ứng dịch vụ cơ giới hóa đồng bộ cho nông dân liên kết canh tác lúa như máy cày, drone sạ giống, phun thuốc, máy gặt, máy cuộn rơm…

Các thành viên trong hệ sinh thái nông nghiệp Lộc Trời cung ứng dịch vụ cơ giới hóa đồng bộ cho nông dân liên kết canh tác lúa như máy cày, drone sạ giống, phun thuốc, máy gặt, máy cuộn rơm…

Trên các vùng mà LTA triển khai liên kết sản xuất với bà con nông dân, các giống lúa canh tác được trồng theo các đơn đặt hàng gồm một số giống chính, bà con đã quen trồng và có năng suất cao như OM5451, OM18, Lộc Trời 28, Jasmine 85… Các thành viên trong hệ sinh thái nông nghiệp Lộc Trời cùng nhau tham gia hỗ trợ bà con từ việc cung cấp giống xác nhận, quy trình canh tác, “Bộ giải pháp T1H” bao gồm các sản phẩm bảo vệ cây trồng phù hợp với từng giống và từng vùng địa lý, các loại dịch vụ cơ giới hóa đồng bộ như máy cày, drone sạ giống, phun thuốc, máy gặt, máy cuộn rơm…

Đặc biệt, lực lượng đội ngũ trên 1.000 kỹ thuật viên nông nghiệp “Ba Cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) ngày đêm đồng hành với bà con nông dân trên từng mảnh ruộng để kịp thời tư vấn, khuyến khích bà con thay đổi thói quen canh tác, tăng hiệu quả sản xuất đồng thời nhàn công hơn, bảo vệ sức khỏe và môi trường sống.

Lộc Trời cũng phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh An Giang dự kiến thành lập và triển khai hoạt động của các chi hội nông dân nghề nghiệp trồng lúa chất lượng cao tại các huyện, xã trên địa bàn tỉnh. Với các hoạt động này, Lộc Trời phối hợp để tổ chức tập huấn, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất theo chuỗi giá trị, cùng bà con nông dân tổ chức liên kết sản xuất, triển khai các mô hình canh tác hiệu quả…

Hiện nay, giá lúa gạo tại ĐBSCL đang có sự biến động mạnh khi nông dân vào vụ thu hoạch rộ, ông có nhận định như thế nào về thị trường lúa gạo trong nước và thế giới trong thời gian tới?

Vụ đông xuân 2023 - 2024 là vụ mùa chính tại vựa lúa ĐBSCL, lượng lúa thu hoạch lớn nhất trong năm và đa phần dùng cho hoạt động xuất khẩu. Do lượng lúa lớn lại thu hoạch đồng loạt nên giá giảm so với vụ thu đông 2023. Các đơn vị nhập khẩu nước ngoài cũng đang tìm cách đặt giá thấp để lấy lại phần lợi nhuận sụt giảm trong năm 2023 do giá gạo tăng đột biến.

Giá xuất khẩu gạo sẽ còn biến động tùy thuộc vào việc nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ, nhu cầu nhập khẩu của Indonesia để bù đắp cho vụ mùa kém hiệu quả vừa qua do hạn nặng, khách hàng Philippines cũng đang ráo riết mua với giá thấp nhất có thể trong tháng 3, tháng 4 và tháng 5/2024.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2024 sẽ đạt 7,2 tỷ USD

Tổng Thư ký Vinafruit cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng từ 3,3 tỷ USD năm 2022 lên 5,6 tỷ USD năm 2023 và sẽ đạt 7,2 tỷ USD năm nay.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Hộp quà bất ngờ từ Vinamilk mang niềm vui ấm áp đến trẻ em vùng cao

'Hộp quà bất ngờ' của Vinamilk đã xuất hiện tại Trường Mầm non Sinh Long huyện miền núi Na Hang, tỉnh Tuyên Quang vào một ngày trời trở rét đậm.