Bulog thông báo mời thầu nhập khẩu 500.000 tấn gạo vào đầu năm 2024, nhằm gia tăng dự trữ lương thực.
Trong đợt mở thầu lần này, Indonesia yêu cầu gạo nhập khẩu 5% tấm phải có xuất xứ từ Việt Nam, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Myanmar, Thái Lan.
Theo danh sách do Bulog công bố, Việt Nam có 7 doanh nghiệp trúng 10/17 gói thầu của Indonesia. Trong đó, 3 doanh nghiệp lớn của Việt Nam mỗi đơn vị trúng đến 2 lô gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (LTG) trúng lô thầu số 8 và 14; Tổng công ty Lương thực miền Bắc trúng lô số 15 và 16; Tổng công ty Lương thực miền Nam trúng lô số 3 và 9.
Tiếp đến là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Kiên Giang trúng lô thầu số 12 và Công ty TNHH lương thực Phát Tài (Đồng Tháp) trúng lô 11; Công ty Cổ phần Quốc Tế Gia trúng thầu lô số 6; Công ty Cổ phần Thực phẩm thiên nhiên King Green (Vua gạo) trúng thầu lô số 2.
Việt Nam là nước duy nhất có nhiều doanh nghiệp tham gia và thắng thầu với số lượng lớn. Ngoài Việt Nam, còn có 6 doanh nghiệp của các quốc gia khác trúng thầu.
Theo một số chuyên gia, với gói thầu 500.000 tấn mà Indonesia vừa “chốt sổ”, các doanh nghiệp Việt Nam chiếm số lượng khoảng 2/3. Đây là tín hiệu tích cực để chuẩn bị và tin tưởng vào vụ đông xuân sẽ thu hoạch sau Tết Nguyên đán được thắng lợi lớn. Theo kế hoạch, năm nay Indonesia sẽ nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn gạo gần tương đương với Philippines - nước tiếp tục sẽ là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới và khách hàng truyền thống của Việt Nam.
Cập nhật từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), giá gạo xuất khẩu loại tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan đang cao nhất thế giới với 655 USD/tấn, trong khi đó, gạo Việt Nam là 642 USD/tấn và Pakistan là 638 USD/tấn.