Trước tình hình trên, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm giúp tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân. Riêng với doanh nghiệp ngành phân bón, giải pháp hỗ trợ thiết thực cho người nông dân lúc này là việc cung cấp sản phẩm phân bón, đi cùng với giải pháp canh tác hiệu quả trên đồng ruộng. Đây cũng là những khẳng định của ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền trong buổi xuất hàng đầu năm Nhầm Dần vừa qua.
Với nông dân làm lúa vùng ĐBSCL, vụ hè thu 2021 đánh dấu nhiều cột mốc, là bước chuyển bắt buộc nông dân phải đổi mới để thích nghi với điều kiện thời tiết bất lợi và giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19.
Cũng bắt đầu từ mùa vụ này, bà con thực sự đã biết được nông nghiệp 4.0 là gì, vì đã trực tiếp được thực hành ứng dụng, được giải đáp các vấn đề thực tiễn trên đồng ruộng online bởi các nhà khoa học tư vấn trực tuyến qua điện thoại, livestream.
“Canh tác lúa thông minh đã giúp chúng tôi từng bước tiến bộ, biết phương thức để hiểu đất, nước, hiểu cây lúa để áp dụng quy trình canh tác, bón phân cân đối, hiểu công nghệ để áp dụng hiệu quả trên chính ruộng lúa của gia đình” anh Ngân Văn Phi ở ấp Gò Gòn, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An chia sẻ tâm huyết sau vụ hè thu 2021.
Về mô hình canh tác lúa thông minh do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền thực hiện, GS.TS Nguyễn Bảo Vệ đánh giá: Qua ứng dụng kỹ thuật của bà con trong chương trình, cho thấy nông dân rất nhạy bén và muốn tìm hiểu những cái mới. Năng suất lúa của 300 mô hình mà bà con đã tham gia tăng lên, chi phí giảm. Lợi nhuận trung bình qua 5 vụ của 300 mô hình đã tăng thêm 4 triệu đồng/ha.
GS.TS Nguyễn Bảo Vệ nhớ lại: Sau vụ đông xuân 2020 - 2021, để chuẩn bị cho vụ hè thu thì đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Rất hay là Công ty Bình Điền đã nghĩ ra cách phải xây dựng một "phim trường" để tập huấn cho nông dân thông qua hình thức trực tuyến nhằm giúp bà con không bị đứt gãy trong chương trình tiếp cận với quy trình canh tác lúa thông minh. "Các buổi tập huấn theo đó được thực hiện bằng hình thức livestream, rồi sau đó phát trên facebook, fanpage để bà con có thể xem lại. Tôi rất bất ngờ khi bà con tiếp cận công nghệ rất nhanh", GS.TS Nguyễn Bảo Vệ nhận xét.
Nhận định về những khó khăn mà nông dân đang phải đối mặt, ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cho biết: Năm 2021, mặc dù giá phân bón tăng cao, Bình Điền vẫn giữ mức tăng bình quân 16% (cả năm) để đồng hành cùng nhà nông phát triển nông nghiệp bền vững.
"Đây là một trong những chính sách chia sẻ cùng bà con. Chúng tôi mong muốn không chỉ bán vật tư phân bón với giá hợp lý, mà còn cung cấp cả giải pháp canh tác để bà con sử dụng tốt, đạt hiệu suất sử dụng phân bón trên đồng ruộng cao nhất, đó mới là giá trị. Vậy nên, Bình Điền sẽ tiếp tục cùng các nhà khoa học nghiên cứu để nâng hiệu suất sử dụng phân bón trên đồng ruộng. Điều này sẽ giúp mang lại giá trị rất lớn, giúp bà con giảm tối đa chi phí sản xuất, nhưng vẫn đạt hiệu quả cao nhất trong canh tác", ông Ngô Văn Đông nói.
"Trong năm 2022, song song với việc đẩy mạnh sản xuất để duy trì nguồn cung phân bón ổn định, Bình Điền sẽ tiếp tục cùng với Hội đồng cố vấn khoa học kỹ thuật của Công ty là những chuyên gia nông nghiệp đầu ngành nghiên cứu, xây dựng các quy trình canh tác thông minh, hiệu quả trên cây lúa và nhiều loại cây trồng khác để chuyển giao đến bà con. Điều này sẽ góp phần mang đến giá trị lớn cho nông dân khi vừa giúp giảm chi phí, tăng năng suất, tăng hiệu quả sản xuất", ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cho biết.