Những năm hồ tiêu có giá cao, người trồng tiêu đã đầu tư thâm canh cao để đạt năng suất cao, thu lợi nhuận lớn. Đã có những vườn hồ tiêu đạt năng suất từ 5 - 6 kg tiêu đen/trụ, tương đương với 7 - 8 tấn tiêu đen/ha hoặc hơn nữa. Chính sự thâm canh thái quá với việc lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích, điều hòa sinh trưởng… đã để lại nhiều hậu quả trong sản xuất nông nghiệp như ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước; đất đai thoái hóa; sâu bệnh hại trên cây hồ tiêu phát sinh thành dịch, gây thiệt hại nặng mà chưa có phương cách phòng trừ hữu hiệu. Ngoài ra, còn có tình trạng chất lượng hạt tiêu không đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm; tồn dư hóa chất bị cảnh báo vượt mức cho phép.
Trong sản xuất hồ tiêu, việc quản lý sâu bệnh hại là vấn đề nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Các loại sâu bệnh hại nguy hiểm trên cây hồ tiêu thường phát sinh từ đất nên rất khó khăn trong việc phòng trừ, đó là các bệnh chết nhanh (do nấm Phytophthora spp), bệnh chết chậm (chủ yếu do tuyến trùng u sưng rễ Meloidogyne incognita kết hợp với một số loại nấm gây hại trong đất gây ra) và rệp sáp hại rễ (do Pseudococcus citri).
Để quản lý tốt dịch hại cho cây trồng, không thể chỉ dựa vào hóa chất bảo vệ thực vật mà phải dựa vào biện pháp phòng trừ tổng hợp. Điều này càng có ý nghĩa đặc biệt hơn đối với cây hồ tiêu, là một loại cây trồng lâu năm rất nhạy cảm với các thay đổi về điều kiện thời tiết, đất đai, lại dễ bị các loại dịch hại nguy hiểm tàn phá.
Quản lý dịch hại tổng hợp trên cây hồ tiêu cần áp dụng đồng bộ những giải pháp kỹ thuật sau:
- Chọn đất trồng phù hợp
Đất trồng hồ tiêu phải có tầng canh tác dày, mực nước ngầm sâu hơn 2m, thoát nước tốt. Trồng tiêu trên đất dốc thoải tốt hơn trên đất bằng phẳng vì thoát nước tốt hơn. Trên những nơi đất bằng phẳng, cần lưu ý thiết lập các rãnh thoát nước ra khỏi vườn tiêu trong mùa mưa, không để nước đọng lại trong vườn tiêu.
Không trồng lại hồ tiêu trên các vùng trồng tiêu bị nhiễm sâu bệnh hại trong đất mà chưa qua luân canh nhiều năm để cắt đứt nguồn sâu bệnh trong đất và cải tạo đất. Lưu ý không sử dụng lại trụ tiêu ở các vườn bị bệnh đem trồng ở vườn mới mà chưa qua xử lý sâu bệnh cẩn thận.
- Chọn giống tiêu sạch bệnh
Hiện nay, chưa có giống hồ tiêu nào kháng bệnh chết nhanh, chết chậm là các bệnh rất nguy hiểm trên cây hồ tiêu. Tuy vậy khi trồng tiêu, cần chọn cây giống sạch bệnh để trồng. Cây giống sạch bệnh phải bảo đảm mật số tuyến trùng và nấm bệnh trong bầu cây giống ở dưới mức không gây hại cho cây tiêu non. Cần chú ý hom nhân giống không được phép lấy từ các vườn tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm và các vườn tiêu có triệu chứng bị hại do virus (lá tiêu bị khảm, bị xoắn lá, rụt ngọn)
- Sử dụng cây trụ sống để trồng tiêu
Cây tiêu ưa ánh sáng tán xạ hơn nắng gắt. Trồng cây trụ sống phù hợp với sinh lý ra hoa đậu quả của cây tiêu hơn trụ đúc bằng bê tông, đặc biệt là trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, nhiệt độ ngày càng nóng hơn, các cơn mưa và các kỳ nắng hạn trong năm trở nên thất thường hơn.
Trụ sống thường được trồng với mật độ 1.600 trụ tiêu/ha (2,5 x 2,5m) hoặc thưa hơn (3 x 2,5 - 3m), trong khi đó trụ đúc bê tông vì bị hạn chế về chiều cao và đường kính trụ tiêu nên thường được trồng dày hơn. Mật độ thưa giúp việc quản lý sâu bệnh hại tốt hơn so với mật độ dày vì sẽ hạn chế sự lây lan các loại côn trùng, nấm bệnh gây hại trong đất qua đất và nước.
- Tiêu thoát nước tốt cho vườn tiêu trong mùa mưa
Vun gốc, không để nước đọng trong gốc tiêu dưới các cơn mưa lớn vào mùa mưa. Điều này sẽ hạn chế nấm Phytophtora phát triển mạnh, gây hại phần thân ngầm gốc tiêu. Đây là một kỹ thuật canh tác tốt trong việc quản lý bệnh chết nhanh cho cây hồ tiêu. Cần lưu ý chỉ thực hiện việc vun gốc vào các thời kỳ tạnh ráo đầu mùa mưa và hạn chế việc làm đứt rễ tiêu.
- Không nên làm cỏ trắng trong vườn tiêu
Chỉ làm sạch cỏ trong gốc, còn giữa các hàng tiêu thì nên trồng cây che phủ đất hoặc giữ lại thảm cỏ ở mức độ không cạnh tranh dinh dưỡng và sinh trưởng với cây tiêu để tạo nên sự đa dạng sinh học trong vườn tiêu. Các thảm cỏ hoặc thảm cây che phủ giữa hai hàng tiêu cũng góp phần hạn chế sự lây lan các loại sâu bệnh nguy hiểm trong đất.
- Thường xuyên sử dụng các chế phẩm sinh học hoặc các chế phẩm vi sinh đối kháng để phòng trừ các dịch hại nguy hiểm trên cây tiêu như chế phẩm Chitosan, chế phẩm Trichoderma, Pseudomonas, Metarrhizium….
- Hạn chế sử dụng thuốc BVTV, không phun thuốc định kỳ mà chỉ dùng khi thực sự cần thiết. Sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng" và ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học.
- Trong chế độ bón phân, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, kết hợp bón phân hóa học một cách hợp lý. Bón phân khoáng cân đối cả về đa, trung vi lượng để đảm bảo cây sinh trưởng khỏe, có thể chống chịu với sâu bệnh hại tốt hơn, đạt năng suất ổn định qua các năm.
Để hướng tới một nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ sinh học và quản lý dịch hại trên hồ tiêu có hiệu quả, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đề nghị một chế độ bón phân cho hồ tiêu như sau:
- Bón phân hữu cơ hàng năm cho hồ tiêu: Dùng Phân hữu cơ vi sinh Đầu Trâu, HCMK 7, HCMK8 là các loại phân hữu cơ có phối trộn các dòng vi sinh vật hữu ích và vi sinh vật đối kháng với vi sinh vật gây bệnh trong đất như Bacillus sp, Trichoderma sp, Pseudomonas putida...
Ngoài các loại phân hữu cơ vi sinh vừa nói trên đã được sử dụng rộng rải trên thị trường hiện nay, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cũng mới đưa ra thị trường thêm một loại phân hữu cơ cao cấp hơn có tên là Đầu Trâu Organic Đa dụng, với thành phần hữu cơ lên đến 48,6%. Liều lượng bón phân hữu cơ 3 - 5 kg/trụ, chia ra bón 1 - 2 lần/năm.
- Bón phân NPK Đầu Trâu có phối trộn trung vi lượng: Bón 0,8 - 1,2 kg/trụ/năm tùy năng suất tiêu. Lượng phân NPK này chia làm 4 - 5 lần bón trong năm. Trong thời kỳ tiêu ra hoa, dùng các công thức 16-16-8 TE hoặc Đầu Trâu tăng trưởng 19-12-6 TE. Trong thời kỳ nuôi quả, dùng công thức Đầu Trâu chuyên dùng cho hồ tiêu 19-9-19-TE hoặc Đầu Trâu chắc hạt 16-6-19 TE, mỗi lần bón từ 200 - 250g/trụ.